Hà Nội

Nắng nóng gay gắt ở Nghệ An: Bệnh viện tận dụng mọi nguồn lực giúp bệnh nhân chống nóng

23-05-2023 16:50 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong những ngày qua, thời tiết ở Nghệ An nắng nóng, cộng thêm gió Tây rất khắc nghiệt. Nhiệt độ ngoài trời ở nhiều địa phương ghi nhận trên 40 độ C. Trong điều kiện bị "hun đốt" này, các bệnh viện chính là nơi "nóng", vật vã hơn cả.

Nắng nóng đỉnh điểm, bệnh nhân và người nhà cơ cực - Ảnh 1.

Mỗi ngày Bệnh viện HNĐK Nghệ An có khoảng 1.000-1.200 người đến khám

Bệnh viện như "chảo rang"

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An: Ở thời điểm này là đỉnh điểm của đợt nắng nóng thứ 2 ở Nghệ An. So với đầu đợt nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị có xu hướng giảm hơn. Nếu vào đầu tháng 5, mỗi ngày bệnh viện đón nhận từ 1.500-1.700 bệnh nhân đến khám thì lúc ngày có khoảng 1.000-1.200 người khám/ngày.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn – Quyền Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết: Có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đến khám giảm. Thứ nhất, đây là thời điểm mùa vụ, người dân phải tập trung chăm lo. Thứ hai, do nắng nóng nên người dân hạn chế và ngại đi khám. Thứ ba, người dân đã phần nào thích nghi và có ứng xử phòng bệnh phù hợp với thời tiết này.

Tương tự, số lượng bệnh nhân nhập viện cũng giảm, vào đầu tháng 5, mỗi ngày có 1.400-1.500 bệnh nhân vào viện; thời điểm này, mỗi ngày có 1.200 bệnh nhân vào viện điều trị. Tuy nhiên, trong tình hình bệnh nhân giảm chung, bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu lại tăng đột biến. Khoa cấp cứu nhiều thời điểm không còn một giường trống.

Nắng nóng đỉnh điểm, bệnh nhân và người nhà cơ cực - Ảnh 2.

Khám điều trị cho bệnh nhân tại khoa Nội A - Lão khoa Bệnh viện HNĐK Nghệ An

Ước tính, trong thời điểm nắng nóng cực đoan, mỗi ngày Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận khoảng 250 lượt bệnh nhân, trong đó hơn 60% là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Về mặt bệnh, các bệnh nhân này nhập viện do say nắng, say nóng, mất nước, rối loạn điện giải, sốc nhiệt… Trong đó, nặng hơn cả là các trường hợp về đột quị não, cơn tăng huyết áp cấp cứu, suy tim cấp.

Thời tiết nắng nóng chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh mạn tính tái phát như COPD, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…Bên cạnh đó, nhiều gia đình chống nóng bằng phương pháp quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để điều hòa nhiệt độ quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi.

Dẫu lượng bệnh nhân đã có phần giảm chút ít nhưng lúc này không khí tại các bệnh viện vẫn hết sức "ngột ngạt". Tại khu vực chờ trước các phòng khám bệnh, vẫn có rất đông bệnh nhân và người nhà chờ đợi trong mệt mỏi, bức bối. Nhiều người như gục xuống ghế, thiếp đi.

Do ngồi chờ đợi trong mệt mỏi, bức bối, nhiều người như gục xuống ghế, thiếp đi.

Ở trong các phòng bệnh, các y, bác sĩ dường như quên đi cái nắng nóng vây bủa để tập trung chăm lo, điều trị cho người bệnh. Các y, bác sĩ vốn quen với áp lực công việc bây giờ cũng phải quen dần với thời tiết để thăm khám cho bệnh nhân.

Trời nắng như đổ lửa, khuôn viên các bệnh viện như "chảo rang". Nhiều người nhà bệnh nhân tận dụng những chỗ có bóng mát hay dưới tán cây xanh để nghỉ tạm cố gắng chống chọi với cái nắng gay gắt cùng với cho Tây khô rát.

Nắng nóng đỉnh điểm, bệnh nhân và người nhà cơ cực - Ảnh 4.

Người nhà bệnh nhân vào thăm nom bệnh nhân phải rất vất vả, trùm kín mít vì nắng nóng

Tăng cường chống nắng, nóng cho bệnh nhân

Trước tình hình nắng nóng khắc nghiệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế Nghệ An, ở thời điểm này, các bệnh viện trong tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp hữu hiệu để phòng, chống nắng nóng, đảm bảo tốt các điều kiện thoáng, mát cho người bệnh đến khám và điều trị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết: Bệnh viện đã và đang triển khai đồng thời 6 giải pháp để phòng chống nắng, nóng cho người bệnh.

Thứ nhất, thực hiện rà soát, cải tạo các điều kiện thông khí tại các khu vực đông người bệnh và người nhà người bệnh.

Thứ hai, giao cho các khoa, phòng, trung tâm tăng cường quạt, điều hòa cho các phòng bệnh, khu vực chờ; cung cấp nước miễn phí đầy đủ cho người bệnh.

Đề chống nóng cho người bệnh đến khám, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã cho lắp đặt, bổ sung thêm quạt, nước uống cho bệnh nhân sử dụng

Thứ ba, yêu cầu các khoa, phòng liên quan sẵn sàng các điều kiện nhân lực, thiết bị, thuốc men để kịp thời cấp cứu cho các bệnh nhân bị say nắng, say nóng; kiện toàn các tổ cấp cứu nội viện, ngoại viện, ban chỉ đạo phòng chống nắng nóng để sẵn sàng ứng phó với các sự cố, thảm họa xảy ra.

Thứ tư, triển khai tập huấn kỹ năng cấp cứu cho người bệnh bị say nắng, say nóng cho cán bộ nhân viên bệnh viện và các bệnh viện tuyến dưới; tiến hành đánh giá tiêu chí "Người bệnh, người nhà người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật" và lấy ý kiến đánh giá của người bệnh và người nhà trong bệnh viện.

Thứ năm, thực hiện che chắn ở các hành lang giữa các tòa nhà trong bệnh viện, giúp bệnh nhân và người nhà có thể di chuyển thuận lợi, tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh do thời tiết nắng nóng cực đoan.

Thứ sáu, tăng cường công tác xã hội hoá, kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm tài trợ ủng hộ các thiết bị như quạt, máy lọc nước để chống nắng nóng cho bệnh nhân.

Bệnh viện HNĐK Nghệ An còn lắp đặt hệ thống điều hòa tại buồng bệnh để giúp cho bệnh nhân điều trị nội trú chống nóng

Không riêng gì các bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện cũng đã và đang tích cực triển khai các biện pháp chống thời tiết nắng, nóng cực đoan…

Tại huyện Kỳ Sơn – một trong những địa phương nắng nóng nhất tỉnh, từ ngày 15/5/203 đến nay, có gần 700 người đến khám, điều trị. Rất nhiều người trong đó mắc các bệnh có nguyên nhân do thời tiết nắng nóng như: rối loạn tiêu hoá, nhiễm khuẩn, mày đay dị ứng, viêm phế quản, viêm phổi…

Bác sĩ Sầm Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho hay: Lúc này, trung tâm hiện có 144 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Giúp cho bệnh nhân vượt qua thời tiết cực đoan này, chúng tôi đã trang bị quạt điện, hệ thống thông gió và nước uống cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đầy đủ. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đẩy mạnh truyền thông, khuyến cáo bệnh nhân và mọi người tránh ánh nắng và hạn chế đi lại khi nhiệt độ thời tiết lên cao.

Tương tự, bác sĩ Lang Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cũng cho biết: Trong thời tiết nắng nóng này, bệnh nhân tuy có giảm nhưng vẫn có khoảng 150-200 bệnh nhân đến khám, điều trị mỗi ngày. Đông nhất là trẻ em với các bệnh viêm phổi, viêm phế quản. Số bệnh nhân điều trị nội trú dao động từ 100 -105 bệnh nhân/ngày.

Thời tiết quá nắng nóng, không chỉ bệnh nhân phải vất vả mà cả người nhà cũng phải "vật vã" khi đi chăm

Phòng, chống nắng nóng, Trung tâm cũng đã chỉ đạo các khoa, trạm y tế xã chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh; tăng cường quạt tại các phòng bệnh.

Lãnh đạo các đơn vị khám chữa bệnh cũng cho biết thêm: Phòng, chống nắng nóng, trong điều kiện có thể, đơn vị mới chỉ đảm bảo tốt cho bệnh nhân. Còn với người nhà bệnh nhân thì chưa thể chăm lo một cách đầy đủ…Với thời tiết này, bệnh nhân đau đớn vì bệnh tật đã đành mà chính người nhà của họ cũng khổ sở, vất vả vì nắng nóng. Chính vì vậy, mọi người cần phải nâng cao ý thức phòng bệnh để bảo vệ cho chính bản thân và người nhà của mình.

Phòng bệnh mùa nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo:

Để tránh những bệnh lý có thể gặp phải do trời nắng nóng gây ra, người dân đặc biệt người cao tuổi cần lưu ý:

Với những người có bệnh mạn tính cần duy trì uống thuốc đều đặn để kiểm soát bệnh.

Hạn chế việc thay đổi nhiệt độ đột ngột. Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp hay gió quạt thổi trực tiếp vào người.

Hạn chế đi ngoài đường hoặc làm việc ngoài trời nắng hay gắt, nên làm việc ngoài trời khi sáng sớm hoặc trời mát. Nếu bắt buộc phải đi ra đường hoặc làm việc ngoài trời nắng nóng thì phải đội mũ, đeo kính, khẩu trang, mặc quần áo chống nắng đầy đủ.

Để tránh mất nước và rối loạn điện giải, người dân cần bổ sung đủ nước, đặc biệt là người lao động ngoài trời. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: nói khó, yếu liệt tay chân, cầm nắm không vững, buồn nôn, chóng mặt… cần đến bệnh viện sớm nhất có thể.

Thanh Hoá: Nắng nóng khiến người lớn, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng, bác sĩ khuyến cáo gì?Thanh Hoá: Nắng nóng khiến người lớn, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng, bác sĩ khuyến cáo gì?

SKĐS - Những ngày qua, nhiệt độ tại Thanh Hóa luôn ở mức cao từ 38-40 độ C. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trẻ nhỏ, người già phải nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch, tiêu hoá…


Từ Thành - Thanh Sơn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn