Hà Nội

Chuyên gia Dược học: Tinh dầu không hoàn toàn vô hại như bạn nghĩ

09-04-2021 22:48 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Giới chuyên môn cảnh báo, việc sử dụng tinh dầu không đúng cách sẽ dễ gây ra các phản ứng có hại cho con người, nghiêm trọng hơn có thể đe doạ tính mạng.

Vài năm gần đây, nhiều người chuộng dùng tinh dầu vừa tạo mùi thơm vừa như một liệu pháp massage thư giãn, trị liệu... Bên cạnh đó, có một số loại hương thơm của tinh dầu còn có tác dụng đuổi muỗi, loại bỏ côn trùng hiệu quả.

Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây những hậu quả đáng tiếc…

Vụ ngộ độc tinh dầu đuổi muỗi khiến 4 người trong cùng một gia đình phải nhập viện cấp cứu (như suckhoedoisong.vn đã đưa tin) chính là một bài học nhãn tiền.

Nhan nhản các loại tinh dầu đuổi muỗi

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại tinh dầu có thể đuổi muỗi với các mùi bạc hà, tràm, bưởi, quế, sả chanh, oải hương… Việc sử dụng tinh dầu cũng khá đơn giản. Chỉ cần cho nước vào đĩa đựng nước phía trên đèn, khi nước ấm lên nhỏ vài giọt tinh dầu vào sau đó cắm điện hoặc đốt nến làm nóng đĩa nước. Tinh dầu sẽ được khuyếch tán vào không khí khi nước bay hơi.

Tinh dầu sả chanh

Mùi thơm của tinh dầu sả chanh có chức năng làm tê liệt thần kinh của muỗi và khiến chúng mất phương hướng. Tinh dầu sả chanh có tác dụng rất tốt trong việc xua đuổi muỗi, phòng chống sốt xuất huyết. Loại dầu này cũng chứa các đặc tính xua đuổi các loại côn trùng khác.

Tinh dầu sả chanh có chức năng làm tê liệt thần kinh của muỗi.

Tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có tác dụng đuổi muỗi, loại bỏ côn trùng đồng thời còn giúp làm sạch không khí, khử mùi, diệt khuẩn, đem đến hương thơm dễ chịu. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà cũng có thể giúp khử mùi hôi, nấm mốc, làm giảm độ ẩm rất hiệu quả. Loại tinh dầu này được nhiều người sử dụng như một loại thuốc chống côn trùng tự nhiên và mang đến cảm giác sảng khoái, dễ chịu.

Tinh dầu húng quế

Tinh dầu húng quế có mùi thơm và cay có thể đuổi muỗi, côn trùng. Ngoài ra tinh dầu cũng thường được dùng làm dịu vết muỗi đốt.

Tinh dầu tràm

Tinh dầu tràm được chiết xuất từ cây tràm có thể bảo vệ và làm dịu vết cắn từ muỗi và côn trùng. Khi được bôi lên da hoặc khuếch tán trong không khí tinh dầu tràm sẽ xua đuổi được muỗi, côn trùng.

Tinh dầu tràm có thể bảo vệ và làm dịu vết cắn từ muỗi.

Tinh dầu oải hương

Thành phần trong tinh dầu oải hương có tác dụng chính để đuổi muỗi hiệu quả. Mùi hương của tinh dầu hương thảo có thể trị bọ xít và muỗi đốt khá hiệu quả, thậm chí cả muỗi anopheles gây bệnh sốt xuất huyết.

Tinh dầu hương thảo

Mùi thơm của tinh dầu hương thảo rất dễ chịu, giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi. Đặc biệt, thành phần của tinh dầu hương thảo này còn có tác dụng đuổi muỗi một cách tự nhiên mà vẫn rất tốt cho sức khỏe.

Hóa chất giả tinh dầu tự nhiên - Mối nguy đến từ hương thơm

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho hay, tinh dầu là một dạng chất lỏng chứa các hợp chất thơm dễ bay hơi được chiết xuất bằng cách chưng cất hơi nước hoặc ép lạnh, từ lá cây; thân cây; hoa; vỏ cây; rễ cây; hoặc những bộ phận khác của thực vật.

Tinh dầu đã được sử dụng từ hàng nghìn năm nay, được nghiên cứu phát triển trong các liệu pháp hương thơm trị liệu hoặc các liệu pháp điều trị bằng các chất tự nhiên giúp giảm căng thẳng, lo lắng, đau đầu, mất ngủ… Bên cạnh đó tinh dầu còn được ứng dụng rộng rãi trong mỹ phẩm, trong các sản phẩm đuổi côn trùng, sát khuẩn…

Tinh dầu có thể đuổi được muỗi.

Do nguồn gốc tự nhiên, nếu sử dụng ở nồng độ phù hợp, tinh dầu có độ an toàn cao. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, việc sử dụng tinh dầu không đúng cách vẫn có thể gây ra các phản ứng có hại cho con người như gây dị ứng, gây co thắt phế quản, gây viêm da thậm chí làm bỏng da, niêm mạc… nghiêm trọng hơn có thể gây ra các phản ứng có hại đe doạ tính mạng như ức chế hô hấp, ức chế thần kinh trung ương, loạn nhịp tim…

Phản ứng có hại của tinh dầu có thể liên quan đến thành phần hoá học của loại tinh dầu đó hoặc liên quan đến sử dụng sai cách như tuỳ tiện sử dụng đường uống, bôi trực tiếp tinh dầu đậm dặc trên da hoặc sử dụng nồng độ quá cao qua đường hô hấp…

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, nguy hiểm hơn là sự pha trộn của các chất hoá học giả tinh dầu tự nhiên. Điều này cũng có thể làm gia tăng phản ứng có hại trên người. Việc sử dụng những hương liệu có chứa các hóa chất này trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm cho người dùng, làm tổn thương não, nhức đầu, mờ mắt, thiếu máu...

"Phản ứng có hại cũng nặng nề hơn khi sử dụng cho một số đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai… Vì vậy, việc sử dụng tinh dầu không hoàn toàn vô hại và đặc biệt nên thận trọng trên một số đối tượng nhạy cảm" - Chuyên gia Dược học cảnh báo.

> Xem thêm: Đuổi muỗi bằng máy xông tinh dầu, cả nhà nhập viện cấp cứu

Tinh dầu phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp?

Cách lựa chọn và sử dụng hiệu quả các loại tinh dầu


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn