Tham dự có 163 đại biểu là các chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thân nhân của các gia đình liệt sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, cuộc gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Thanh Hóa hôm nay và tại Điện Biên ngày 17/4/2024 là sự kiện thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Thời gian tới, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu đợt 1 sẽ tổng kết vào ngày 30/4/2025, đợt 2 sẽ tổng kết vào ngày 31/12/2025 để thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định, sau 70 năm, ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại Chiến thắng Điện Biên Phủ không bao giờ phai mờ, ngày càng tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tinh thần này, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh lập nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, nhân dân ca khúc khải hoàn.
Thay mặt các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Bá Viết (phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa) hồi tưởng lại những ngày chiến đấu đầy gian khổ khốc liệt nhưng hào hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 18 tuổi (năm 1953), ông đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường chống giặc. Sau khi hành quân lên Điện Biên, ông được phân công vào Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388, sau đó lên làm thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89.
Chung dòng cảm xúc, cựu binh Dương Văn Mận (thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cũng bồi hồi ôn lại một thời chiến đấu gian khổ, ác liệt suốt 56 ngày đêm cùng quân dân cả nước làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sau khi ra quân, về với đời thường, ông luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ; thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; gương mẫu học tập và làm theo Bác; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong công tác.
Mỗi câu chuyện được các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong buổi gặp mặt, tri ân là những ký ức hào hùng luôn in đậm trong tâm trí khi gợi nhớ về những năm tháng chiến tranh gian khổ, vẻ vang. Các chiến sỹ Điên Biên năm xưa, hôm nay dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng trong ánh mắt mỗi người đều ánh lên niềm tự hào, xúc động về một thời kỳ gian khổ, hào hùng.
Những người lính khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng họ vẫn tay bắt mặt mừng trao cho nhau những tiếng cười, rồi nghẹn ngào ôm lấy nhau, kể về những kỷ niệm một thời sát cánh, kề vai và cùng nhau giữ vững truyền thống, phẩm chất của người chiến sỹ Điện Biên, sống vui, sống khỏe, giáo dục và làm gương cho con cháu noi theo.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao quà cho các chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.