Những người đến tham dự lễ tri ân đều mang theo lòng biết ơn, bởi ở đó họ được gặp gỡ, được tri ân những gia đình đã thực hiện nghĩa cử rất cao đẹp – trao tặng giác mạc của người thân để mang lại ánh sáng cho nhiều cảnh đời không may mù loà…
Trong phát biểu tại chương trình, TS.BS Lê Xuân Cung – Trưởng Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương thay mặt bệnh viện nhấn mạnh: Ghép mô và bộ phận cơ thể người là những thành tựu tuyệt vời của Y học. Nhờ đó mà nhiều sự sống được nối dài thêm, nhiều cảnh đời tăm tối đã tìm lại được ánh sáng.
Theo TS.BS Lê Xuân Cung, từ năm 2009, Bệnh viện Mắt Trung ương đã đi đầu trong việc xây dựng Ngân hàng Mắt, gây dựng phong trào vận động hiến tặng giác mạc. Đó là một trong những hoạt động tích cực nhằm có được nguồn giác mạc trong nước để ghép cho người bệnh.
"Tuy nhiên, ngành y tế có cố gắng đến đâu, Bệnh viện Mắt Trung ương có cố gắng đến đâu cũng không thể thành công nếu như không có những nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng của những người hiến và gia đình của họ"- TS.BS Lê Xuân Cung bày tỏ.
Thông tin tại buổi lễ cho biết, đến nay, trên cả nước đã có 1.016 người hiến giác mạc. Riêng tại Nam Định, kể từ khi có sự giúp đỡ của Ủy ban Bác ái xã hội Caritas Bùi Chu từ năm 2017 đến nay, địa phương này đã có 364 người hiến giác mạc.
"Đây là món quà rất ý nghĩa của người dân tỉnh Nam Định và bà con giáo dân góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường, được nhìn lại những người thân yêu, bạn bè, thấy lại thiên nhiên tươi đẹp. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, không gì sánh được của những người mù do bệnh lý giác mạc"- TS.BS Lê Xuân Cung nói.
Chia sẻ tại chương trình, TS Cung cho hay, công cuộc vận động hiến tặng giác mạc của ngành y tế không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức trong xã hội, sự ủng hộ của nhân dân đặc biệt là sự ủng hộ của Ủy ban bác ái xã hội Caritas Bùi Chu, phong trào hiến tặng giác mạc ở tỉnh Nam Định đã và đang phát triển mạnh mẽ các vị Linh mục, chánh trương, các tình nguyện viên đã luôn quan tâm và ủng hộ hoạt động hết sức nhân văn này.
"Chính sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của các quý vị đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người bệnh. Tôi được biết có nhiều cụ cao tuổi, vẫn nhiệt tình tham gia công tác vận động hiến giác mạc. Sinh có hạn, tử bất kỳ. Vì vậy, những cộng tác viên ngân hàng mắt đã làm việc bất kể ngày đêm, trời rét hay lúc mưa gió, để nắm được thông tin về người hiến và thông báo cho ngân hàng mắt.
Ngân hàng mắt đã thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào để thu nhận những món quà quý giá do người hiến và gia đình trao tặng. Các vị Linh mục đã giới thiệu tới bà con trong vùng về ý nghĩa của việc hiến giác mạc đối với cộng đồng, vận động bà con hiến giác mạc"- TS.BS Lê Xuân Cung bày tỏ.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chính của ngành y tế. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm cao cả này, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, viên chức ngành Y, cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp chính quyền, của các tầng lớp nhân dân. Sự hy sinh, đóng góp vào hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân của các vị là tấm gương cho nhiều nơi học tập. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, phong trào hiến tặng giác mạc ở Nam Định sẽ được nhân rộng hơn để có nhiều người mù được nhìn lại ánh sáng.
Thay mặt Bệnh viện mắt trung ương, TS.BS Lê Xuân Cung bày tỏ lời cảm ơn nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái vì cộng của những người hiến và gia đình những người đã hiến giác mạc - những người đã dành lại một phần cơ thể mình để đem lại ánh sáng cho những người đang sống.
Cảm ơn các vị linh mục, chánh trương trùm trưởng và chính quyền địa phương đã ủng hộ phong trào hiến giác mạc để các thầy thuốc có thể giúp những người bị mù lòa tìm thấy lại được ánh sáng.
"Chúng tôi xin hứa sẽ luôn trân trọng những món quà ánh sáng mà quý vị đã trao tặng và sẽ giúp quý vị thắp sáng lên những mảnh đời tăm tối, để những người không may qua đời sẽ không hoàn toàn mất đi, mà vẫn còn để lại nguồn sáng của mình nơi nhân gian"- TS.BS Lê Xuân Cung nói...
Ngành Y tế Việt Nam tự hào vì đã làm chủ được các phẫu thuật ghép mô và bộ phận cơ thể người. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải bất lực nhìn nhiều bệnh nhân phải ra đi. Nhiều người bị mù loà do mờ đục giác mạc vẫn phải sống trong cảnh tăm tối, nhìn những con mắt bị bệnh giác mạc nặng phải bỏ đi. Lý do đơn giản là chúng ta không có đủ nguồn mô, tạng từ người hiến để ghép cho bệnh nhân…