Hà Nội

'Mỗi tháng phát hiện khoảng 4.000 số điện thoại phát tán tin rác, đe dọa, 'khủng bố' người dân'

04-11-2022 12:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng chung tay phát triển công nghệ để xử lý, phát hiện cuộc gọi rác. Mỗi tháng đã phát hiện khoảng gần 4.000 số điện thoại phát tán tin rác và đe doạ, "khủng bố" người dân.

Bộ trưởng Bộ TT&TT nói gì trước tình trạng tin giả, tin xấu độc tràn lan?Bộ trưởng Bộ TT&TT nói gì trước tình trạng tin giả, tin xấu độc tràn lan?

SKĐS - ĐBQH chất vấn tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua ngân hàng, cuộc gọi, tin nhắn giả mạo xuất hiện nhiều, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "SIM rác là một trong những phương tiện để các đối tượng thực thi các hoạt động lừa đảo".

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, sáng 4/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội bước vào phiên chất vấn liên quan đến vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Sẽ thanh tra MXH xuyên biên giới để phát hiện vi phạm quảng cáo

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện các nền tảng, mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok chào bán hàng giả, hàng nhái rất công khai. Đây là "vấn nạn" cần phải siết lại, cần phải xử lý. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để xử lý tình trạng này như thế nào?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, trước đây quảng cáo chỉ xuất hiện trên một phương tiện các cơ quan báo chí, cơ bản các cơ quan báo chí thực hiện tốt, đúng pháp luật.

'Mỗi tháng phát hiện khoảng 4.000 số điện thoại phát tán tin rác, đe dọa, 'khủng bố' người dân' - Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

"Khoảng 2 năm gần đây, xuất hiện quảng cáo mới. Các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử bán một khoảng trống trên trang của mình. Công ty quảng cáo nước ngoài đưa nội dung quảng cáo vào, cơ quan báo chí gần như "buông", bỏ đi phần trách nhiệm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Để siết lại vấn đề trên, Bộ đã có văn bản, nghị định, tổ chức thanh kiểm tra thì các cơ quan báo chí, tạp chí, trang tin điện tử đã ý thức được việc này. Hiện vấn đề quảng cáo trên phương tiện báo chí điện tử đã tương đối tốt.

'Mỗi tháng phát hiện khoảng 4.000 số điện thoại phát tán tin rác, đe dọa, 'khủng bố' người dân' - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm, hiện nay vấn đề quảng cáo sai phạm chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới như: Facebook, Youtube, Tiktok… Để có giải pháp, Bộ sẽ tổ chức thanh tra quảng cáo đối với các nền tảng xuyên biên giới; Bộ mong có sự vào cuộc của các bộ, ngành bởi có những nội dung quảng cáo liên quan đến chuyên ngành để cùng chung tay xử lý.

Bộ TT&TT làm gì để chấm dứt tình trạng "khủng bố" điện thoại?

ĐBQH Đinh Công Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La) chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại diễn ra khá phổ biến với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ gây phiền hà cho người dân.

'Mỗi tháng phát hiện khoảng 4.000 số điện thoại phát tán tin rác, đe dọa, 'khủng bố' người dân' - Ảnh 4.

Đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La.

Trả lời chất vấn đại biểu Đinh Công Sỹ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin, mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của mình. Doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật. Cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin, và tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này, đồng thời kiến nghị cần xem xét quy định phạt trên % doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

'Mỗi tháng phát hiện khoảng 4.000 số điện thoại phát tán tin rác, đe dọa, 'khủng bố' người dân' - Ảnh 5.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin, truyền thông.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tình trạng "khủng bố" qua điện thoại (tin nhắn và cuộc gọi) liên quan đến đòi nợ, quảng cáo phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để chấm dứt tình trạng này.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, mỗi tháng có khoảng 30.000 phản ánh (trong đó 88% phản ánh liên đến số điện thoại, cuộc gọi "khủng bố") mà Bộ hoặc các công ty viễn thông nhận được.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Cuộc "điện thoại rác" là vấn nạn toàn cầu. Ở Mỹ, số lượng người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan 1 tháng gấp 3 lần so với Việt Nam; Ở Brazil người dân cũng nhận cuộc gọi gấp 3 lần; Việt Nam tương đương như Indonesia".

Nói về giải pháp, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, hiện Bộ đã công bố số điện thoại để người dân có thể phản ánh về các cuộc gọi rác để nhà mạng xử lý hoặc Bộ chỉ đạo các nhà mạng xử lý. Bên cạnh đó, ông cho rằng "phải dùng công nghệ để xử lý", bởi trên môi trường số, giải pháp quan trọng nhất là công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng chung tay phát triển công nghệ để xử lý, phát hiện cuộc gọi rác. Từ đó, mỗi tháng đã phát hiện khoảng gần 4.000 số điện thoại có phát tán thông tin rác và có chuyện đe doạ, "khủng bố" người dân.


Lê Bảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn