Nhiều phương án ngăn chặn dịch COVID-19 tấn công doanh nghiệp

15-09-2021 18:59 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Sau khi tỉnh Bình Dương liên tiếp phát hiện các ca mắc COVID-19 lây nhiễm ngoài cộng đồng, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt các phương án để ứng phó nhằm thực hiện "mục tiêu kép", vừa bảo vệ sức khỏe người lao động vừa không để "đứt gãy" hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Phòng chống dịch COVID- 19 tại Khu công nghiệpPhòng chống dịch COVID- 19 tại Khu công nghiệp

SKĐS - Khu công nghiệp là nơi có mật độ công nhân lao động tập trung lớn, đến từ nhiều địa phương khác nhau. Nếu xảy ra dịch bệnh, đây có thể là nơi lây lan, phát tán virus nhanh nhất. Vậy làm thể nào để phòng, tránh dịch bệnh tại các Khu công nghiệp?

Kích hoạt hệ thống chống dịch trong doanh nghiệp ở mức độ cao nhất

Tỉnh Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp, 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng số hơn 1,2 triệu lao động. Hiện một số nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô dưới 500 công nhân đã có phương án cho công nhân sinh hoạt và làm việc tại nhà máy. 

Doanh nghiệp tận dụng các khu nhà tập thể hiện có hoặc sử dụng nhà kho, dọn dẹp một phần nhà xưởng, mua thêm lều trại, trang thiết bị và cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện cho công nhân ở lại nơi làm việc.

Nhiều phương án ngăn chặn dịch COVID-19 tấn công doanh nghiệp - Ảnh 2.

Trước và sau mỗi giờ làm, công nhân đều được kiểm tra thân nhiệt để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai ngay cho các DN thực hiện nghiêm các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Theo đó, yêu cầu thành lập Tổ an toàn COVID-19 trong các DN, xem xét việc bố trí tối thiểu 20 - 50% công nhân ăn ở và làm việc tại DN để bảo đảm an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất...

Đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương tham mưu ngay cho UBND tỉnh thành lập 100 tổ/đoàn để kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp và các DN lớn ngoài khu công nghiệp, tổ chức thực hiện thí điểm DN tự triển khai test nhanh COVID-19 cho công nhân…

Đồng hành cùng chính quyền và người lao động trong công tác phòng, chống dịch, Công ty Thắng Lợi (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, phường Mỹ Phước, Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã kích hoạt hệ thống chống dịch trong doanh nghiệp ở mức độ cao nhất. Công ty cho một nửa số nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh làm việc online tại nhà để đảm bảo được công việc khi có dịch bệnh xảy ra. Tại nhà máy, công ty yêu cầu công nhân thực hiện giãn cách và thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly nếu có trường hợp F0.

Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có gần 7.000 công nhân của 46 nhà máy được tổ chức ở lại nơi làm việc ít nhất hai tuần để đảm bảo không đứt mạch sản xuất khi dịch bùng phát, xâm nhập. Các công ty đã chọn phương án "3 tại chỗ", tổ chức cho công nhân lao động (CNLĐ) ăn, ở và làm việc tại nhà máy.

Các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Công ty Cổ phần Trần Đức có gần 1.000 CNLĐ mà đã có tới hơn 300 CNLĐ bị cách ly, phong tỏa các ở các khu nhà trọ, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Hành chính - Nhân sự của công ty cho biết: "Để bảo đảm sức khỏe, thu nhập của CNLĐ cũng như ổn định hoạt động sản xuất, Ban giám đốc công ty đã sắp xếp lại các khu vực trong nhà máy, để dành không gian làm nơi ở cho CNLĐ, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để lắp đặt, bố trí chỗ nghỉ an toàn, thoáng mát và bố trí các khu phòng tắm, nhà vệ sinh, máy sấy quần áo... cho CNLĐ. Ngoài miễn phí 4 bữa ăn gồm sáng, trưa, chiều và tối, mỗi CNLĐ còn được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng để chi tiêu. Đồng thời, công ty liên hệ với Trung tâm Y tế TP.Thuận An để tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho tất cả CNLĐ lưu trú trong công ty".

Nhiều phương án ngăn chặn dịch COVID-19 tấn công doanh nghiệp - Ảnh 4.

Doanh nghiệp trang bị cơ sở vật chất cho công nhân tại nơi làm việc để thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Chị Đào Thị Ngọc công nhân Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, hiện tình hình dịch ở Bình Dương rất căng, hàng ngày các ca F1 phải đưa đi cách ly khiến cho tình hình sản xuất ở các công ty bị trì trệ và gián đoạn. Công đoàn cơ sở đã chủ động hỗ trợ cho người lao động ăn, ở tại nơi làm việc không cần về nhà trọ. Biện pháp này cũng khá hay và hiệu quả trong thời điểm hiện nay vì vừa đảm bảo phòng chống dịch mà cũng duy trì được sản xuất kinh doanh.

"Công ty chúng tôi có hơn 90% công nhân đang ở trọ trong các khu dân cư. Vì thế, khi nhận thấy dịch bệnh xâm nhập vào các nhà máy, khu công nghiệp, chúng tôi đã lấy ý kiến người lao động. 100% đồng ý ăn, ở và làm việc tại nhà máy trong thời gian dịch bệnh" - bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) cho biết.

Bên cạnh việc lo ăn uống chu đáo cho công nhân, công ty hỗ trợ mỗi người 5,5 triệu đồng trong 3 tuần ở lại nhà máy, không tính lương và các khoản phụ cấp khác. Mức hỗ trợ này được duy trì xuyên suốt nếu dịch bệnh còn kéo dài, bà Linh cho biết thêm.

Về phía Sở LĐ-TB&XH tỉnh, ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho rằng, cách làm này của các doanh nghiệp sẽ giúp người lao động yên tâm hơn, doanh nghiệp giữ được nhịp sản xuất trước tình trạng các khu công nghiệp, nhà máy ở Bình Dương đan xen khu dân cư, nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch và đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn