Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ, trong đó có nội dung cử tri kiến nghị "Để các địa phương vận động Nhân dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ theo kế hoạch cũng như thu hút được người dân tham gia BHYT ngày càng nhiều hơn. Kiến nghị Bộ Y tế phối hợp cơ quan chức năng quan tâm sớm khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị và thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh BHYT như thời gian qua".
Bộ Y tế đã xây dựng, trình hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm bảo đảm thuốc, thiết bị y tế
Về nội dung này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, nhằm bảo đảm thuốc, thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng, trình hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản: Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế;
Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Thông tư số 06/2023/TT-BYT ngày 12/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập;
Thông tư số 08/2023/TT-BYT ngày 14/4/2023 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (trong đó có Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập); Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập.
Bộ Y tế nêu rõ, các văn bản được ban hành đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do bất cập của một số quy định như: không được mua, bán thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua, bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua, bán; giá gói thầu được xác định từ ít nhất 03 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu…
Bộ Y tế đã kịp thời có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị về đấu thầu, mua sắm
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết thêm, Bộ Y tế đã tham gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15; trong đó có một Chương quy định về đấu thầu thuốc, thiết bị y tế; bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bao quát các tình huống, trường hợp trong thực tiễn như: đấu thầu tập trung, đàm phán giá vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít;
Chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để phòng chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; hóa chất, vật tư xét nghiệm dùng cho thiết bị y tế (máy đặt, máy mượn); mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do Quỹ BHYT chi trả, mua vacicne để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua sắm của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
"Kết quả đạt được, nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Albumin, Globulin…)"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm…).
Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn…) do không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, địa phương trong việc đấu thầu, mua sắm trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật như:
- Xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đấu thầu đối với mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế thuộc nhiệm vụ được Chính phủ giao, bên cạnh các hướng dẫn đã được Chính phủ ban hành trước đó tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
- Chủ trì, đầu mối báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính;
- Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thiết bị y tế;
- Xây dựng cơ chế, phương án thực hiện đảm bảo nguồn cung các loại thuốc hiếm; tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới viện trợ một số loại thuốc rất hiếm;
- Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở y tế, địa phương trong việc chủ động xác định nhu cầu, dự trù, xây dựng kế hoạch, đấu thầu mua sắm, đặt hàng và các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị y tế, đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung ứng.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, như vậy các quy định của pháp luật về đấu thầu đối với thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Bộ Y tế đã kịp thời có văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị;
Và khẩn trương phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, phổ biến, quán triệt tới các cơ sở y tế, các địa phương để triển khai thực hiện nhằm đảo bảo không để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh...