Ông Vũ Xuân Thanh (SN 1930) và bà Nguyễn Thị Lan (SN 1937) là người cùng làng (xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Năm 1953, phong trào lao động sản xuất và huy động nhân tài, vật lực tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ rất sôi nổi, phụ nữ đi dân công, thanh niên đi bộ đội. Bà Lan chưa tròn 17 tuổi, đang học lớp y tá nhưng xin đi theo cách mạng. Ông Vũ Xuân Thanh, lúc đó vừa tròn 23 tuổi, tạm gác chuyện học hành để ra tiền tuyến. Một ánh mắt chạm nhau trên đường hành quân ra chiến trường như định mệnh để ông bà đi bên nhau, đến nay đã hơn 60 năm.
Bén duyên… trên đường đi chiến dịch
Qua cái tuổi xưa nay hiếm nhưng tình cảm của ông bà dành cho nhau khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ. Căn gác nhỏ luôn rộn tiếng đùa của vợ chồng ông Thanh bà Lan. "Bà ấy ngày xưa tinh nghịch lắm!", ông Thanh mở đầu câu chuyện. "Chẳng phải ngày xưa ông mê tôi vì tôi nghịch à?", bà Lan vui vẻ đáp lại với ánh mắt trìu mến. Câu chuyện của ông Thanh bà Lan khiến nhiều người gặp lần đầu cứ ngỡ đang được trò chuyện với một cặp vợ chồng son. Họ có với nhau một tình yêu đẹp, một tình yêu được ươm mầm và nảy nở ngay trong chiến dịch Điện Biên lịch sử.
Năm 1953, lúc vừa tròn 23 tuổi cũng như bao thanh niên khác, anh thanh niên Võ Trọng Anh (tên gọi cũ của ông Vũ Xuân Thanh) theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ thuộc Trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn). Ông vừa tham gia huấn luyện vừa làm công tác xây dựng kho tàng để cất giữ thuốc men, thực phẩm, đạn dược.
Hàng ngày, đơn vị của ông Thanh tiếp nhận gạo và lương thực từ thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vận chuyển lên Điện Biên. Bộ đội ta đến vận chuyển số nhu yếu phẩm này, sau đó bảo quản ở những khu vực thuận lợi để tiếp tế cho lực lượng đang chiến đấu trực tiếp ngoài mặt trận.
Hậu cứ cách mặt trận không xa, công việc bảo quản lương thực không hề đơn giản. Khó nhất vào những ngày mưa, phải tìm cách cất giữ làm sao để gạo, lương thực không bị ướt. Hằng ngày, các chiến sĩ trong đơn vị phải vào rừng để chặt nứa, tìm lá cọ, đan mây làm lán, khiến mặt mũi, chân tay thường xuyên bị trầy xước. Giữ cho gạo, muối, lương thực khô ráo người chiến sĩ phải dầm trong mưa rét. Dẫu vậy, anh em trong đơn vị ông Thanh đều tự khắc phục, không ai kêu ca, phàn nàn.
"Thấy nhiều đơn vị trực tiếp ra chiến trường chiến đấu, chúng tôi ở lại hậu cứ, không được cầm súng thật lòng cũng buồn lắm. Nhưng không còn cách nào khác, người lính phải tuân theo và chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức", ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Thanh, khi thấy tâm tư của các đồng đội, các cán bộ chỉ huy đơn vị kịp thời động viên, bất kỳ nhiệm vụ nào được hoàn thành tốt đều đóng góp vào chiến thắng của chiến dịch. Từ đó, các chiến sĩ trợ chiến giảm bớt sự buồn phiền, tập trung vào công việc được giao và không ngại ngày đêm lao động. Khi thành lập một kho dã chiến và giữ gìn từng cân gạo, anh em trong đơn vị vui mừng như thể đã đánh thắng một trận đánh quan trọng.
Rồi những ngày tháng ấy cũng đã đến. "Đơn vị tôi tham chiến giai đoạn 1953 - 1954. Ban đầu, tôi là lính bộ binh, sau đó chuyển sang pháo binh. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng vài tháng, đơn vị tôi được cấp trên bổ sung ra chiến trường, được giao nhiệm vụ chặn địch tại cứ điểm Hồng Cúm. Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ chặn đánh quân địch tiếp viện khi Điện Biên Phủ thất thủ và ngược lại, chặn đánh quân địch sang Lào. Để vừa an toàn, vừa không bị địch phát hiện, chúng tôi phải học các chiêu thức như độn thổ, ngụy trang dưới các lớp đất, cát", ông Thanh nhớ lại.
Cuối năm 1953, phong trào phụ nữ đi dân công và nam thanh niên bộ đội tác động mạnh đến tầng lớp học sinh. Nguyễn Thị Lan, lúc đó mới 17 tuổi, đang học y tá. Với dáng người nhỏ nhắn, nặng 37kg, Lan khiến nhiều người e ngại khi cô quyết tâm xin được tham gia vào đoàn dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến dịch.
Trên đường lên Điện Biên, nhiệm vụ của bà Lan là gánh gạo, làm đường và san lấp hố bom. Với kinh nghiệm được đào tạo làm y tá khi còn ở nhà, bà Lan được giao nhiệm vụ chăm sóc và băng bó vết thương cho mọi người dọc đường đi. Khi tiến gần tới Điện Biên, đường đi trở nên khó khăn hơn, vào rừng sâu sên, vắt nhiều vô kể. Có đêm, bà ngủ trong lán, sáng ra thấy mấy con vắt tròn lẳn nằm bên cạnh.
Nhớ về một thời thanh xuân sôi nổi, ông Thanh và bà Lan tự hào khi được tham gia vào chiến dịch, góp sức vào cuộc chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Trên đường hành quân mệt nhọc nhưng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có dịp gặp nhau, rất vui, nhất là tìm được đồng hương.
Thấy các anh bộ đội hành quân qua, chị em thanh niên xung phong, dân công lại ào ra bẽn lẽn "bên nớ có anh mô người Nghệ An không?". Nhiều người nhận ra người làng, người cùng xã. Dọc đường gặp người như trẩy hội, nhất là đội quân xe đạp thồ, gồng gánh, mang vác... chỉ nghe giọng nói là đoán ra quê Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi hỏi thăm nhau. Từ Mộc Châu, lên Cò Nòi, Sơn La, Tuần Giáo, ban đêm trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tất cả đều sẵn sàng ra trận, hướng về Điện Biên.
"Hôm đó, tôi đang ở hậu cứ tiếp nhận gạo từ dân công hỏa tuyến để vận chuyển vào kho, bỗng nghe thấy giọng nói của một cô gái xứ Nghệ. Quay người lại nhìn thấy một cô gái nhỏ nhắn, da trắng và tóc dài", ông Thanh nhớ lại.
Không để cơ hội làm quen đồng hương đi qua, ông Thanh hỏi: "O dân công ni nghe giọng như người Nghệ An thì phải?". Nguyễn Thị Lan đang vừa gánh gạo lên tới nơi, mồ hôi từng giọt lăn dài trên gò má, cười tinh nghịch và trả lời: "Phải rồi anh. Em là người Nghệ An". Cuộc gặp gỡ giữa hai đồng hương ở chiến trường ngắn ngủi, không kịp hỏi tên tuổi hay địa chỉ vì nhiệm vụ đang cấp bách. Vài câu chào hỏi xã giao ấy đã gieo trong lòng anh bộ đội và cô dân công một cảm xúc khó diễn tả bằng lời.
Để rồi sau đó, mỗi đoàn quân đi qua, đôi mắt cô gái xứ Nghệ ấy vẫn không quên dõi theo, hi vọng biết đâu anh ấy đang ở trong đoàn quân đó.
Mối tình thời chiến
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Nguyễn Thị Lan trở về làm y tá ở địa phương. Anh lính trẻ Vũ Xuân Thanh đi theo đơn vị làm nhiệm vụ khác rồi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biền biệt từ năm 1953 đến năm 1965, ông Thanh mới có dịp về phép thăm gia đình.
"Duyên số đưa tôi gặp lại cô gái trên đường ra trận năm ấy. Hôm đó, đi ngang qua giếng làng, tôi nhìn thấy bà con đang gánh nước. Bỗng nhiên, một khuôn mặt và dáng vẻ rất quen khiến tim tôi như bật ra khỏi lồng ngực. Sau câu chào hỏi làm quen vu vơ, ngượng nghịu, tôi nhận ra ngay cô gái dân công gánh gạo từng phục vụ trong Chiến dịch Điện Biên đã gặp năm nào. Tưởng xa nhưng hóa gần, hỏi dân làng mới hay người con gái đó lại là hàng xóm của mình, cách nhà một quãng đồng", ông Vũ Xuân Thanh kể.
Những ngày nghỉ phép, ông Thanh thường ghé sang nhà bà Lan để hỏi thăm và trò chuyện. Dù thời gian ngắn ngủi nhưng tình cảm giữa hai người dần nảy nở. Hết phép, ông phải quay trở lại đơn vị. Cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt. Cuộc tình thời chiến tranh đơn giản, không thư tình, không kỷ vật tặng nhau. Gần 10 năm yêu xa, tình yêu của hai người vẫn bền bỉ, vẹn nguyên, cùng đi qua năm tháng, những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Mãi đến năm 1968, khi gần 40 tuổi, đơn vị tạo điều kiện để ông về cưới vợ.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, ông Thanh và bà Lan lại bồi hồi nhớ về những ngày cùng nhau hành quân lên chiến trường Điện Biên "lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu" cách đây gần 2/3 thế kỷ.
Bà Lan nhớ lại: "Sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tôi trở về quê hương tiếp tục làm ở trạm xá của xã, còn ông ấy tiếp tục tham gia quân đội".
Ngày đó, bà Lan tham gia khóa đầu tiên của trường trung cấp y khoa tỉnh vào năm 1960, chuyên ngành sản nhi. Sau 3 năm, bà bắt đầu công tác tại Sở Y tế và sau đó, vào năm 1977, bà được chuyển tới làm việc tại bệnh viện tỉnh Nghệ An. Bà Lan nghỉ hưu vào năm 1991 để tận hưởng thời gian bên gia đình. Ông Thanh được điều đi làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, đến năm 1960 lại sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Sau năm 1973, ông trở về Quân khu 4 công tác. Năm 1979, ông về hưu với quân hàm Đại úy.
"Cả đời binh nghiệp đi đây đi đó, một mình bà ấy quán xuyến, chăm nom, dạy dỗ 3 đứa con nên người. Giờ tóc đã bạc, răng đã long nhưng trong ngôi nhà chưa khi nào ngớt tiếng bông đùa của bà ấy và tiếng cười của mấy cha con, ông cháu", ông Thanh tự hào nói về người vợ của mình.
Hiện nay, ông bà sống cùng con cháu trong một ngôi nhà khu liền kề tại khu đô thị phường Vinh Tân, TP Vinh. Cả hai ông bà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và hạnh phúc. Tài sản lớn nhất của vợ chồng người cựu binh hiện nay là 3 người con và các cháu cùng những kỉ vật, kí ức về một thời tuổi trẻ hiến dâng cho Tổ quốc…
Mỗi sáng, ông bà thức dậy lúc 5 giờ và cùng nhau đi bộ đến nơi tập dưỡng sinh trong khu phố. Họ trở về nhà khi 7, 8 giờ sáng, bà pha ấm trà cho ông, họ cùng đọc sách báo, nói chuyện cháu con.
"Tôi lo đảm đương quán xuyến mọi việc trong nhà, ông ấy giúp vợ chồng con trai ở quán cà phê mở ngay dưới tầng 1. Ông Thanh rất hiền, thi thoảng hay cáu gắt. Nhưng ông giận thì tôi nhường. Hơn 60 năm đi bên nhau, chưa bao giờ to tiếng một lời nào cả, bởi vì chúng tôi hiểu nhau và không thể sống thiếu nhau", bà Lan nhìn ông Thanh, cười hiền hậu.
Lúc chia tay ông bà, nhìn ánh mắt âu yếm ông Thanh dành cho bà, chúng tôi hiểu rằng tình cảm chân thành được vun đắp qua khói lửa chiến tranh vẫn thắm đượm trong tâm hồn của hai người lính này.