Dựng rào sắt, huy động quân đội vẫn không ngăn được dòng người di cư
Hàng nghìn người ở khu vực Trung Mỹ đang đổ dồn tới nước Mỹ với giấc mơ có một cuộc sống mới. Đáng nói là trong số những người di cư, không chỉ có đàn ông, những người có sức khỏe để chịu đựng quãng đường đi dài hàng nghìn km, mà còn có nhiều phụ nữ và trẻ em, chủ yếu là những người đến từ Honduras, Guatemala và El Salvador vì muốn trốn chạy bạo lực và nghèo đói.
Những đoàn người di cư thường xuất phát từ các nhóm nhỏ khoảng vài trăm người, sau đó qua mỗi chặng đường, số người nhập vào càng đông, có đoàn lên tới 7000 người. Họ phải vượt núi, băng rừng, qua những con sông rộng sang biên giới…. ví dụ như mỗi người di cư Honduras phải đi 2500km mới tới Guatemala, sang Mexico và chờ cơ hội để được vào Mỹ.
Mới đây, cảnh sát Mexico trở nên bất lực không thể chặn nổi dòng người nhập cư khi gần 3000 người di cư Honduras đã phá vỡ hàng rào cảnh sát tại biên giới giữa Guatemala với Mexico để tiến vào lãnh thổ Mexico. Mexico đã tuyên bố rằng những người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị bắt, phạt, thậm chí trục xuất về nước. Ngay tuyên bố của Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ dựng hàng rào, đóng cửa biên giới với Mexico hay huy động cả Lực lượng vệ binh và quân đội để đối phó với đoàn người di cư nếu họ có ý định tiến vào Mỹ, cũng không ngăn được dòng người đang ngày một lớn dần tiến về nước Mỹ.
Đoàn người di cư lên đến hàng nghìn người đi tìm "giấc mơ Mỹ".
Theo Ngân hàng thế giới (WB) mỗi năm có khoảng 500.000 người vượt biên đến Mexico, tuy nhiên thời gian gần đây, số lượng người tới Mỹ ngày càng tăng. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới của Mỹ (CBP) cho biết chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua, cơ quan này đã bắt giữ 16.658 người nhập cư bất hợp pháp, tăng hơn 900 người so với tháng trước đó và gần 12.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng kỷ lục về số người nhập cư bất hợp pháp tới Mỹ, và không phải châu Âu, chính Mỹ là quốc gia đang trải qua cuộc khủng hoảng người di cư chưa từng có trong lịch sử.
Lý do nào khiến Mỹ trở thành miền đất hứa? Đó là do tình trạng nghèo đói, bạo lực và xuất hiện nhiều băng đảng tội phạm ở quê hương nên những con người này đã quyết tâm “dứt áo ra đi” tìm cho mình một cuộc sống mới. Honduras được coi là một trong những quốc gia có tỷ lệ đói nghèo, bạo lực cao nhất Mỹ La tinh.
Giải pháp nào để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư?
Tống thống Mỹ đã tuyên bố cắt viện trợ 3 quốc gia Trung Mỹ là Guatemala, Honduras và El Salvador do Chính phủ không ngăn chặn được làn sóng di cư đến Mỹ. Thực tế, đây không thể coi là giải pháp tốt để giải quyết cuộc khủng hoảng, mà chỉ là rào cản khiến cuộc khủng hoảng càng trầm trọng. Bởi nếu không có sự hỗ trợ, các nước Trung Mỹ sẽ “làm thinh” trước làn sóng người di cư tới Mỹ. Thêm vào đó, Mỹ còn tuyên bố giảm thiểu số người tị nạn tại các trại tị nạn xuống mức thấp kỷ lục. Đây chính là những áp lực mà Mỹ tự dựng lên.
Những người di cư đứng chật kín cầu ở biên giới giữa Guatemala và Mexico, họ chờ để được vào Mexico.
Vấn đề mấu chốt mà nước Mỹ cần làm chính là hỗ trợ, giải quyết các vấn đề như tạo công ăn việc làm cho người dân, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm tình trạng đói nghèo, bạo lực…. mang lại một cuộc sống tốt hơn cho người dân, chỉ khi đó, người dân không còn tâm lý muốn rời bỏ quê hương.
Giải bài toán về nhập cư không dễ dàng với Tổng thống Mỹ D.Trump, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang tới gần. Hơn nữa, Tổng thống Trump là người gắn với tuyên bố “Nước Mỹ trên hết” và một trong những luận điểm giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ là chống nhập cư bất hợp pháp. Nếu không thể đi đến một giải pháp toàn diện cho vấn đề nhập cư, chắc chắn uy tín của Tổng thống sẽ giảm sút, và một cuộc khủng hoảng người nhập cư thực sự sẽ diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ.