Hà Nội

Ngày Thế giới không thuốc lá 2023: 'Cần thực phẩm, không cần thuốc lá' để tạo sinh kế bền vững

21-05-2023 13:38 | Quốc tế
google news

SKĐS - "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá" được lựa chọn là chủ đề chính của Ngày thế giới không thuốc lá năm nay (31/5/2023).

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam: "Chúng ta cần lương thực, không cần thuốc lá"

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để dành chi cho thực phẩm.

Canh tác thuốc lá – Vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật

Tiến sĩ Mary Assunta - Cố vấn chính sách cấp cao của Liên minh Phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) nêu rõ: Thuốc lá là loại cây trồng không bền vững, việc trồng cây thuốc lá hủy hoại cuộc sống môi trường do canh tác thuốc lá dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, phá rừng quy mô lớn, xói mòn đất và ô nhiễm hệ thống không khí và nước. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta ngày càng có ít đất hơn cho trồng trọt để nuôi sống con người.

Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm trên thế giới có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn Formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn Nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá…

Ngày Thế giới không thuốc lá 2023: 'Cần thực phẩm, không cần thuốc lá' để tạo sinh kế bền vững - Ảnh 1.

Theo WHO, 9 trong số 10 quốc gia trồng thuốc lá lớn nhất là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, và 4 trong số này được xác định là các quốc gia có thu nhập thấp bị thiếu lương thực. Đất được sử dụng để trồng thuốc lá có thể được sử dụng hiệu quả hơn để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc 2 – không còn nạn đói. Ảnh: WHO

Không những thế, việc trồng cây thuốc lá có thể tăng gánh nặng về bệnh tật và nghèo đói, người nông dân dễ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, bệnh tật. WHO cho hay, một nông dân trồng thuốc lá trong suốt quá trình trồng trọt và thu hoạch thuốc lá có thể hấp thụ lượng nicotine có trong 50 điếu thuốc lá trong một ngày. Việc sử dụng thuốc lá gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm thì lại bị chuyển sang chi tiêu cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra. Ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.

"Trong khi đó, trồng các loại thực phẩm khác có lợi hơn để phát triển và nuôi sống con người" - TS. Mary Assunta nói. Do vậy, việc nói không với canh tác thuốc lá để tạo sinh kế bền vững là vô cùng cấp thiết.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có diện tích trồng cây thuốc lá và số người tham gia trồng cây cao nhất, bên cạnh Indonesia và Philippines. Ước tính nước ta có 14.651ha trồng cây thuốc lá và khoảng 220.000 người tham gia trồng loại cây này.
(Nguồn: SEATCA, 2018)

Chuyển đổi loại cây trồng nào cho phù hợp?

Các chuyên gia cho rằng, việc trồng cây thuốc lá chiếm nhiều diện tích đất mà có thể được sử dụng để trồng cây lương thực. Trên toàn cầu, khoảng 3,5 triệu ha đất được chuyển đổi để trồng cây thuốc lá mỗi năm. 9 trong số 10 quốc gia trồng thuốc lá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có 4 quốc gia được xác định là bị thiếu lương thực. Nếu đất trồng thuốc lá có thể được sử dụng cho việc trồng cây lương thực sẽ góp phần vào việc thực hiện Mục tiêu thứ 2 của Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc: "Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững".

Hiện nay, ở một số nơi trên thế giới, người nông dân đã chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp giúp ổn định sinh kế. Các nông dân trồng thuốc lá ở hạt Migori (Kenya) đã tham gia dự án chuyển đổi từ cây thuốc lá sang trồng các loại cây lương thực như đậu, ngô, khoai lang. Vụ thu hoạch đầu tiên của họ đã giúp tăng giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn hằng ngày, vừa tăng giá trị kinh tế cho gia đình. Trước đây, trồng cây thuốc lá khiến người nông dân phải đối mặt những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim mạch, hô hấp và nhiều bệnh suy nhược khác do để da tiếp xúc với chất nicotine trong quá trình rửa lá thuốc bằng tay mà không có găng tay bảo hộ.

Chính phủ Philippines đã thúc đẩy phương án thay thế khả thi về mặt kinh tế cho nông dân và công nhân thuốc lá. Trồng các loại rau và ngô là 2 loại lựa chọn thay thế cho thuốc lá đem lại thu nhập cao gấp 1,5 đến 5 lần.

Indonesia cũng lựa chọn phát triển bền vững bằng trồng nhiều lương thực hơn, không phải thuốc lá. Hướng đi này đã đưa quốc đảo trở thành nơi sản xuất 83,0 triệu tấn gạo; 30,2 triệu tấn ngô; 21,7 triệu tấn mía đường; 18,5 triệu tấn dừa; 16,1 triệu tấn sắn; 7,2 triệu tấn chuối; 3,0 triệu tấn xoài; 2,5 triệu tấn ớt…

Ngày Thế giới không thuốc lá 2023: 'Cần thực phẩm, không cần thuốc lá' để tạo sinh kế bền vững - Ảnh 3.

Ngày Thế giới Không Thuốc lá 2023: "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá". Ảnh: WHO

Tại Việt Nam, để góp phần làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, một trong những giải pháp quan trọng là làm giảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá. Nhiều địa phương đã có sự điều chỉnh trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thu hẹp diện tích trồng cây thuốc lá để chuyển đổi sang cây trồng khác. Ngoài lúa là cây lương thực chính, nhiều nơi đã trồng mía, sắn, ngô, khoai tây, đậu…

Tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các địa phương có ít diện tích trồng cây thuốc lá như Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Quan xây dựng các phương án chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá sang các nhiều loại cây trồng. Cụ thể, huyện Chi Lăng có hướng chuyển đổi sang trồng cây na, thực hiện sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước sang mở rộng diện tích cây có múi; huyện Bình Gia đang triển khai tuyên truyền các hộ dân chuyển đổi dần các vùng trồng cây thuốc lá sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như rau, cây ăn quả.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế, phù hợp với mục tiêu xây dựng vùng nông nghiệp thông minh phát triển các loại cây đặc sản đặc hữu theo hướng hàng hóa gắn với chế biến. Tại huyện Hòa An, Hà Quảng hiện là vùng nguyên liệu thuốc lá, định hướng sẽ phát triển các loại cây gia vị như: gừng, nghệ, ớt hữu cơ hướng tới xuất khẩu; đồng thời triển khai một số loại cây trồng thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt tại Hòa An, hạt dẻ tại Trùng Khánh, lê tại Nguyên Bình, Thạch An...

Tại Ninh Bình, trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn phòng chống tác hại thuốc lá cho hơn 1.000 hội viên nông dân và cán bộ Hội. Không chỉ bỏ hút, nhiều hội viên nông dân sản xuất, trồng cây thuốc lá cũng dần từ bỏ, chuyển đổi sản xuất cây trồng. Ở huyện Yên Mô có hàng trăm nông dân đã từ bỏ cây thuốc lá, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Hiện chỉ còn số ít nông dân ở Khánh Dương (Yên Mô, Ninh Bình) là còn trồng cây thuốc lá. Hội Nông dân các cấp cũng đang truyền thông và hỗ trợ giúp các hộ này chuyển đổi sản xuất…

WHO kêu gọi các nước xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho các hoạt động thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá; tăng cường bảo vệ môi trường và sức khỏe của những người trồng cây thuốc lá; nâng cao nhận thức cho người trồng cây thuốc lá về tác hại của trồng cây thuốc lá và lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp; Hỗ trợ các nỗ lực chống sa mạc hóa và suy thoái môi trường bằng cách giảm trồng cây thuốc lá.

Một số thông điệp Ngày thế giới không thuốc lá (31/5/2023) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2023)

  1. Sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân gây ra đói nghèo
  2. Hãy dùng tiền mua thuốc lá để mua thực phẩm cho con bạn
  3. Hãy chọn thực phẩm, đừng chọn thuốc lá
  4. Hút thuốc lá làm bạn tốn tiền và phải trả giá bằng sức khoẻ
  5. Hút thuốc thụ động dù ít hay nhiều đều có hại cho sức khoẻ
  6. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa chất gây ung thư và chất Nicotine gây nghiện.
  7. Đừng để mình thành nạn nhân của việc nghiện chất nicotine trong thuốc lá điện tử
  8. Bỏ thuốc lá để phục hồi lá phổi của bạn
  9. Không hút thuốc lá nơi làm việc, nơi công cộng
  10. Không hút thuốc lá trong nhà, nơi tập trung đông người
  11. Hãy nhắc người khác không hút thuốc lá gần bạn và mọi người
Bất ngờ resort xanh mát hồi sinh từ trang trại chế biến thuốc láBất ngờ resort xanh mát hồi sinh từ trang trại chế biến thuốc lá

SKĐS - Vẫn còn những dấu tích của một trang trại sản xuất, chế biến thuốc lá với những kho sấy và vật dụng đã nhuốm màu thời gian, mùi thuốc lá phảng phất xen lẫn mùi đất cát... nhưng giờ đây Điền trang Kaomai 1955 (ở Chiang Mai, Thái Lan) đã hồi sinh trở thành khu nghỉ dưỡng với hướng phát triển xanh, tạo sinh kế bền vững.


Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn