Tuyển sinh đại học 2024: 'Nở rộ' nhiều ngành học mới

12-01-2024 08:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Tới thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố thông tin tuyển sinh, thêm nhiều ngành học mới để đón đầu xu thế.

Mở thêm nhiều ngành học mới

Năm nay, Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh 3.500 chỉ tiêu năm 2024 với 6 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; tuyển sinh riêng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP. HCM tổ chức, xét kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Năm 2024, trường dự kiến mở mới một chuyên ngành, đó là ngành Điện tử viễn thông, Chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) vừa thông báo, mùa tuyển sinh năm 2024, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Căn cứ để nhà trường tuyển sinh đào tạo ngành này là dựa trên nền tảng sẵn có về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên chương trình ngành gần là vật lý kỹ thuật - điện tử. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng vừa công bố một số điểm mới trong tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 với việc mở thêm ngành An toàn thông tin, nâng tổng số ngành/chương trình đào tạo lên 52.

Trường ĐH Phenikaa cũng tăng thêm 7 ngành/chương trình đào tạo so với năm 2023 gồm Kỹ thuật điện tử - Viễn thông (thiết kế vi mạch bán dẫn), Trí tuệ nhân tạo, Marketing, Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền.

Tuyển sinh đại học 2024: 'Nở rộ' nhiều ngành học mới- Ảnh 1.

Học sinh tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Hà Nội.

Theo phương án tuyển sinh năm 2024 của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhà trường tuyển sinh 63 ngành đào tạo thuộc các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Marketing - Truyền thông, Kiến trúc - Mỹ thuật, Âm nhạc - Nghệ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Khoa học xã hội - Nhân văn, Luật - Ngoại ngữ. Trong đó, có 7 ngành mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM mở 2 ngành đào tạo mới là Kinh tế số (chuyên ngành Kinh doanh số, Quản trị kinh doanh số) và Kỹ thuật phần mềm. Năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh khoảng 6.610 chỉ tiêu cho 36 ngành đào tạo.

Trường ĐH Gia Định cũng mở thêm 3 chuyên ngành mới trong năm 2024, gồm: Quản trị tài chính, Quản trị nguồn nhân lực, Xây dựng & Quản trị kênh truyền thông độc lập. Mỗi chuyên ngành sẽ đào tạo chuyên sâu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc cụ thể trong lĩnh vực.

Mở thêm ngành học mới là cần thiết và tất yếu

ThS. Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết, năm 2024, nhà trường dự kiến mở thêm 2 ngành đào tạo mới là ngành Kinh tế số và ngành Kỹ thuật phần mềm, cả hai ngành mới được dự báo là những ngành có sức hút lớn đối với thí sinh.

"Ngành Kinh tế số và ngành kỹ thuật phần mềm tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM hướng đến đào tạo người học theo định hướng nghề nghiệp, có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về chuyên môn, tương thích với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của các ứng dụng công nghệ thông tin; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo đáp ứng các yêu cầu thị trường lao động quốc tế, theo định hướng công dân toàn cầu; có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và có nền tảng kiến thức vững chắc để tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn".

Còn ThS. Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định cho rằng, việc các cơ sở giáo dục đại học mở thêm ngành học mới là cần thiết và tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay.

Thầy Chung cho biết, việc mở các ngành học mới luôn được các trường "cân nhắc kỹ lưỡng" trên cơ sở điều tra, khảo sát từ nhu cầu xã hội, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng về mở ngành theo quy định của Bộ GD&ĐT. "Đây đều là những chuyên ngành mà xã hội đang rất cần. Với mỗi chuyên ngành, nhà trường sẽ chú trọng đào tạo chuyên sâu các kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc cụ thể trong lĩnh vực".

Tuyển sinh đại học 2024: Có trường giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệpTuyển sinh đại học 2024: Có trường giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp

SKĐS - Tính đến nay đã có nhiều trường đại học công bố đề án tuyển sinh năm 2024, trong đó có trường đã điều chỉnh bỏ xét tuyển học bạ, có trường lại giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn