Tại Kỳ họp thứ 7 vừa diễn ra, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có một số định hướng, điểm mới. Để làm rõ hơn điều này, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã trao đổi với PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
- Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, riêng trong lĩnh vực y tế có định hướng sự phát triển như thế nào thưa bà?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Như chúng ta đã biết sáng 28/6, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành rất cao có nhiều điểm mới, hoàn thiện hơn về thể chế, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 nhằm hướng tới xây dựng, phát triển Thủ đô với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đối với lĩnh vực y tế, Luật Thủ đô (sửa đổi) định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối và đảm bảo tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia (do Bộ Y tế quản lý) và mạng lưới cơ sở y tế địa phương (do TP Hà Nội quản lý).
- Thưa bà, được biết một điểm hết sức quan trọng khác trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc mở rộng ưu tiên cho một số lĩnh vực của hệ thống y tế, cụ thể là gì?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Hà Nội được xem là trung tâm y tế lớn nhất cả nước, trong đó trên địa bàn Hà Nội có mạng lưới các bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối do Bộ Y tế quản lý với 19 bệnh viện trong đó có 04 bệnh viện đa khoa, 15 bệnh viện chuyên khoa (ngoài ra còn có các bệnh viện thực hành thuộc trường đại học và học viện).
Đây là những bệnh viện chuyên khoa, đa khoa thuộc cấp chuyên sâu và đáp ứng tiêu chí là bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò quốc gia trong hệ thống y tế cả nước.
Trong tổng thể hệ thống y tế quốc gia, các bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế quản lý có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc:
- Cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối cho người dân trên cả nước;
- Chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới qua đó góp phần nâng đỡ sự phát triển của hệ thống y tế các địa phương, đặc biệt là các khu vực khó khăn;
- Phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu mang tính đầu ngành, tiếp nhận và làm chủ các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến trên thế giới;
- Đóng vai trò trung tâm thực hành kiểu mẫu, giúp Bộ Y tế xây dựng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
- Điều phối đảm bảo an ninh y tế, vốn được xem là vai trò không thể thay thế trong bối cảnh hiện nay khi nguy cơ xuất hiện và bùng phát các dịch bệnh mới nổi đe dọa an ninh y tế ngày càng lớn, số lượng đơn vị hành chính tuyến tỉnh của nước ta khá lớn trong khi năng lực của hệ thống y tế tỉnh không đồng đều và năng lực liên kết giữa các tỉnh còn ở mức rất khiêm tốn;
- Hỗ trợ công tác đào tạo chuyên khoa, là cơ sở thực hành chuyên sâu của các Trường Đại học khối ngành sức khỏe trọng điểm quốc gia của cả nước.
Một điểm hết sức quan trọng khác trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc mở rộng ưu tiên cho một số lĩnh vực của hệ thống y tế vốn được đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới nhưng trước đây chưa có điều kiện quan tâm đúng mức, bao gồm phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và hệ thống cấp cứu ngoại viện.
Điều đáng chú ý là nội dung ưu tiên phát triển này không chỉ dừng ở mức xác định định hướng chung mà đã xác định cụ thể chiến lược hỗ trợ phát triển cả 2 khía cạnh là cung dịch vụ (hỗ trợ đầu tư, thủ tục hành chính, phát triển nhân lực) và cầu dịch vụ (sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế thanh toán, gồm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện).
Đây là những nội dung ưu tiên mà Bộ Y tế đã xác định trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như chiến lược đổi mới mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới và thành phố Hà Nội, với quy hoạch Thủ đô (sửa đổi), được mong chờ sẽ đi đầu trong việc triển khai thực hiện.
- Vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung chú trọng những gì trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi), thưa bà?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Bộ Y tế luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới các bệnh viện tuyến trung ương trong hệ thống y tế cả nước (vừa có vai trò tiên phong dẫn dăt vừa có vai trò lan tỏa sự phát triển, vừa là nguồn lực để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu vừa là nguồn dự trữ để đối phó với những tình huống khẩn cấp về y tế công cộng) và có chiến lược phát triển mạng triển mạng lưới bệnh viện này trong tình hình mới theo định hướng đã xác định trong Quy hoạch Mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình xây dựng và thẩm định Luật Thủ đô (sửa đổi), các chuyên gia xây dựng luật, các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo TP Hà Nội, các ban bộ ngành liên quan…trên quan điểm đánh giá thận trọng, khách quan, đặt sự phát triển của hệ thống y tế Thủ đô trong tổng thể phát triển của hệ thống y tế cả nước đã hoàn toàn chia sẻ và ủng hộ quan điểm phát triển các bệnh viện tuyến trung ương của Bộ Y tế trên địa bàn Thủ đô.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân Hà Nội để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân theo những định hướng đã xác định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trong đó đặc biệt chú trọng sự kết nối, tương hỗ, bổ trợ hiệu quả giữa các bệnh viện trung ương do Bộ Y tế quản lý và các cơ sở y tế do Hà Nội quản lý.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Phan Lê Thu Hằng!