Người gieo mầm và vun đắp cho "ngôi nhà" ấm áp này là chị Vũ Thị Hằng (42 tuổi), một thành viên đầy nhiệt huyết của Nhóm Từ Tâm, một tổ chức thiện nguyện hoạt động tích cực tại Bệnh viện K Tân Triều. Suốt 9 năm gắn bó với công việc tình nguyện, chị Hằng đã chứng kiến biết bao mảnh đời éo le, những bệnh nhân khắc khổ phải ngả lưng trên ghế đá lạnh lẽo của bệnh viện, vội vàng ăn vội gói xôi trước giờ truyền hóa chất, hay hình ảnh những người nhà mỏi mòn tìm kiếm một chỗ trọ giá rẻ đến nao lòng.
Thấu hiểu sâu sắc những nhọc nhằn mà bệnh nhân ung thư và gia đình họ phải gánh chịu, bởi chính chị cũng từng là một người bệnh K tuyến giáp, chị Hằng đã ấp ủ một ý tưởng sẻ chia thiết thực hơn. Ban đầu, chị tham gia Nhóm Từ Tâm với công việc phát cháo và cơm miễn phí tại Bệnh viện K Tân Triều. Nhưng qua những lần trò chuyện, lắng nghe những tâm sự của người bệnh, chị nhận ra rằng, ngoài những bữa ăn, điều họ thực sự cần là một nơi nghỉ ngơi tươm tất, một chỗ dựa tinh thần vững chắc trong suốt quá trình gian nan chiến đấu với bệnh tật.

Chị Hằng và căn nhà trọ 0 đồng. Ảnh: Vũ Xuân Anh
Từ những trăn trở ấy, chị Hằng đã quyết tâm thuê một căn phòng với giá 5 triệu đồng mỗi tháng để làm nhà trọ miễn phí. Từ bốn chiếc giường tầng ban đầu, đến nay, "ngôi nhà" đã mở rộng thành 21 phòng, trải rộng trên ba tầng của căn nhà số 27. Mỗi phòng được trang bị sáu giường tầng, có thể đón nhận tới 12 người.
Những ngày đầu xây dựng mô hình đầy ý nghĩa này, chị Hằng phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Gánh nặng tài chính là một trở ngại lớn, nhưng điều khiến chị trăn trở hơn cả là làm sao để lấp đầy những căn phòng trọ. Bởi lẽ, để những người bệnh vốn đã mang trong mình nỗi lo âu tin tưởng và tìm đến một nơi ở miễn phí không phải là điều dễ dàng. "Trước khi tôi đặt cọc căn phòng trọ đầu tiên, chủ nhà đã nói trước rằng từng có một nhóm khác thuê trọ miễn phí cho người bệnh nhưng không có ai đến ở, cuối cùng họ phải trả phòng," chị Hằng nhớ lại.
Về vấn đề tài chính, chị Hằng thẳng thắn chia sẻ: "Tôi cũng chỉ là một người lao động bình thường, vẫn phải lo toan cuộc sống gia đình. Việc xây dựng được mô hình này phần lớn nhờ vào sự may mắn khi nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, không phải lúc nào quỹ cũng dư dả. Có những thời điểm quỹ xuống thấp chỉ còn 3 triệu đồng, tôi và hai người chị em trong nhóm đã tự nguyện trích tiền túi của mình để đóng góp. May mắn là tôi đã làm thiện nguyện ở đây nhiều năm nên nhận được sự tin tưởng của các bệnh nhân."
Tháng 3/2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi căn nhà trọ miễn phí tại ngõ 106 Cầu Bươu, phường Kiến Hưng, Hà Đông chính thức mở cửa đón những hoàn cảnh khó khăn.

Căn phòng trọ với giường tầng ngăn nắp. Ảnh: Vũ Xuân Anh
Hơn một năm hoạt động, mỗi ngày, chị Oanh, người quản lý tận tâm của nhà trọ, lại nhận được không ít cuộc gọi từ những bệnh nhân đang tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ. Không hề đặt ra bất kỳ điều kiện nào, chị sẵn lòng dang tay giúp đỡ bất cứ ai cần đến mái ấm của mình.
Hằng ngày, các tình nguyện viên nhiệt tình thay phiên nhau chuẩn bị những bữa ăn ấm áp, đầy đủ dinh dưỡng cho mọi người. Những thực phẩm tươi ngon được các nhà hảo tâm ủng hộ được các thành viên cùng nhau sơ chế, nấu nướng, tạo nên những bữa cơm chan chứa tình người.
Trong căn nhà trọ nhỏ bé, em Phi Hùng (13 tuổi, đến từ Tuyên Quang) và mẹ, chị Long Thị Anh, đã tìm thấy một chốn bình yên sau những ngày tháng khó khăn. Em Hùng mắc bệnh ung thư U lympho, chị Anh tâm sự: "Lúc mới xuống Hà Nội, hai mẹ con ở trong khu lưu trú của bệnh viện, nhưng ở đó ồn ào và chi phí cũng đắt đỏ. Các cụ già dậy sớm, trẻ con thì khó ngủ. May mắn gặp được các mẹ giới thiệu chị Hằng, nếu không thì không biết phải ở đâu."
Cũng tìm được sự sẻ chia và đồng cảm tại đây, chị Hạnh (41 tuổi, Hòa Bình), người đang cùng con gái Nguyễn Thị Hà Phương (15 tuổi) chiến đấu với căn bệnh ung thư xương, xúc động nói: "Ở đây, tôi được các cô, các bác, các chị chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con, được động viên tinh thần rất nhiều. Mọi người đối xử với nhau như người nhà vậy. Tình cảm đó quý hơn mọi thứ tiền bạc.
Và còn biết bao những bệnh nhi khác nữa, từ khắp các vùng miền xa xôi, cùng nhau chống chọi với những căn bệnh ung thư quái ác tại nơi mà người ta vẫn gọi là "xóm đầu trọc" này. Có những người ban đầu chưa biết đến nhà trọ 0 đồng, phải chật vật với những khoản chi phí thuê trọ đắt đỏ, nhưng khi tìm được đến đây, gánh nặng cuộc sống đã vơi đi phần nào.

Những bệnh nhân nhí luôn giữ được tinh thần lạc quan. Ảnh: Vũ Xuân Anh
Bước chân vào những căn phòng trọ giản dị, điều khiến người ta cảm động sâu sắc không phải là những nỗi đau bệnh tật hay sự khó khăn về vật chất, mà chính là tình cảm ấm áp, sự sẻ chia chân thành giữa những con người cùng cảnh ngộ. Tại đây, họ chia sẻ với nhau từ những bữa cơm đạm bạc, những viên thuốc nhỏ, đến những lời động viên, an ủi khi có ai đó yếu lòng.
Những căn phòng trọ tuy nhỏ bé nhưng được trang bị đầy đủ điều hòa, nước sạch và những đồ dùng thiết yếu, tạo một không gian sống thoải mái nhất có thể cho các bệnh nhân. Bên cạnh sự tận tâm của chị Hằng và các thành viên Nhóm Từ Tâm, nơi đây còn thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ nhiều nhà hảo tâm, những người luôn sẵn lòng trao tặng quà và hỗ trợ chi phí sinh hoạt.
Không chỉ dừng lại ở việc duy trì ngôi nhà trọ hiện tại, chị Hằng và Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm còn đang ấp ủ dự định mở rộng mô hình ý nghĩa này.
Đối với những người đang phải vật lộn với bệnh tật và những khó khăn chồng chất, "xóm trọ" của chị Hằng không chỉ đơn thuần là một nơi để trú ngụ, che mưa che nắng, mà còn là một điểm tựa tinh thần vô giá. Ở nơi đó, tình người vẫn âm thầm tỏa sáng, sưởi ấm những trái tim trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất của cuộc đời.