Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các gia đình có thể trồng một khóm sả nhỏ vì mùi hương của sả có tác dụng xua đuổi muỗi hoặc cũng có thể mua sả tươi về để góc nhà.
Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng, trong sả chanh có chứa tinh dầu đặc biệt thơm của mùi sả chanh nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ chỉ 1-2%, người ta đã chiết xuất và bán trên thị trường.
Hiện nay, rất nhiều gia đình dùng tinh dầu sả chanh, điều này cũng rất tốt nhưng phải mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, uy tín. Bạn chỉ cần nhỏ một chút tinh dầu vào nước lau nhà, sau đó lau nhà sạch sẽ, ít nhiều cũng có tác dụng xua đuổi muỗi. Ngoài ra có thể bôi trực tiếp trên da để đuổi muỗi hoặc dùng qua đèn xông tinh dầu.
Tinh dầu được nhiều người ưa dùng nhưng cần chú ý về nhãn mác, chất lượng tránh ngộ độc.
Thuốc phòng muỗi đốt - Cẩn trọng khi bôi cho trẻ
Với các thuốc diệt muỗi, phòng muỗi đốt có bán trên thị trường hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội lưu ý, bản chất của thuốc diệt muỗi là hóa chất, và phải có quy định nồng độ nào là phù hợp. Các thuốc diệt muỗi mà bạn dùng phải được khuyến cáo của Bộ Y tế, được cấp giấy chứng nhận là được phép sử dụng.
Chuyên gia Nhi khoa cũng lưu ý, các thuốc diệt muỗi không nên dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, vì da trẻ rất mỏng manh, có thể độc, gây dị ứng, không tốt cho trẻ. Nên bôi gián tiếp qua quần áo, không nên bôi trực tiếp lên da.
"Ở phụ nữ mang thai, thuốc bôi trên da, khả năng ngấm qua nhau thai vào bào thai cũng hiếm. Tuy nhiên, các thuốc dạng xịt cần chú ý không được xịt ở vùng quanh mặt, khi hít phải trực tiếp có thể gây ho, khó thở. Điều quan trọng nữa là cũng không nên lạm dụng các hóa chất, thuốc diệt muỗi...." - PGS. Diệu Thúy khuyến cáo.
Các biện pháp khác ngăn chặn muỗi phát triển
Ngăn chặn muỗi phát triển là việc làm cần thiết ngay từ chính ngôi nhà của bạn. Bởi lẽ không có muỗi thì không có sốt xuất huyết.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể về phòng chống bệnh sốt xuất huyết như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ mảnh vỡ, vỏ lon, hộp, lốp xe... những chỗ đọng nước thích hợp để muỗi đẻ trứng sinh ra muỗi. Với vũng nước lớn có thể nhỏ dầu hỏa để lăng quăng không nở được, thả cá vào bể nước tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy.
Ngoài ra còn có các dụng cụ bắt muỗi, lọc không khí giúp hạn chế muỗi, thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày...
Trong gia đình có những lọ nước cắm hoa, khay nước tủ lạnh cũng là nơi muỗi ưa thích để đẻ trứng. Khi đã có muỗi, cần phải diệt muỗi. Muỗi sốt xuất huyết thường hoạt động ban ngày, hoặc chiều tối, vào lúc 5h sáng hoặc buổi chiều, muỗi thường đậu ở những chỗ tối. Phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo kín, sáng màu phòng muỗi đốt.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc hạn chế chỗ muỗi đẻ, diệt lăng quăng dễ hơn so với việc muỗi đẻ rồi mới đi phun diệt muỗi; phòng chống muỗi đốt dễ hơn để muỗi đốt rồi sinh bệnh và phải đi chữa bệnh.
Cũng cần lưu ý muỗi đẻ ở vũng nước sạch, nhưng không nên chủ quan muỗi vẫn có ở những vũng nước bẩn. Nếu không có muỗi, không có lăng quăng, không có muỗi đốt thì không có sốt xuất huyết.
Nên quan sát nếu thấy khu vực mình đang sinh sống có người bị sốt xuất huyết thì cần cảnh giác, khi có sốt bất thường thì cần đi khám ngay. Bởi sốt xuất huyết không phải chỉ từng cá thể, nó ảnh hưởng tới cả cộng đồng.
1. Cọ rửa và đậy kín các dụng cụ chứa nước, đổ hết nước khi không dùng đến.
2. Cọ rửa bình hoa, chậu cây và thay nước cho hoa.
3. Vệ sinh cống và máng xối.
4. Loại bỏ vật phế thải gây đọng nước.
5. Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, ngăn không cho nước mưa vào.
>> Xem thêm: Đuổi muỗi bằng máy xông tinh dầu, cả nhà nhập viện cấp cứu
Chuyên gia Dược học: Tinh dầu không hoàn toàn vô hại như bạn nghĩ