Hà Nội

"Người bác sĩ cho tôi còn mẹ"

30-09-2016 11:09 | Y tế
google news

SKĐS - Cảm động trước tấm lòng người thầy thuốc không hề quen biết, chị Minh Ngọc, người con gái của một bệnh nhân đã gửi những dòng cảm xúc như chị nói "không thể ngăn được" tới báo Sức khỏe&Đời sống để thay lời tri ân tới PGS. TS. Trần Văn Thuấn, người đã cứu sống mẹ của chị.

Đón thu sang với lá vàng

Đón Thu sang với mênh mang nỗi niềm

Được sinh ra vào mùa Thu nhưng chưa bao giờ mùa Thu đem lại cho tôi niềm vui. Thu của 16 năm về trước, vì thiếu kiến thức y học, vì hoàn cảnh mà bé con đầu lòng bỏ tôi vĩnh viễn ra đi, để lại đằng sau nỗi buồn vời vợi. Lại đến năm nay, khi Thu vừa mới chớm tôi đã phải nhận tin sét đánh. Sau nhiều cuộc điện thoại gọi nhỡ của mẹ, trưa muộn ngày 14/9/2016 khi tôi gọi lại đã nghe mẹ tôi cười trong tiếng nấc… Tôi vẫn nhớ như in giọng mẹ tôi ngập ngừng khi nói “mẹ bị ung thư rồi, người ta chuyển viện cho mẹ rồi, người ta bảo photo làm 20 bộ chuẩn bị đi xạ trị, chắc phải xạ trị nhiều lắm”. Khi đó tôi nghe mà không tin vào những điều mình nghe được, rồi tôi mất kiểm soát, tôi nói liên tục rằng mẹ khám linh tinh, mẹ lo vớ vẩn, ai bảo mẹ …

Bs.Trần Văn Thuấn hướng dẫn ngư dân dùng thuốc

Ngưng nói, tôi quay ra giận mình ghê gớm, vì tôi quá mải mê công việc nên không nghe điện thoại khi bà gọi, để bà phải cô đơn một mình đối mặt với sợ hãi, bà đi khám bệnh một mình, trực tiếp nghe tin dữ, đứng không vững rồi lại gượng lủi thủi đạp xe về nhà. Bố con tôi, người về quê, người đi làm, người mải lo cho gia đình nhỏ của mình và đều vô tâm quá. Lần thứ hai trong đời tôi mất phương hướng đến như vậy, tôi lao xe xuống nhà mẹ mà vừa đi vừa khóc, tôi không tin được đó là sự thật, phũ phàng quá, bất công quá. ...lần lỡ không nghe điện thoại này đến giờ tôi vẫn còn day dứt không nguôi. Đời người! chẳng ai biết được điều chưa đến, cũng vì vậy rồi lại tiếc điều đã qua, lỡ một chuyến đi, lỡ một cuộc gọi cũng có thể là điều tiếc nuối mãi mãi!

Rồi tôi cùng gia đình đưa mẹ mình lên Bệnh viện K Trung ương, 5h sáng ngày 15 tháng 9 năm 2016 chúng tôi đã có mặt ở 43 Quán Sứ, chờ đến giờ thăm khám. Tôi cũng đã tiếp xúc với môi trường bệnh viện nhiều nhưng chưa từng chứng kiến cảnh tượng như thế này bao giờ, hàng hàng lớp lớp nguời xếp hàng chờ đợi trong căng thẳng, lo âu, tuyệt vọng. Mắt tôi không rời cái kính đen che gần hết mặt, tôi không dám bỏ ra vì sợ mẹ thấy mình đang khóc. Lần lượt đến gần 3h chiều chúng tôi hoàn tất các thủ tục thăm khám, kết quả sinh thiết phải chờ đến đầu tuần kế tiếp mới có được.

Suốt trong những ngày chờ đợi tôi tìm hiểu, tôi hỏi han người này người khác, anh em bạn bè trong ngành y cũng có, người không may mắc bệnh cũng có nhưng thông tin càng nhiều càng khiến tôi rối ren, hoảng loạn, tôi khóc nhiều đến nỗi có những lúc mắt mờ không nhìn được gì, chồng tôi động viên tôi nhưng tôi biết anh cũng âm thầm lau nước mắt. Mẹ tôi cả đời hiền lành, nhẫn nhịn, lúc nào cũng cam chịu, cũng hi sinh vì người khác, không chỉ là chỗ dựa của chúng tôi mà mẹ còn như cái cọc cho bố tôi nữa vì ông cũng uống thuốc như ăn cơm mười mấy năm rồi. Bố tôi lại đi xa cả đời, mới vừa nghỉ hưu ở bên mẹ hôm sớm được mấy năm thôi…cứ như vậy, nghĩ đến lại rơi nước mắt. Mẹ tôi thì biết bệnh mà bà vẫn âm thầm, không dám biểu hiện gì vì sợ mọi người lo lắng, cứ tỏ ra cứng rắn, cười đùa nhưng chỉ trong mấy ngày bà đã sút 3kg, mặt bơphờ, hốc hác. Cả gia đình tôi đã sống những ngày tột cùng lo lắng, hoang mang.

 

Bài thơ "Người cho tôi còn mẹ" gửi tặng thầy thuốc Viện K PGS. TS. Trần Văn Thuấn

 

Đến ngày hẹn trở lại Bệnh viện, tôi đã liều gọi theo mấy số điện thoại liên hệ mà tôi có, gọi để tự trấn an cho chính mình, cầu mong người tốt như mẹ thế nào cũng được quý nhân giúp đỡ, cũng để bố mẹ yên tâm, không bị mặc cảm bởi những dư luận này kia nơi bệnh viện. Và rồi tôi đã nhận được hồi đáp rất nhẹ nhàng từ một bác sĩ mình chưa từng quen biết, chỉ là lời qua điện thoại nhưng tôi như thấy có sự sẻ chia, suốt chặng đường đi tôi chuyện trò với mẹ và không ngừng hi vọng.

Đến Bệnh viện, sau khi lấy được kết quả gia đình tôi như chết lặng, thay vì carcinoma tại chỗ như tuyến dưới chẩn đoán thì lúc này mẹ tôi nhận kết quả là carcinoma vảy xâm nhập. Bàng hoàng đứng lặng rồi tôi điện thoại gọi xin gặp người bác sĩ mình đã hỏi khi trước, chuông đổ hồi lâu, tôi đã sợ đầu dây không bắt máy, sau lại có tiếng trả lời rất khẽ rằng tôi xin lỗi, tôi có cuộc họp đột xuất…!. Cho đến lúc ấy, tôi hoàn toàn không biết về tài năng và chức vụ mà vị bác sĩ đó đang đảm nhận, nhưng bằng cảm nhận của mình tôi vẫn tin anh sẽ tư vấn giúp cho gia đình như đã hẹn.

Tôi đưa mẹ quay trở lại phòng khám và chờ đợi, lúc này áp lực tâm lý khiến tôi thấy nghẹt thở, mẹ tôi suy sụp, bố tôi cũng vậy, tôi không biết quyết định thế nào cho đúng, bạn bè thì nhiều nhưng mỗi người một chuyên môn khác nhau, gọi hỏi người bác sĩ chưa quen thì ngại vì bác sĩ đang họp, đắn đo mãi rồi tôi nhắn tin. Tôi cũng không ngờ tin nhắn trả lời tôi nhận được là “tôi vừa về, em lên viện nghiên cứu tầng 5, nhà D”, tôi cùng bố mình vội lên trên đó. Bố con tôi đứng đợi một lát, lo lắng quá tôi bấm điện thoại gọi và nghe tiếng chuông điện thoại đổ ngay phía sau lưng, quay lại chúng tôi thấy người đàn ông dáng hình thanh mảnh, khuôn hình nhân hậu, tay xách cặp bước vội về phía chúng tôi đang đứng – đó chính là người bác sĩ không quen mà tôi hẹn gặp. Lúc này tôi mới biết anh là PGS.TS.BS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – vì ngày mai tươi sáng.

Chị Minh Ngọc và bệnh nhân Nguyễn Thị Lan

Mở cửa phòng đặt cặp xuống ghế là anh xem ngay hồ sơ bệnh tình của mẹ tôi. Câu đầu tiên chúng tôi nhận được từ bác sĩ là lời động viên, anh nói gia đình cứ yên tâm…; suốt cuộc nói chuyện anh lắng nghe những băn khoăn của chúng tôi rồi nhẹ nhàng giải đáp, anh cũng nói các bác sĩ sẽ giúp mẹ tôi phẫu thuật loại bỏ khối u, rằng mẹ tôi sẽ có cơ hội khỏi bệnh… nhiều lắm, mỗi lời anh nói rất nhẹ nhàng, thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia với gia đình khi đó. Bố con tôi với anh là những người xa lạ nhưng lại nhận được từ nơi anh sự chân tình như thể người thân. Chúng tôi không hiểu về chuyên môn nhưng qua cách anh nói đã phần nào yên tâm lắm.

Những việc sau khi này mẹ tôi vào khoa điều trị, phẫu thuật thành công, hồi phục tốt trong sự quan tâm, giúp đỡ, tận tình của anh cùng các y, bác sĩ Khoa điều trị tự nguyện, Bệnh viện K1 càng khiến gia đình tôi cảm kích. Đâu đó trong ngành y còn nhiều hình ảnh chưa đẹp, làm dư luận xôn xao, bức xúc nhưng nơi đây tôi đã gặp được người bác sĩ giàu lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia với nỗi đau của người bệnh và những âu lo của chúng tôi-thân nhân người bệnh. Với chúng tôi anh chính là người THẦY THUỐC MẸ HIỀN, mẫu hình mà người bệnh nào cũng mong được gặp, vì gặp được anh, họ sẽ có được một liều thuốc tinh thần quý giá để mang theo trong hành trang tìm lại sức khỏe.

Về anh, cảm nhận thì rất nhiều nhưng câu từ thì có hạn, xin được gửi tặng anh mấy câu thơ viết vội thay cho những gì có thể nói:

NGƯỜI CHO TÔI CÒN MẸ- PGS.TS.BS. TRẦN VĂN THUẤN

Tôi đã gặp nơi anh

Tâm hồn đẹp sau áo blu ấy

Được biết anh như hữu duyên là vậy

Anh dang tay cho tôi chỗ dựa tinh thần

Xin được nói với anh hai tiếng TRI ÂN

Người giúp tôi vợi âu lo

Người cho tôi niềm tin

Cho tôi còn mẹ

Hà Nội đang Thu lá vàng rơi quạnh quẽ

Phố vẫn dài trong hiu hắt heo may

Nhưng chúng tôi may mắn hơn bao thân phận đớn đau, tuyệt vọng nơi này

Nhờ có tấm chân tình của anh – người bác sĩ

Cầu mong sao trên đường xa vạn lý

Anh với TÂM – TÀI sải bước vươn xa

Góp phần nâng cao y học nước nhà

Cho muôn người con như tôi hôm nay còn mẹ…

Tôi không được biết cơ duyên nào đưa anh đến với nghề bác sĩ và trở thành người “tuyên chiến” với bệnh ung thư như hôm nay. Còn tôi, khi thơ bé tôi cũng mang trong mình giấc mơ màu trắng, ao ước lớn lên được khoác áo blu, thế nhưng chẳng đủ duyên nên cuộc đời dắt tôi đi theo hướng khác. May mắn với công việc hiện tại cùng tâm nguyện của mình tôi ít nhiều cũng có bóng dáng góp mặt bên cạnh nghề cao quý này bằng việc thường xuyên tổ chức những chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Ở nhiều nơi, khi đồng hành cùng các thày thuốc, các bác sĩ đến với bà con tôi đã được những cụ ông, cụ bàmái đầu đã bạc níu tay nói lời cảm ơn, lay vạt áo gọi tôi là bác sĩ… tôi thực sự là vui, vui lắm. Với tất cả những gì nhận được ngày hôm nay, tôi tự nhủ lòng mình sẽ cố gắng hơn nữa, làm tốt những gì có thể để đồng hành cùng các anh trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chân thành!


Minh Ngọc, con gái bệnh nhân Nguyễn Thị Lan Kcol
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn