Các chuyên gia đến từ Đại học Tel Aviv và Dịch vụ y tế Clalit, nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất tại Israel, đã tiến hành so sánh nhóm 400 người chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech, bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 và nhóm 400 người khác đã được tiêm một mũi hoặc đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech, cũng bị nhiễm virus.
Giáo sư Adi Stern, giảng dạy tại Đại học Tel Aviv, một trong những tác giả của nghiên cứu cho hay biến thể của virus tại Nam Phi, trong một chừng mực nào đó, có thể xuyên thủng lớp phòng vệ do vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech tạo ra để bảo vệ cơ thể trước COVID-19. Tuy nhiên, số lượng người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTechmà vẫn nhiễm biến thể của virus Nam Phi là rất thấp (8 người trong tổng số) nên nhóm không thực hiện nghiên cứu tiếp theo để đánh giá nguy cơ bệnh nặng.
Nghiên cứu trên là nghiên cứu đầu tiên về tác động thực tế của biến thể virus Nam Phi, đã góp phần chứng minh mức độ nguy hiểm của nó. Các chuyên gia lưu ý rằng các biện pháp như tiêm phòng, đeo khẩu trang và một số biện pháp an toàn khác cần được duy trì để phòng biến thể Nam Phi, giảm thiểu nguy cơ lây lan loại biến thể nguy hiểm này xuống ngưỡng an toàn.