Hà Nội

Người dân cả nước hướng về nguồn cội của Dân tộc

10-04-2022 06:17 | Thời sự
google news

SKĐS - "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" là chủ đề của Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2022 được tỉnh Phú Thọ tổ chức gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sôi nổi Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy dịp Giỗ Tổ Hùng VươngSôi nổi Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

SKĐS - Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy để dâng lên Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch là nét đẹp, mang giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái "lá lành đùm lá rách" của cộng đồng.

Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức có chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Từ đầu tháng 3 Âm lịch, tỉnh Phú Thọ đã lên kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, đón tiếp đại biểu, phục vụ Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ… đúng tiến độ đề ra.

Từ nhiều ngày trước khi diễn ra chính lễ, đông đảo người dân, du khách thập phương đã có mặt tại Khu di tích Đền Hùng để dâng hương, tưởng nhớ đến các vị Vua Hùng. Ban Quản lý Khu Di tích đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thực hành tín ngưỡng theo đúng nghi thức truyền thống. Đồng thời, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách.

Người dân cả nước đang hướng về nguồn cội của Dân tộc - Ảnh 2.

Con Lạc cháu Hồng về với cội nguồn trong ngày Giỗ Tổ. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Trong ngày ngày 9/3 Âm lịch đã diễn ra các hoạt động như bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang; chương trình nghệ thuật "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" gắn với Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và bắn pháo hoa tầm cao tại Sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì. Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao 15 phút để du khách, người dân chiêm ngưỡng.

Ngày 10/4 (tức 10/3 Âm lịch) là lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, lễ dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong" và lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.

Người dân cả nước đang hướng về nguồn cội của Dân tộc - Ảnh 3.

Hàng vạn du khách đến dâng hương, tưởng nhớ đến các vị Vua Hùng ngày 9/3 Âm lịch. Báo Phú Thọ.

Để tạo thuận lợi cho du khách, người dân thập phương không có điều kiện đặt chân đến Phú Thọ để tham gia các hoạt động dịp Giỗ Tổ, Sở TT&TT tỉnh phối hợp với BQL khu di tích lịch sử Đền Hùng ra mắt ứng dụng di động du lịch thông minh "Đền Hùng".

Thông qua ứng dụng di động thông minh "Đền Hùng", người dùng dễ dàng tìm kiếm đầy đủ thông tin về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng với các công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng như: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Cột đá thề, chùa Thiên Quang, Lăng Vua Hùng, Đền Giếng, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân…

Những thông tin này được trình bày dễ hiểu, dễ xem, được minh họa bằng hình ảnh, audio, video trực quan, sinh động, giúp người dùng vừa tham quan, vừa nghe thuyết minh.Ứng dụng cũng cung cấp tới du khách bản đồ, vị trí chính xác các địa điểm tham quan tại khu di tích; nơi diễn ra các hoạt động lễ, hội trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022.

Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

Ngoài Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức chương trình Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11/4 (tức 8/3 đến ngày 11/3 Âm lịch) tại Khu tưởng niệm các vua Hùng, thuộc Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc, TP. Thủ Đức.

Lễ khai mạc diễn chương trình diễn ra vào hồi 19h ngày 8/4, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức từ 7h ngày 10/4 (nhằm 10/3 Âm lịch). Riêng chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật ba miền và Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào 18h ngày 11/4.

Người dân cả nước đang hướng về nguồn cội của Dân tộc - Ảnh 4.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong 4 ngày với nhiều hoạt động ý nghĩa. Ảnh: TTXVN.

Thông tin từ Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc, đơn vị đồng tổ chức cho hay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 tại TP.HCM bao gồm 2 phần chính. Phần khai mạc sẽ diễn ra tại Quảng trường công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc. Sau đó, các đoàn sẽ diễu hành, tập trung tại khu vực chánh điện, nơi đặt đền thờ các vua Hùng để thực hiện phần Lễ Giỗ.

Với chủ đề "Hội tụ tinh hoa văn hoá Việt Nam", Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tổ chức với nội dung phong phú, thể hiện nét bản sắc văn hoá dân tộc các vùng miền trên cả nước. Đây cũng là dịp để khách tham gia được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, ẩm thực các vùng, miền của các hội đoàn, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức,… Ngoài các hoạt động chính như lễ giỗ, dâng hương của các đoàn, chương trình lễ hội còn có các hoạt động trò chơi dân gian, ẩm thực 3 miền diễn ra xuyên suốt trong thời gian 4 ngày lễ hội.

Kiên Giang tổ chức Giỗ Tổ tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương

Năm 2022, mặc dù tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỉnh Kiên Giang thống nhất tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (ở huyện Tân Hiệp) an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Phần lễ sẽ diễn ra vào sáng 10/4 (mùng 10/3 âm lịch) với khoảng 200 người tham dự, đảm bảo thực hiện trang nghiêm, trọng thể, trật tự, an toàn. Phần hội không tổ chức các hoạt động như những năm trước mà chỉ có 4 hoạt động thể thao nằm trong khuôn khổ Đại hội Thể dục - Thể thao lần thứ VIII huyện Tân Hiệp.

Người dân cả nước đang hướng về nguồn cội của Dân tộc - Ảnh 5.

Kiên Giang tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Lao Động.

Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại huyện Tân Hiệp được xây dựng từ năm 1957 là Đền thờ Vua Hùng đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2004 UBND tỉnh Kiên Giang công nhận đây là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Thời điểm chưa có dịch bệnh xảy ra, vào dịp lễ giỗ thì đền thờ thu hút rất đông người dân từ khắp nơi đến dâng hương, chiêm bái.

Tại Đồng Nai, ngoài các đình, đền, chùa có thờ Vua Hùng thì có ba địa điểm thờ cúng Quốc Tổ riêng biệt. Trong số này có hai địa điểm được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Đồng Nai 2 di tích thờ cúng Vua Hùng

2 điểm thờ Quốc Tổ Hùng Vương được công nhận di tích cấp tỉnh là: Đền thờ Quốc Tổ Hùng  Vương (P. Bình Đa, TP.Biên Hòa) và Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (xã Phú Sơn, H.Tân Phú).

Vào dịp giỗ Tổ, Ban Quản lý di tích phối hợp tổ chức các hoạt động lễ, hội để ngày quốc lễ thêm trang trọng, vui tươi. Trong số này có thể kể đến các hoạt động, như: kể chuyện về các đời vua Hùng, thi gói bánh chưng, làm bánh giầy, kết mâm ngũ quả, trò chơi dân gian, cho chữ thư pháp… Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh nên dịp giỗ Tổ 2022 này, cả hai di tích chỉ thực hiện phần lễ, riêng phần hội được giảm lược còn việc mở cửa xuyên suốt để người dân đến dâng hương, tưởng niệm vẫn thực hiện bình thường.

Người dân cả nước đang hướng về nguồn cội của Dân tộc - Ảnh 6.

Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại công viên văn hóa Hùng Vương, H.Trảng Bom năm 2019 Ảnh: Báo Đồng Nai.

Cùng với hai địa điểm kể trên thì nhiều di tích trên địa bàn tỉnh còn phối thờ Vua Hùng và thực hiện lễ trong ngày giỗ Tổ. Trong đó, tại Văn miếu Trấn Biên nơi có đặt 18 lít nước và 18kg đất lấy từ đất Tổ Phú Thọ, mỗi năm đều diễn ra các hoạt động lễ, hội tưởng nhớ Vua Hùng. Mỗi dịp giỗ Tổ nhiều hoạt động được tổ chức tại đây như: trước ngày giỗ Tổ thi làm bánh chưng, bánh giầy, kể chuyện về các đời Vua Hùng, đến ngày chính lễ có hoạt nghi thức dâng hương, dâng hoa, dâng bánh chưng, bánh giầy và mở cửa cho các tầng lớp nhân dân đến dâng hương.

Cà Mau dành 3 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Từ ngày 8/4 đến hết ngày 10/4 (tức 8/3 - 10/3 Âm lịch), lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức khai hội. Hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương tại tỉnh Cà Mau nằm trong chuỗi sự kiện "Cà Mau – Điểm đến 2022" với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch.

Theo chương trình đã được phê duyệt, Giỗ Tổ Hùng Vương tại Cà Mau năm nay gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.

Người dân cả nước đang hướng về nguồn cội của Dân tộc - Ảnh 7.

Hàng năm đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương người dân tỉnh Cà Mau và khách thập phương đến Đền Hùng tưởng nhớ công đức của người xưa. Ảnh: Nhật Hồ

Phần lễ gồm: Lễ An vị (đặt tượng Vua Hùng), diễn ra từ 20h ngày 9/3 Âm lịch; lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại xã Tân Phú, vào lúc 6h30 ngày 10/3 Âm lịch và lễ chính thức tưởng nhớ các Vua Hùng được thực hiện theo nghi thức truyền thống.

Phần hội, gồm các hoạt động thi đấu thể thao bóng đá và các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu, đua xuồng ba lá, cùng chương trình văn nghệ.

Đảm bảo phòng, chống dịch tốt nhất

Theo Ban Tổ chức, công tác phòng dịch đã được các cấp các ngành phối hợp triển khai. Cụ thể, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với Sở Y tế phun thuốc khử khuẩn tại các các địa điểm dâng hương, các khu vực trong di tích trước và trong thời gian tổ chức các hoạt động phần lễ; bổ sung biển chỉ dẫn, pa-nô tuyên truyền; bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tại điểm đón tiếp, các khu vực đền, chùa trong di tích và các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa để người dân thuận tiện sử dụng. Hệ thống loa truyền thanh được Khu Di tích lắp dọc đường lên đền để đẩy mạnh tuyền truyền, nhắc nhở nhân dân khai báo y tế và thực hiện quy định "5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Các lực lượng liên quan tại Khu Di tích, bộ phận bảo vệ cùng các tình nguyện viên, đơn vị chức năng yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động tại các đơn vị, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ; hướng dẫn du khách đeo khẩu trang ngay từ khi bước vào cổng và trong suốt quá trình hành lễ.

Người dân chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 khi đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Ông Lê Trường Giang (Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng) cho biết, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch, ý thức của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch là thực sự quan trọng và cần thiết. Vì vậy, người dân khi về Đền Hùng lễ Tổ cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế để chung tay cùng đẩy lùi dịch COVID-19 vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài việc phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên Khu Di tích, lực lượng chức năng có nhiệm vụ nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm công tác phòng dịch; phát khẩu trang miễn phí cho người dân đi lễ. Đặc biệt, nếu số lượng người tới dâng hương đông, Khu Di tích có phương án thực hiện giãn cách, hạn chế thấp nhất số người tập trung khu vực bên trong Đền.

Công tác vệ sinh môi trường cũng được chú trọng. Các khuôn viên vườn hoa cây cảnh thường xuyên được chăm sóc, trồng bổ sung và cắt tỉa gọn đẹp. Các khu vệ sinh công cộng được bố trí đảm bảo sạch sẽ và phù hợp với cảnh quan. Ban Tổ chức tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh trong khu vực.

Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 như bố trí xe cứu thương, thành lập các tổ cấp cứu trực 24/24 giờ, phòng dịch cơ động (mỗi tổ gồm 3 - 6 cán bộ); chuẩn bị đầy đủ thuốc và trang thiết bị y tế, dung dịch sát khuẩn... để thực hiện đo kiểm tra thân nhiệt, cung cấp khẩu trang, hướng dẫn sát khuẩn cho đại biểu và các lực lượng dự lễ dâng hương. Đồng thời, đội thường trực có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và triển khai phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh xung quanh khu vực Đền Hùng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo diễn biến thời tiết kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương | SKĐS


LB (t/h)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn