Hà Nội

Bệnh amip gây tổn thương não hiếm gặp, lây truyền như thế nào?

02-06-2024 10:38 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mới đây, bé gái 10 tháng tuổi (Bến Tre) mắc bệnh amip tổn thương não được các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận và điều trị khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Vậy bệnh amip tổn thương não lây lan như thế nào?

Thận trọng khi tắm ao, hồ, sông, suối

Amip Naegleria fowleri là một ký sinh trùng đơn bào, thuộc lớp chân giả và là loài Naegleria duy nhất gây bệnh ở người bệnh đã từng bơi ở hồ nước ngọt, sông và suối nước nóng. Loại bệnh hiếm gặp này có thể dẫn đến tử vong trong 95% các trường hợp.

Naegleria vốn là một vi sinh vật sống tự do trong môi trường, sinh sống bằng cách ăn (thực bào) các vi khuẩn chung quanh. Khi tình cờ đi lạc vào cơ thể người, nó bắt buộc phải tồn tại bằng cách thực bào các tế bào trong mô não.

Đôi khi, loại ký sinh trùng này cũng được tìm thấy trong đất. Chúng đi lên mũi đến não và gây ra các tổn thương nghiêm trọng ở khu vực này. Hầu hết những người bị nhiễm naegleria đều tử vong trong vòng một tuần sau khi nhiễm.

Trên thực tế, hàng triệu người tiếp xúc với amip gây nhiễm trùng naegleria mỗi năm, tuy nhiên chỉ một số ít trong số họ bị bệnh. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được tại sao một số người bị nhiễm naegleria trong khi những người khác thì không mặc dù họ cùng tiếp xúc với chúng trong một môi trường.

Bệnh amip gây tổn thương não hiếm gặp, lây truyền như thế nào?- Ảnh 1.

Amip gây tổn thương não người rất hiếm gặp.

Không quá lo lắng

Các amip xâm nhập vào cơ thể con người qua mũi khi mũi tiếp xúc với nước hoặc bụi bẩn. Tiếp đó chúng đi đến não của người nhiễm thông qua các dây thần kinh dẫn truyền khứu giác. Từ mũi, amip di chuyển đến nhu mô não của con người và ký sinh tại đó. Khi bơi, tắm tại các hồ bơi nước ngọt, suối nước nóng hay khu vực nước ấm như sông, hồ, hoặc nước bẩn tiếp xúc trực tiếp vào mũi trực tiếp vào có thể bị amip xâm nhập.

Theo thống kê, hầu hết những người bị bệnh amip gây tổn thương não đã bơi ở hồ nước ngọt trong vòng hai tuần trước khi phát hiện bệnh. Amip gây tổn thương não người phát triển mạnh ở những nơi có nước ấm hoặc nóng với nhiệt độ lý tưởng là khoảng 35 độ C. Loại ký sinh trùng này phát triển và sinh sản chủ yếu vào mùa hè khi nhiệt độ nước ấm tăng lên.

Trẻ em và vị thành niên là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi amip. Nguyên nhân có thể là do những đối tượng này thích ở trong nước lâu hơn và hoạt động nhiều hơn khi ở dưới nước, từ đó tạo điều kiện cho amip có thời gian để di chuyển từ mũi lên não.

Tuy vậy, không phải ai tiếp xúc với amip đều bị bệnh. Thay vào đó chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong số hàng triệu người tiếp xúc với Naegleria fowleri bị mắc bệnh này.

Chú ý, con người hoàn toàn không bị nhiễm bệnh khi uống các nguồn nước bị nhiễm bệnh. Hiện vẫn chưa ghi nhận bằng chứng bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành bằng các con đường thông thường. Do vậy, chúng ta cũng không nên quá lo lắng khi bản thân đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Thực tế naegleria Fowleri không tồn tại trong nước biển và các hồ bơi đã được xử lý đúng cách (được diệt khuẩn với chlorine) nên không cần e ngại khi đi biển hay đi bơi hàng tuần.

Hạn chế lặn khi tắm hồ, ao, sông, chú ý không bị sặc nước vào mũi, tránh bơi trong nước đục và đạp khuấy lớp bùn ở dưới đáy hồ, ao, sông.

Có thể sử dụng kẹp mũi hay nút mũi khi bơi và sử dụng nước muối để rửa mũi hay rửa xoang sau khi bơi. Nếu hồ, ao, sông bẩn không đảm bảo tốt nhất không tắm.

Cần phát hiện sớm dấu hiệu bệnh amip gây tổn thương não

Bệnh amip gây tổn thương não hiếm gặp, lây truyền như thế nào?- Ảnh 2.

Nên bảo hộ mũi tai cho trẻ khi bơi.

Khi bị nhiễm amip Naegleria, người bệnh sẽ mắc chứng viêm não màng não tiên phát do amip. Bệnh có tên khoa học là Primary amebic meningoencephalitis) với triệu chứng đặc trưng là viêm não và phá hủy mô não.

Thông thường bắt đầu từ 2 cho đến 15 ngày sau khi nhiễm amip, người bệnh sẽ các triệu chứng đặc trưng như: Thay đổi về khứu giác, vị giác; Sốt; Đau đầu đột ngột, dữ dội. Ở giai đoạn nặng sẽ có biểu hiện cứng cổ; Nhạy cảm với ánh sáng; Buồn nôn và ói mửa; Mất cân bằng cơ thể; Hay nhầm lẫn; Buồn ngủ; Động kinh; Ảo giác;…

Mặc dù amip ăn não người hiếm gặp nhưng một khi đã nhiễm loại ký sinh trùng này, bệnh nhân gần như đều tử vong. Trên thực tế, amip gây bệnh đường tiêu hóa hay nặng hơn là áp-xe gan vẫn có thuốc điều trị được, tuy nhiên trường hợp lên tới não thì rất khó để chữa trị.

Lời khuyên thầy thuốc

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) biện pháp để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng naegleria một cách hiệu quả là: Không bơi vào hoặc nhảy xuống những hồ nước ngọt, hồ nước ấm nếu không thực sự cần thiết, nhất là nơi ao tù nước đọng, bẩn. Bịt mũi hoặc sử dụng kẹp mũi trong trường hợp phải bơi, lặn vào những vùng nước ấm. Không làm xáo trộn trầm tích lắng ở dưới đáy hồ/bể bơi/ao khi bơi ở vùng nước nông và ấm. Thăm khám sức khỏe thường xuyên.

Khoa Hồi sức Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang tiếp nhận một trường hợp trẻ 10 tháng tuổi nhập viện vào ngày thứ 3 của bệnh với các triệu chứng sốt cao, nôn ói nhiều... Sau nhập viện, trẻ bắt đầu lên cơn co giật toàn thân nhiều lần kèm rối loạn tri giác nên được đặt nội khí quản. Bệnh nhi bắt đầu hôn mê sâu, không đáp ứng với các kích thích, siêu âm não và chụp cắt lớp vi tính sọ não ghi nhận có giãn não thất cấp tính. Các bác sĩ đã quyết định làm PCR đa tác nhân trong dịch não tủy. Kết quả xét nghiệm ghi nhận ký sinh trùng Naegleria fowleri trong dịch não tủy với số lượng copies rất cao. Xác nhận lại bằng soi tươi phát hiện có amip "ăn não" trong mẫu dịch não tủy của bệnh nhi. Hiện tại bệnh nhi vẫn đang được điều trị tích cực với thở máy, dẫn lưu não thất ngoài để giảm áp lực nội sọ, chống phù não, kháng sinh phổ rộng… nhưng tình trạng vẫn còn rất nặng.

Bé 10 tháng tuổi được phát hiện bị bệnh amip Bé 10 tháng tuổi được phát hiện bị bệnh amip 'ăn não' sau 3 ngày sốt cao

SKĐS - Sau sốt cao, nôn ói, lừ đừ 3 ngày, bé 10 tháng tuổi phát hiện bị bệnh amip "ăn não" hiếm gặp, tỷ lệ tử vong trên 95%.

BS. Vũ Xuân Quang
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn