Nghề thầy thuốc, lòng thương yêu

04-09-2016 10:31 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Giáo sư, bác sĩ Phạm Kim năm nay gần tuổi chín mươi, tinh thần còn minh mẫn lắm nhưng cơ thể ông cũng đã qua những đợt điều trị nội khoa, ngoại khoa khá nặng nề.

(Giới thiệu tập thơ Ta sinh ra là để yêu thương của Phạm Kim - Kim Loan, NXB Hội Nhà văn 2016)

Giáo sư, bác sĩ Phạm Kim năm nay gần tuổi chín mươi, tinh thần còn minh mẫn lắm nhưng cơ thể ông cũng đã qua những đợt điều trị nội khoa, ngoại khoa khá nặng nề. Mươi năm nay, ông nghỉ hẳn công việc chuyên môn nhưng trí tuệ ông vẫn ham làm việc. Ông tìm công việc mới cho trí óc. Ấy là ông nhìn lại đời mình. Chiêm nghiệm, nghiền ngẫm lại những gì đã trải và viết lại những chân dung người thân nội ngoại, tạo một thứ gia phả sống động để lại cho con cháu. Trong việc “nhìn lại” ấy có việc nhặt lại những bài thơ đã viết rải rác từ tuổi thanh niên đến nay. Vui buồn thì viết, viết để riêng mình đọc.

Xuất thân người Nghệ Tĩnh, trong một gia đình khá giả, bên nội bên ngoại có nhiều người theo nghiệp chữ nghĩa, có trách nhiệm với xã hội và bản lĩnh trong ứng xử thời cuộc: Ông nội và bố đều là những trí thức, doanh nhân có uy tín ở Vinh. Ông ngoại đỗ phó bảng (1904) sau cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Cụ Hồ, một khoa. Một người cậu ruột là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Cách mạng Tháng Tám thành công, cả dân tộc phấn chấn lên đường, cậu thiếu niên Phạm Kim tự cuốn mình vào các hoạt động của Nhà nước cách mạng. Khi toàn quốc kháng chiến, ông tham gia quân đội ở miền Trung rồi lên Việt Bắc học trường y (cao đẳng). Học xong ở lại trường, thành lứa học trò kiến tạo Trường ĐH y khoa chiến khu, nhưng phải sau ngày giải phóng Hà Nội, ông mới chính thức học ĐH. Trang bị trường sở trong chiến khu còn tranh tre nứa lá, rất nghèo nhưng các thầy lại giàu tài năng đức độ: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Hoạt, Đỗ Xuân Hợp... Kỷ niệm về các thầy mãi mãi là những trang ký ức nghĩa tình, êm đẹp và cảm động trong lòng ông. Năm 1954, Phạm Kim trong đoàn cán bộ tiếp quản BV Bạch Mai. Lúc đó hẳn ông không hề nghĩ rằng cả đời ông, và bây giờ, đời các con ông gắn bó mãi với bệnh viện này.

Năm 1959, sau tiếp quản Hà Nội ngót 5 năm, khi tôi cũng đã thành sinh viên trường y, tôi nhìn các giáo sư, các bác sĩ giảng dạy từ Việt Bắc về như nhìn những nhân vật trong truyện cổ, vừa khâm phục vừa thấy xa vời. Hình như trong họ còn ẩn chứa bao sự tích Việt Bắc mà chúng tôi chưa biết. 20 năm gần đây, khi tôi chạm lứa tuổi hưu, tôi thường nhận được nhiều trang viết của các bậc đàn anh trong nghề cũ của tôi, nhờ đọc giúp. Tôi đọc và hiểu thêm đặc trưng tinh thần của lứa trí thức đàn anh năm tháng ấy. Khi là văn xuôi, thường là hồi ký và nhiều hơn cả là thơ. Có những bài đã mang bút pháp chuyên nghiệp nhưng chủ yếu là những dòng tâm tình ghi lại những gì đời mình đã trải. Vui có, buồn cũng có, nhưng vui buồn gì cũng đều bâng khuâng với năm tháng và tri ân tình nghĩa cuộc đời. Đọc những sáng tác ấy thường phải chiếu vào ký ức thời cuộc của chính mình mới hiểu trọn tình trọn ý của người viết. Tôi đã đọc như thế với văn xuôi anh Nguyễn Khắc Liêu, anh Trần Hữu Thăng, với thơ các anh Vi Huyền Trác, Ngô Ngọc Liễn, Đào Ngọc Phong, Hoàng Ngọc Lập, Nghiêm Xuân Đức, Hoàng Thủy Long, Lê Đình Công... và bây giờ là tập thơ một đời của ông bà bác sĩ Phạm Kim - Kim Loan, chuyên khoa tai mũi họng, vi trùng học.

Tập bản thảo này tôi nhận được qua đường bưu điện, với lời đề Mến tặng nhà thơ Vũ Quần Phương, người luôn ưu ái với các thầy thuốc làm thơ, 18/3/2016, Phạm Kim. Tập thơ không dày, tự in bằng photocoppy. Tôi đọc liền một hơi. Đọc xong, ngồi lặng, hình dung lại quá khứ, các thầy dạy, anh Phạm Kim và hình ảnh BV Bạch Mai hồi ấy. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua. Nhiều bác sĩ không còn, người còn thì già đi, không dễ gì nhận ra được. BV cũng lắm đổi thay, lên cấp và cả xuống cấp. Kỷ niệm còn nhưng hiện vật không còn để ký ức bấu víu. Anh Phạm Kim (từ đây cho tôi được gọi là anh như vẫn gọi ở ngoài đời) không định làm văn chương. Thơ chỉ là một cách anh ghi nhật ký. Nhật ký của tình cảm, của cảm xúc với các việc, các sự của đời anh. Anh chọn thơ vì thơ ngắn gọn hơn văn xuôi, có thể làm nhanh mà lại nhớ lâu. Đọc thơ như nghe anh rì rầm tâm sự, tôi quên chữ quên vần để lòng mình đi theo nỗi nhớ của lòng anh. Nhớ những thăng trầm, mừng tủi của đời anh. Anh thương khóc đứa cháu gái, gọi anh bằng bác, cháu lìa đời khi mới ba tháng tuổi, bài thơ viết năm 1984. Đọc thơ, thương cháu và thương cả bác, khi ấy bác đã tuổi 75, tuổi già giọt lệ như sương(*) mà câu thơ chứa chan nước mắt:

Trời mưa, gió rét một ngày đông

Bác tiễn cháu đi thật mủi lòng

Cất tiếng chào đời vừa ba tháng

Vội vàng chi cháu, não nùng không!

Phạm Kim là người nặng tình gia đình. Có những lúc tình thế thời cuộc buộc mọi người phải nén lại tình nhà để lo đền nợ nước. Ông cũng đã nén. Tự giác mà nén. Không phải do ép buộc nào. Nhưng khi được phép hồi cố trở lại thì tình cảm gia đình từng ẩn khuất trong lòng lại hiện ra sớm nhất. Trong Bài thơ sinh nhật thứ 61, những con sóng ký ức vỗ đến lòng ông là những gì? Là tình chồng vợ, là nghĩa thầy trò, là tình đồng bào, đêm nằm năm ở ngày sơ tán. Ở ý kết, chỗ người viết chuyện dâu bể  thường khó nén tiếng thở dài thì ông lại nghe sự bồi đắp:

Tất cả bây giờ đã xa xôi

Dĩ vãng giờ đây đã cũ rồi

Sáu mươi mốt tuổi xin làm bến

Nâng sóng thời gian đến đắp bồi

Tuổi cao, người ta dễ ngậm ngùi vì mọi chuyện. Ngậm ngùi vì năm tháng đời mình như miếng da lừa đang dần co lại, Phạm Kim không ngậm ngùi. Chỗ này tôi xin học anh, ở cách vượt qua mình (thường là quá khứ) sang thâm canh ở đất của tương lai. Tình cảm đã đụng đến cái gì như của triết học:

Yêu cháu, ông yêu gấp bội phần

Mỗi người, mọi chốn đã dừng chân

Ở đâu cuộc sống bung chồi lá

Ở đấy cây già được hóa thân!

Triết học của Phạm Kim không sinh ra từ cái nhăn trán tư duy mà nảy ra tự nhiên từ nỗi lòng cảm thương, chiêm nghiệm sự đời:

Thế kỷ dữ dằn bom đạn xới

Cảm thương đầy ắp trái tim già!

...Đời ta, một dấu in nho nhỏ

Dấu chân in giữa dặm đường xa

Dấu chân gió thổi mờ trong bụi

Trùng bước người đi trên bước ta.

(Bài thơ khai bút

năm Canh Thìn, 2000)

Ta tồn tại trong tồn tại của người sau ta, nhận thức ấy nảy sinh từ trực giác, từ hình ảnh dấu chân của người bước trùm lên dấu chân ta.

Từ tình cảm gia đình đến những chuyến đi công tác, kỷ niệm chiến tranh, tình đồng nghiệp trong nghề y... thơ Phạm Kim mở rộng đề tài, nhưng vẫn là những chuyện của chính anh, người thực việc thực. Cốt lõi của thơ anh là sự chân thực. Chân thực trong sự kiện, chân thực cả trong nỗi lòng. Anh biết lắng nghe chính nỗi lòng mình. Đấy là đòi hỏi đầu tiên để tạo dựng hồn thơ, tạo dựng phong vị riêng cho cảm xúc. Đấy cũng căn cứ để khuyên anh viết tiếp những gì của lòng mình.

Trong tập thơ này, như một phụ lục, có một chùm thơ của chị Kim Loan, vợ anh. Chị Phạm Kim Loan là con gái cụ Phạm Khắc Hòe, vị ngự tiền văn phòng cuối cùng của triều Nguyễn, người đã khuyên cựu hoàng Bảo Đại trao ấn kiếm cho cách mạng và nói một câu rất “tư thế”: Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Cụ Hòe viết hồi ký văn học, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một người cậu ruột là nhà thơ xứ Huế Ưng Bình Thúc Gia Thị (Úa héo lá gan cây núi Ngự/ Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương). Thơ chị Kim Loan có sự hài hòa, của ý và tình, theo bút pháp cổ điển. Bố cục khá chặt chẽ, có quan tâm đến ngôn ngữ, vần điệu, Ba tháng hóa trị chữa ung thư, rụng hết tóc. Chị nhớ tóc ngày làm cô dâu, nhớ tóc thời thơ ấu để nói tình thế bây giờ. Bài thơ lấy phấn đấu nội tâm làm kết cấu. Bài Con gái họ Phạm có nét tự hào nữ tính nhưng vẫn trong cốt cách cổ điển:

Chẳng thể làm vua, chỉ mẹ vua

Thông minh tài trí chẳng tay vừa

So tài nữ giới qua sử sách

Gái nhà họ Phạm có đâu thua

Vượng phu, ích tử gắng thi đua

(…)

Cái đẹp của bút pháp cổ điển dễ hướng người viết vào các quy phạm về nội dung, ước lệ về hình thức, nên cũng dễ tước đi những chi tiết thật của đời sống, tước đi sự hồn nhiên phong phú của cảm xúc. Với chị Kim Loan, tôi áng chừng hình thức thơ này ngấm vào chị từ những ngày còn xanh, trong không gian chữ nghĩa của gia đình và chị cứ giữ nguyên như vậy cho đến nay. Chị Kim Loan không có ý định in thơ mình thành sách, chị là bác sĩ vi trùng học. Chị làm thơ như cách lưu giữ kỷ niệm với gia đình, thơ nhà dùng. Chùm thơ của chị in ở đây như một sự hưởng ứng đồng điệu với anh Phạm Kim, dù rằng mỗi người một vẻ, một kiểu viết khác nhau.

* Thơ Nguyễn Khuyến: Tuổi già hạt lệ như sương/Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.


Ý kiến của bạn