Hà Nội

Một ngọn nến tắt đi, nhiều ngọn nến được thắp sáng

26-01-2025 17:00 | Y tế
google news

SKĐS - "Tôi đã chờ hơn 7 năm nay để có thể tìm lại được ánh sáng. Ngay sau khi nhận được cuộc điện thoại của Bệnh viện Quân y 103 tôi rất bất ngờ và vui mừng. Khi đến viện tôi mới biết người hiến giác mạc lại chính là mẹ của TS.BS. Nguyễn Lê Trung” - một trong hai người được nhận giác mạc chia sẻ.

“Mẹ ơi! Con cảm ơn mẹ,... mắt mẹ vẫn còn sáng mãi”...

Nhớ lại khoảnh khắc vào lúc 5 giờ 18 phút sáng 25/9/2024, TS.BS. Nguyễn Lê Trung - Phó Chủ nhiệm Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103 không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ lại những phút giây đau buồn, xót xa khi gọi điện cho Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bày tỏ quyết định hiến tặng đôi giác mạc của mẹ, trong giây phút bà đi xa mãi.

Người hiến giác mạc là bà Lê Thị Hồng Minh (trú tại Hà Đông, Hà Nội) nguyên nhân viên Khoa Dược tại Bệnh viện Quân y 103. Được biết trước khi mất, bà đã bày tỏ di nguyện muốn hiến tặng giác mạc của mình để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa. Con trai bà là TS.BS. Nguyễn Lê Trung đã kìm nén nỗi đau mất mẹ để thực hiện di nguyện cao cả này.

Được biết trong suốt quá trình thu nhận, người con trai chỉ đứng lặng lẽ quan sát từ một góc phòng. Chỉ đến khi các kỹ thuật viên đã lấy giác mạc xong, người con trai ấy mới lại gần, đặt tay lên mái tóc của mẹ, rồi ôm lấy mẹ mà bật khóc... Anh ôm mẹ lần cuối cùng và nói: “Mẹ ơi! Con cảm ơn mẹ,.. mắt mẹ vẫn còn sáng mãi”... Giác mạc của bà Lê Thị Hồng Minh sau đó đã được ghép thành công cho hai bệnh nhân ở hai bệnh viện khác nhau.

Một ngọn nến tắt đi, nhiều ngọn nến được thắp sáng- Ảnh 1.

Hình ảnh TS.BS. Nguyễn Lê Trung bật khóc, ôm mẹ lần cuối khi hiến giác mạc của bà cho y học.

Chia sẻ với chúng tôi, TS.BS. Nguyễn Lê Trung nghẹn ngào nói: “Thật sự lúc mẹ sắp qua đời tôi cảm thấy rất xúc động. Tuy nhiên, tôi cũng xác định tâm thế đã sẵn sàng để hiến giác mạc của mẹ trước khi mất. Mẹ của tôi cũng là một nhân viên y tế, tình cờ một lần mẹ tôi xem được một chương trình truyền hình về hiến mô, tạng. Mẹ đã nói với tôi rằng, việc hiến mô, tạng quả thật là một việc làm rất ý nghĩa và có mong muốn hiến mô, tạng của mình. Mẹ luôn tâm niệm với tôi rằng mình làm nghề y phải hết sức yêu nghề “một ngày làm nghề y thì cả đời làm nghề y”.

Vỡ òa cảm xúc sau khi hơn 7 năm đã được nhìn thấy ánh sáng

Là một trong hai người được nhận giác mạc từ bà Lê Thị Hồng Minh, anh N.T.H (thị trấn Me, Gia Viễn, Ninh Bình) nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi đã đi rất nhiều viện để khám và được biết mình phải ghép giác mạc. Tôi đã chờ hơn 7 năm nay để có thể tìm lại được ánh sáng. Ngay sau khi nhận được cuộc điện thoại của Bệnh viện Quân y 103 tôi rất bất ngờ và vui mừng. Khi đến viện tôi mới biết người hiến giác mạc lại chính là mẹ của TS.BS. Nguyễn Lê Trung”.

Một ngọn nến tắt đi, nhiều ngọn nến được thắp sáng- Ảnh 2.

Anh N.T.H. (thị trấn Me, Gia Viễn, Ninh Bình) đã nhìn thấy ánh sáng nhờ giác mạc của bà Lê Thị Hồng Minh.

Được biết trong suốt hơn 7 năm bệnh nhân không nhìn thấy gì ngoài ánh sáng mờ ảo, mọi sinh hoạt, đi lại cũng rất khó khăn. Anh N.T.H. chia sẻ, lắm lúc còn không thể tưởng tượng được khuôn mặt của những người thân yêu trong gia đình thay đổi ra sao, mọi sinh hoạt đều bị hạn chế. Suốt hơn 7 năm, ngoài bóng tối anh H. không nhìn thấy gì, chỉ nghe âm thanh.

Anh H. nói thêm rằng: “Tôi thật sự từ tận đáy lòng cảm ơn anh Trung và gia đình đã giúp tôi tìm lại được ánh sáng, giúp tôi có thể cảm nhận được cuộc sống. Nhờ giác mạc hiến, tôi nhìn lại được vạn vật, điều đặc biệt hơn, sẽ nhìn lại được từng khuôn mặt người thân trong gia đình, sau suốt hơn 7 năm không nhìn thấy”.

Nghĩa cử hiến tặng giác mạc của bà Lê Thị Hồng Minh không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân bị mù lòa, mà còn mang lại cho họ niềm tin yêu trong cuộc sống, có động lực vươn lên để sống có ý nghĩa. Điều đó không chỉ mang lại hy vọng cho những người cần ghép giác mạc mà còn lan tỏa thông điệp về ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc trong cộng đồng.

“Hiến giác mạc của con, tôi được gặp lại con theo cách đặc biệt nhất”

Quay trở lại hơn 6 năm trước, câu chuyện của cô bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) mắc bạo bệnh qua đời, hiến giác mạc để giúp hai người mù lòa nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, đã khiến rất nhiều người cảm động.

Một ngọn nến tắt đi, nhiều ngọn nến được thắp sáng- Ảnh 3.

Bé Hải An, 7 tuổi.

Chiều 22/8/2018, thiên thần nhỏ mang tên Hải An đã từ biệt cuộc sống khi mới qua tuổi thứ 7 được 3 tháng. Trước khi qua đời vì bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa (một loại u não ác tính thường gặp ở trẻ em) Hải An cùng với mẹ của mình là chị Nguyễn Trần Thùy Dương đã đồng ý hiến giác mạc, tặng lại ánh sáng cho người khác.

Giác mạc của Hải An sau đó được ghép thành công cho hai bệnh nhân khác, mang lại cho họ cơ hội nhìn thấy ánh sáng sau nhiều năm sống trong bóng tối. Với hành động cao đẹp này, Hải An trở thành người hiến giác mạc nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam thời điểm đó.

Chị Thùy Dương chia sẻ: “Quyết định hiến giác mạc của Hải An là một quyết định đầy tình yêu thương và lòng nhân ái. Khi Hải An qua đời, con muốn mình tiếp tục mang lại ánh sáng cho cuộc đời của những người khác. Lúc đó tôi không có ước nguyện gì khác ngoài việc thực hiện di nguyện của con là hiến tặng những phần cơ thể còn dùng được để cứu giúp người khác. Đó cũng là một cách để con có thể hiện hữu một cách đặc biệt để mẹ và những người yêu thương con tưởng nhớ”.

Câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho hai người mù lòa đã làm lay động trái tim của rất nhiều người, góp phần lan rộng ý nghĩa của phong trào đăng ký hiến mô tạng trong cộng đồng.

Sau đó, một phong trào hiến mô tạng, giác mạc đã lan rộng khắp cả nước, số người đăng ký và hiến tặng mô tạng tăng lên một cách nhanh chóng. Câu chuyện này cũng đã được đưa vào thơ, văn, đề thi ở nhiều cấp học khác nhau.

Một ngọn nến tắt đi, nhiều ngọn nến được thắp sáng- Ảnh 4.

Ngân hàng Mô Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là nơi chị Nguyễn Trần Thùy Dương lựa chọn làm việc. (Ảnh trong bài: tác giả cung cấp)

Chị Dương nghẹn ngào chia sẻ: “Khi gặp những người đã được nhận giác mạc của bé Hải An, cảm xúc của tôi rất xúc động và hạnh phúc. Tôi cảm thấy như con gái của mình vẫn còn sống, dù đã ra đi về thể xác, nhưng sự sống của con đã được tiếp tục qua những người khác. Tôi tin rằng bé Hải An vẫn luôn ở bên cạnh, mang lại ánh sáng và niềm vui cho mọi người, giống như một phép màu kỳ diệu”.

Tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp “hiến mô, tạng - cho đi là còn mãi”

“Thật sự từ tận đáy lòng, tôi cảm ơn anh Trung và gia đình đã giúp tôi tìm lại được ánh sáng, giúp tôi có thể cảm nhận được cuộc sống. Nhờ giác mạc hiến, tôi nhìn lại được vạn vật. Điều đặc biệt hơn, sẽ nhìn lại được từng khuôn mặt người thân trong gia đình, sau suốt hơn 7 năm không nhìn thấy”, anh N.T.H. nói.

Sau khi con gái qua đời, mặc dù có nhiều cơ hội việc làm, nhưng chị Dương chọn công việc tại Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Chị cho biết, công việc này mang lại cho chị ý nghĩa lớn lao hơn mọi thứ khác. “Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn sau khi bé Hải An qua đời. Tôi cảm nhận được một khoảng trống lớn trong lòng nhưng cũng nhận ra rằng, mình phải tiếp tục sống và làm những điều có ý nghĩa. Cuộc sống của tôi trở nên mạnh mẽ hơn, đầy nghị lực hơn và tôi quyết định dành thời gian để vận động cho việc hiến mô tạng, giúp đỡ những bệnh nhân cần nội tạng”.

Việc vận động hiến mô, tạng và giác mạc không chỉ giúp cứu sống nhiều người mà còn là cách chị tiếp nối câu chuyện của con gái Hải An, truyền cảm hứng và lòng nhân ái đến cộng đồng.

Dù công việc có vất vả và chị vẫn đang đối mặt với căn bệnh ung thư của mình, nhưng niềm tin và đam mê trong công việc này đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn. Chị tin rằng khi ta làm việc với cả trái tim, những khó khăn sẽ trở thành động lực. Công việc này không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là một sứ mệnh, giúp chị Dương tìm thấy sự an ủi và niềm tin trong cuộc sống, biến nỗi đau cá nhân thành niềm hy vọng cho nhiều người khác.

Chị Thùy Dương tin rằng, chúng ta chỉ có một cuộc đời và chúng ta có thể khiến nó trở nên ý nghĩa bằng cách mang lại hạnh phúc cho mình và người khác, xoa dịu nỗi đau người ở lại, để cái chết không còn vô nghĩa. Người phụ nữ này mong mọi người vượt qua định kiến, tham gia hiến mô tạng với tinh thần “cho đi là còn mãi”...


Minh Diễm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn