Tối 23/7, ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (Nghệ An) cho biết đợt mưa lũ lần này được đánh giá là một trong những thảm họa thiên tai khốc liệt nhất trong nhiều năm qua. Thống kê sơ bộ, toàn xã có 231 nhà dân bị hư hỏng, trong đó 109 nhà thiệt hại trên 70%, 122 nhà hư hỏng từ 50–70%.

Thống kê sơ bộ, toàn xã có 231 nhà dân bị hư hỏng, trong đó 109 nhà thiệt hại trên 70%, 122 nhà hư hỏng từ 50–70%.
Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 bị lũ cuốn trôi nhiều hạng mục như: phòng học, bàn ghế, sách vở và đồ dùng học tập của học sinh. Các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp chưa thể tiếp cận để đánh giá thiệt hại cụ thể.

Bản làng tan hoang sau lũ.
Hệ thống giao thông gần như tê liệt. Quốc lộ 16, tuyến huyết mạch nối xã với các xã lân cận bị đứt gãy nhiều đoạn. Sạt lở đất vùi lấp nhiều tuyến đường nội xã, khiến các bản Nhọt Lợt, Piêng Pèn, Phá Chiến và Huồi Pún hoàn toàn bị cô lập.

Sạt lở đất vùi lấp nhiều tuyến đường nội xã, khiến các bản Nhọt Lợt, Piêng Pèn, Phá Chiến và Huồi Pún hoàn toàn bị cô lập.
Khoảng 150 cột cáp thông tin bị đổ gãy, tín hiệu liên lạc ở nhiều khu vực mất hoàn toàn. Ngành điện lực ghi nhận 116 cột hạ thế gãy đổ, 550m đường dây cao thế bị đứt, khiến sinh hoạt người dân và công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 28–30 tỷ đồng.

Bao nhiêu tài sản tích góp giờ trôi theo lũ.
Trước tình hình khẩn cấp, chính quyền địa phương đã kích hoạt phương châm "4 tại chỗ", huy động toàn bộ lực lượng sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm và cung cấp gạo, mì tôm, nước uống, thuốc men cho các bản chịu ảnh hưởng nặng. "Chúng tôi đang nỗ lực tiếp cận các bản còn bị chia cắt. Tuy nhiên, việc vận chuyển cứu trợ vô cùng khó khăn do đường sá hư hỏng nghiêm trọng," ông Bảy cho hay.
Đến 17h30 ngày 23/7, hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng tại Nghệ An, khiến nhiều địa phương chìm trong lũ, sạt lở đất và thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, tổng lượng mưa từ tối 21 đến 22/7 phổ biến 100–200mm, có nơi vượt 250mm. Lưu lượng nước đổ về từ thượng nguồn khiến nhiều xã miền núi bị chia cắt, cơ sở hạ tầng hư hỏng nặng.
Mưa lũ khiến 3 người đã thiệt mạng, 1 người mất tích và 4 người bị thương. Các nạn nhân chủ yếu do lũ cuốn và sạt lở đất. Hơn 3.400 hộ dân được sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn, trong khi 21 thôn, bản tại huyện Tương Dương cùng nhiều khu vực khác vẫn bị cô lập, mất điện.
Trước tình hình khẩn cấp, UBND tỉnh Nghệ An đã phát đi nhiều công điện, huy động toàn bộ lực lượng quân sự, công an, biên phòng và dân quân với hơn 2.700 lượt cán bộ, chiến sĩ, cùng hàng chục xuồng cứu hộ để ứng cứu, di dời dân.
Hiện các hồ thủy điện, thủy lợi vẫn vận hành an toàn theo quy trình. Công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả đang được triển khai với tinh thần "khẩn trương nhất, quyết liệt nhất" nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.