Thí sinh phân vân khi chọn ngành nghề
Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Bên cạnh việc các trường đại học đã công bố phương án, chỉ tiêu tuyển sinh với nhiều ngành mới mở và ngành "hot" được thí sinh quan tâm như: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Bán dẫn, vi mạch… hiện nhiều em rơi vào trạng thái hoang mang, phân vân và lo lắng không biết nên lựa chọn ngành học theo sở thích hay xu hướng cũng như làm sao để lựa chọn được ngành học phù hợp.
Đây cũng là tâm lý của Đặng Bảo Ngọc - học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Hoà (Hà Nội). Theo Ngọc, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để học tập suốt 4 năm trên giảng đường đại học và theo đuổi cả một quãng đường dài sau tốt nghiệp là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này Ngọc vẫn băn khoăn về lựa chọn ngành nghề. "Nếu theo đuổi các ngành "hot" hiện nay thì có thể mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên em sợ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, những ngành học "hot" đó em lại thấy bản thân mình không học được", Ngọc bày tỏ.
Trước những lo lắng của học sinh về việc lựa chọn ngành nghề, thầy Nguyễn Hữu Sản - người có nhiều năm dạy tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 em, nhưng số lượng nhập học chính thức đạt khoảng 80%. Như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy, khi thí sinh đăng ký nguyện vọng cho đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau. Bên cạnh đó, sau năm thứ nhất, có khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Như vậy, số em đã chọn sai hoặc chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều.
"Các em học sinh phải hiểu bản thân mình đang có gì, muốn gì và sau này ra trường đáp ứng nhu cầu của xã hội ra sao, thu nhập có ổn định không để chọn ngành cho đúng. Các em không nên chạy theo những ngành "hot" vì năm nay những ngành đó "hot"nhưng vài năm nữa có thể nó sẽ bão hoà vì có nhiều trường đào tạo và nhiều người theo học. Do vậy, khi lựa chọn ngành học các em cần cân nhắc thật kỹ vì nếu chọn sai sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc và đặc biệt là cơ hội cho tương lai", thầy Sản chia sẻ.
Không nên chạy theo ngành "hot"
Về vấn đề lựa chọn ngành "VIP", ngành "hot" trong mùa tuyển sinh 2024, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cho rằng: "Việc chọn ngành, chọn nghề, liên quan đến cả một tương lai rất dài. Lời khuyên là nên cho chính bản thân mình nhiều cơ hội. Chúng ta phải tạo ra nhiều năng lực cốt lõi, có nghĩa không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học cách tiếp cận liên ngành. Học kinh tế nhưng các em có thể học thêm luật, hay khoa học dữ liệu dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải có thêm một tấm bằng nữa nhưng cần có một khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai.
Việc chọn ngành "VIP" hay ngành "hot" phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu giỏi trong một lĩnh vực nào đó, đẩy năng lực mình lên tới một mức rất cao thì việc kiếm việc làm, đạt được mức lương theo khái niệm "VIP" hay "hot" là không khó khăn".
PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa có lời khuyên thêm dành cho thí sinh: "Các em thí sinh cũng đừng nên thấy ngành nào hiện nay đang "hot", đang có nhu cầu mà thi nhau vào. "Ngành học "hot", nhưng bản thân mình có "hot" hay không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ các em đừng nên chạy theo ngành "hot" vội, trước khi chọn ngành nghề, cần tự trả lời những câu hỏi: Có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành đó không? Ngành đó có phát triển hay không? Học phí ngành đó có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với mình?".
Lưu ý thí sinh khi chọn ngành, chọn trường, ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các em học sinh lớp 12 đừng chỉ nghe loáng thoáng rồi "chọn cho có". Thay vào đó, cần tìm hiểu yêu cầu của ngành học đó như thế nào, năng lực và sở trường của bản thân có phù hợp với ngành đó hay không.
Theo ông Vinh, các em học sinh cần "định vị" được năng lực thực tế học tập của mình, ham muốn cũng như thích làm gì sau này để lựa chọn chứ đừng dựa vào "sở thích" của bố mẹ. "Thực tế, học sinh chạy đua chọn ngành nghề theo ngành "hot" thì là xu thế không cản được. Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu xem ngành đó có "hot" thật không. Vì thực tế, nhiều trường đổi tên ngành học để bắt kịp thời cuộc nhưng thực chất là "bình mới rượu cũ" mà nội dung giảng dạy không thay đổi nhiều", ông Vinh nêu quan điểm.