Bác tin vỡ đê ở Hưng Yên; cần hiểu đúng về lưu lượng đỉnh lũ tần suất 5000 năm

23-07-2025 14:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai khẳng định, hiện tượng tràn bờ bao tại kênh dẫn Cù Là (xã Hồng Vũ, huyện Ân Thi) là sự cố cục bộ, không phải vỡ đê như một số thông tin lan truyền.

Mưa lũ kỷ lục nhấn chìm miền Tây Nghệ An, hàng trăm hộ dân chạy đua với lũ dữMưa lũ kỷ lục nhấn chìm miền Tây Nghệ An, hàng trăm hộ dân chạy đua với lũ dữ

SKĐS - Chỉ sau một đêm, miền Tây Nghệ An chìm trong biển nước, cầu treo gãy đổ, Quốc lộ 7 tê liệt, hàng trăm hộ dân khẩn cấp sơ tán. Nước từ thủy điện Bản Vẽ vẫn dồn về như thác, buộc phải xả lũ khẩn cấp...

Tràn bờ bao ngoài đê sau bão số 3

Trưa nay (23/7), đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh thông tin "vỡ đê bối ở Hưng Yên" là không chính xác, gây ra hiểu nhầm trong dư luận về công tác chỉ đạo, điều hành. "Đây là sự cố tràn bờ bao kênh dẫn Cù Là, xã Hồng Vũ, tỉnh Hưng Yên", đại diện cơ quan này cho hay.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhận được báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên. Theo đó, ông Phí Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, bão số 3 đổ bộ vào Hưng Yên từ trưa ngày 22/7 với sức gió giật cấp 8, cấp 9, kèm mưa vừa, mưa to đến rất to.

Bác tin vỡ đê ở Hưng Yên; cần hiểu đúng về lưu lượng đỉnh lũ tần suất 5000 năm- Ảnh 2.

Thông tin vỡ đê bối ở Hưng Yên là không chính xác.

Tổng lượng mưa đo được từ 19h ngày 20/7 đến 13h ngày 22/7 ở khu vực phía Bắc tỉnh Hưng Yên phổ biến từ 40-80mm, phía Nam của tỉnh này phổ biến từ 100-200mm.

Hưng Yên đã kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động tổ chức các biện pháp ứng phó với bão từ sớm, từ xa. Đến 17h ngày 22/7 trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, theo ông Việt, do mưa, gió mạnh, bão số 3 đã gây ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong tỉnh.

"Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có một số vị trí bờ bao ở các khu vực cửa sông, ven biển, khu vực thấp trũng cửa sông Hồng, sông Trà Lý và các bãi bồi ven sông bị tràn. Trong đó có sự cố tràn bờ bao kênh Cù Là (nằm phía ngoài đê Tả Hồng Hà II), xã Hồng Vũ với tổng chiều dài các vị trí tràn 80m. Sự cố trên xảy ra tại bờ kênh dẫn, không phải tuyến đê bối và đê Hồng Hà II", ông Phí Quốc Việt nêu rõ.

Ngay khi xảy ra sự cố, UBND xã Hồng Vũ đã khẩn trương huy động lực lượng, máy móc, vật tư, phối hợp đồng bộ, tổ chức ứng cứu và khắc phục sự cố ngay trong chiều cùng ngày. Đồng thời di dời 42 hộ dân với 107 nhân khẩu bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Cơ quan chức năng đã huy động gần 200 người tham gia khắc phục sự cố, gồm lực lượng an ninh cơ sở, dân quân tự vệ, đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng nhân dân trong xã. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên cũng đã điều động 60 chiến sĩ phối hợp cùng chính quyền và nhân dân xã Hồng Vũ triển khai các biện pháp xử lý, gia cố bờ bao, vận chuyển vật tư và đảm bảo an toàn tại hiện trường.

Đến 16h cùng ngày, công tác khắc phục sự cố tràn bờ bao cống Cù Là đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo an toàn bước đầu cho khu vực dân cư.

Hiểu thế nào về lưu lượng đỉnh lũ tần suất 5000 năm?

Khuya 22/7, UBND tỉnh Nghệ An ban hành thông báo khẩn liên quan đến hồ thủy điện Bản Vẽ, trên địa bàn xã Yên Na xả lũ. Theo thông báo này, lúc 21h ngày 22/7, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm mới xảy ra một lần).

Ông Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, về thông báo khẩn số 604 của Nghệ An là giá trị xảy ra vào tầm đêm ngày 22/7, lưu lượng nước về hồ thủy điện đạt 9.543 m³/s và sau đó vào 2h sáng ngày 23/7/2025 lưu lượng đỉnh lũ đạt 12.800 m³/s vượt 2.300m3/s so với đỉnh lũ kiểm tra với tần suất p=0,02 (ứng với chu kỳ lặp lại 5000 năm) là 10.500 m³/s.

Nói như vậy để thấy rằng mức độ bất thường, đã xảy ra lũ cực hiếm trên thượng nguồn sông Cả, tiềm ẩn nguy hiểm đến công trình hồ chứa và dân cư, cơ sở hạ tầng.

Còn thông tin "lũ 5.000 năm mới có một lần" phải hiểu đúng là trận lũ có độ lớn ứng với trận lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm, không phải 5.000 năm mới xảy ra 1 lần, vì xác suất là độc lập, vì thế hoàn toàn có thể xảy ra vào năm sau hoặc sau nữa khi xảy ra đợt mưa lớn.

Nói cụ thể, nếu một trận lũ có chu kỳ lặp lại là 5.000 năm, điều đó có nghĩa là xác suất để nó xảy ra trong một năm bất kỳ là 1/5.000, hay 0,02%/năm. Đây là một giá trị xác suất, chứ không phải một cam kết về mặt thời gian.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Nghệ An, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, cho biết con số 5.000 năm được đề cập trong thông báo không được hiểu là năm lịch sử hay năm thực tế như cách hiểu thông thường.

"Đây là thuật ngữ kỹ thuật, chỉ tần suất xuất hiện của một sự kiện, ở đây cụ thể là lưu lượng lũ tại thủy điện Bản Vẽ đêm 22/7. Trong kỹ thuật, tần suất xuất hiện để chỉ khả năng xuất hiện của một sự kiện theo một chuỗi thời gian.

Từ một số liệu, sẽ tính ra được những sự kiện xảy ra mức độ hiếm; tần suất con số càng nhỏ thì chu kỳ năm càng lớn, khả năng xuất hiện càng ít, cực hiếm", ông Toản thông tin.

Theo ông Toản, tần suất được tính theo phần trăm. Nếu tần suất 1%, bằng phương pháp tính ngoại suy và các phương pháp khác thì 100 năm xuất hiện 1 lần. Tần suất 0,1% thì 1.000 năm xảy ra 1 lần.

Với hồ Bản Vẽ, tần suất tối đa của hồ theo thiết kế là 0,02%, tương đương 5.000 năm xuất hiện 1 lần, đây là mức độ xuất hiện cực hiếm. Công suất thiết kế của hồ thủy điện Bản Vẽ là 10.500m3/s, thời điểm ban hành văn bản (21h ngày 22/7), lưu lượng đỉnh lũ tại hồ xấp xỉ mức thiết kế, tuy nhiên, sau đó, đỉnh lũ đã lên đến gần 13.000m3/s, cao nhất trong lịch sử.

"Thời điểm ban hành văn bản, tình huống cực kỳ căng thẳng, lũ về nhanh, cứ 1 phút, nước dâng cao 1cm. UBND tỉnh ban hành lệnh khẩn cấp, dự kiến sáng nay sẽ ban bố tình huống khẩn cấp nhưng đến 3h ngày 23/7, lưu lượng đạt đỉnh và xuống dần. Đến thời điểm 10h ngày 23/7 tương đối yên tâm về công trình", ông Toản thông tin thêm.

Đợt thiên tai mưa lũ do bão số 1 có tính chất đặc biệtĐợt thiên tai mưa lũ do bão số 1 có tính chất đặc biệt

SKĐS - Bão số 1 hình thành ngay trên Biển Đông gây ra mưa lớn nhiều khu vực. Đợt thiên tai này cho thấy sự dịch chuyển thời vụ và mức độ cực đoan của thời tiết khí hậu, bất thường và không còn quy luật.


Tô Hội
Ý kiến của bạn