Mỗi ngày Bộ TT&TT phân loại, đánh giá khoảng 100 triệu thông tin trên không gian mạng

15-08-2019 11:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi ngày Trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia xử lý khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.

Ngày 15/8, tại phiên chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về quản lý thông tin trên mạng xã hội, vừa qua Bộ TT&TT đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.

“Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%” - Bộ trưởng nói.

Câu chuyện nan giải thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là đấu tranh với các trang mạng nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp. Thời gian qua, Bộ đã rất tích cực, cụ thể, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh VGP.

Các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao

Về vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng lý giải, nếu như Việt Nam không có mạng của chính mình thì tất cả những gì chúng ta đọc, mua, bán thì đều lưu trữ ở nước ngoài. Do đó, chúng ta đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, để mạng xã hội trong nước có lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để “não” người Việt Nam phân tán đều, không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong một năm tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội cộng lại là khoảng 90 triệu. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội nước ta, Bộ trưởng kỳ vọng, “trong khoảng năm 2020 - 2021 chúng ta sẽ đạt câu chuyện 50 - 50”.

Nhà mạng sẽ không được cấp phép dịch vụ mới nếu còn sim rác

Liên quan đến câu chuyện không mới - “sim rác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là câu chuyện lớn, xảy ra nhiều năm, và “trong những năm qua, chúng ta đã cắt bỏ sim không đủ thông tin, nhưng giờ vẫn còn lượng sim lớn đang nằm trên các kênh bán lẻ.

Bộ trưởng cho biết, từ nay đến tháng 9, các cơ quan truyền thông sẽ tập trung giải quyết chuyện sim rác bằng cách các nhà mạng mua lại. Giải pháp mới cho chuyện sim rác là giao trách nhiệm trực tiếp đến tổng giám đốc công ty truyền thông.

“Nếu như còn tồn tại sim rác trên các nhà mạng, nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới”, Bộ trưởng nói.

Chỉ số an toàn an ninh mạng tăng mạnh

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin. Xây dựng cơ chế phối hợp về đảm bảo an toàn thông tin mạng, xác định phạm vi, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Ưu tiên bố trí nguồn lực, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng như: Bảo vệ các lĩnh vực quan trọng; phòng, chống mã độc; giám sát an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử; ứng cứu sự cố; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng cho cơ quan nhà nước và cộng đồng.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Chủ động phát hiện và theo dõi nguồn phát tán thông tin trên mạng Internet. Thường xuyên tổ chức các chương trình, xây dựng tài liệu để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho các cơ quan nhà nước và cộng đồng.

Theo báo cáo chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50/194 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 50 bậc so với năm 2017 (xếp thứ 100).

Đưa tin chính xác, kịp thời, góp phần định hướng dư luận

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng; thường xuyên nâng cấp, cải tiến Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng, kịp thời phát hiện các thông tin tiêu cực, trái chiều báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Phê duyệt, triển khai Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin chính xác, kịp thời, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. 
Xử lý nghiêm các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và những vụ việc thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, uy tín danh dự của tổ chức, cá nhân.

Tăng cường trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, trái quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; chủ động thực hiện các biện pháp chống tin giả, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng trong nhận biết thông tin giả mạo, sai sự thật.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn