Bể bơi nườm nượp khách ngày ngày nóng
Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tại một bể bơi trên đường Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy), thời điểm này cứ vào mỗi buổi chiều, dòng người xếp hàng mua vé vào bơi nườm nượp. Nhân viên trực bể bơi và khu bán vé phải làm việc hết công suất để phục vụ khách đến bơi.
Nhân viên tại bể bơi thông tin, cứ từ 16h - 19h hàng ngày, người lớn và trẻ em đến bơi rất đông, đặc biệt là khu vực bể bơi trẻ em.
Chị Dương Thu Hoài (phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy) cho biết: "Thời tiết nắng nóng nên các con nhà mình rất háo hức đi bơi. Cứ 1 tuần tôi lại cho các cháu đi bơi từ 1 – 2 lần để giải nhiệt đồng thời giúp con tăng khả năng vận động".
Tại bể bơi trên tuyến phố Thái Hà (quận Đống Đa), vào những ngày nắng cao điểm, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách. Theo nhân viên tại bể bơi chia sẻ, mặc dù mới đầu hè nhưng lượng khách tăng nhanh, đặc biệt vào giờ cao điểm từ 16h – 18h30, có những thời điểm lượng khách trong bể bơi lên đến khoảng hơn 500 người, đặc biệt những ngày cuối tuần lượng khách đông gấp 2 lần ngày thường. Hiện nay, các em học sinh tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội đã bước vào kỳ nghỉ hè, dự kiến sẽ lượng khách sẽ còn tăng cao nữa.
Được biết, bể bơi trên tuyến phố Thái Hà này lúc nào cũng đông khách vì giá vé phải chăng, giá vé ở mức từ 40.000 đồng/ giờ đối với trẻ em, 60.000 đồng/giờ đối với người lớn.
Không chỉ giúp các con giải nhiệt mùa hè, thời điểm này, nhiều phụ huynh đưa con em đến các bể bơi đăng ký khóa học bơi nhằm trang bị kỹ năng phòng ngừa đuối nước và tăng cường sức khỏe. Trước nhu cầu đó, các bể bơi đều có lớp dạy bơi cho trẻ. Thông thường các lớp học bơi sẽ kéo dài khoảng 1 tháng với mức học phí dao động từ 1 - 2 triệu đồng/khóa học tùy vào chất lượng bể.
Lưu ý khi đi bơi tại các bể bơi công cộng
Bơi lội luôn là nhu cầu của người dân, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng. Tuy nhiên, nếu bể bơi không được xử lý nước thường xuyên, cộng thêm số lượng lớn người đến bơi sẽ khiến bể bơi dễ bị ô nhiễm, tăng khả năng mắc các bệnh về da.
Anh N.D (nhân viên tại một bể bơi trên địa bàn Hà Nội) chia sẻ, khi làm sạch nước trong bể, người ta thường dùng chất clo, đây là chất dùng trong khử trùng, tiêu diệt các thành phần gây ô nhiễm nước. Đối với những người có cơ địa nhạy cảm hay dị ứng thì rất dễ bị ngứa, nổi mẩn sau khi bơi. Do vậy, người dân nên chọn một bể bơi sạch sẽ, an toàn để bơi lội. Cách dễ nhận biết một bể bơi không đảm bảo là bể bơi đó có mùi clo gây sốc, tức là dư lượng clo còn nhiều gây khó chịu khi ngửi và có thể gây kích ứng da.
Ngoài ra bể bơi là nơi tiềm ẩn chứa nhiều vi khuẩn gây ra một số bệnh về da, mắt, bệnh phụ khoa… Theo bác sĩ Đỗ Văn Hàng, chuyên Khoa mắt, Viện Y học Phòng không- Không quân cho biết, khi bơi lội nhất là khi hồ bơi quá tải, tình trạng xử lý nước hồ bơi không đạt vệ sinh là nguyên nhân của một số bệnh về mắt như viêm kết mạc, viêm bờ mi…
Do vậy, khi đi bơi đặc biệt là trẻ em, cần trang bị các phương tiện bảo hộ như kính, mũ bơi... để bảo vệ cho các vùng nhạy cảm trên cơ thể, hạn chế những tác nhân xấu gây bệnh. Sau khi bơi cần tắm rửa lại với nước sạch, dùng bông tai thấm khô nước trong tai; rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý.
Những người đang mắc các bệnh lý về mắt, viêm nhiễm phụ khoa, viêm da thì không nên đi bơi tại các bể bơi công cộng tránh tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
Chuyên Gia Tư Vấn: Các Bệnh Có Thể Gặp Phải Khi Bơi Lội I SKĐS