Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ “thông chốt” vào Hà Nội

08-08-2021 17:28 | Xã hội

SKĐS - Trong thời điểm TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, nhiều nhà xe đã dùng chiêu trò treo băng rôn chở hàng cứu trợ nhưng thực chất là vận chuyển hàng hóa kinh doanh...

Xe chở "hàng cứu trợ"… có thu phí

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế) trong nhiều ngày đầu tháng 8/2021, tại Hà Nội vẫn còn nhiều xe khách "lượn lờ" đón trả hàng trong nội đô.

Điển hình là hai chiếc xe khách 16 chỗ lần lượt mang biển kiểm soát: 17B-015.79 và 17B-013.99, mang thương hiệu nhà xe Giỏi Hoa (Thái Bình) vẫn nhận chở hàng hóa từ Thái Bình đi Hà Nội và ngược lại. 

Các phương tiện này treo băng rôn trên thân xe với tiêu đề "xe chở hàng cứu trợ COVID-19", nhưng trên thực tế khi tìm hiểu thì đó là xe kinh doanh dịch vụ vận tải, người dân gửi hàng đều phải trả mức giá cao gấp 2 - 3 lần so với bình thường.

Tìm hiểu thông tin trên trang Facebook, phóng viên đã gọi vào số điện thoại của nhà xe Giỏi Hoa để đặt vấn đề gửi hàng từ Thái Thụy - Thái Bình đi Hà Nội. 

Phía nhà xe khẳng định trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị vẫn tổ chức các chuyến xe chở hàng đi Hà Nội.

Lúc 13h15 ngày 6/8, có mặt tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, phóng viên ghi nhận xe khách BKS 17B-015.79 dù không có "luồng xanh" nhưng sau khi xuất trình một số loại giấy tờ đã được phép đi qua chốt kiểm soát y tế và tiến thẳng theo hướng trung tâm Hà Nội.

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ để “thông chốt” vào Hà Nội - Ảnh 2.

Xe khách mang biển kiểm soát 17B-015.79 của nhà xe Giỏi Hoa đón trả người và hàng hoá trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ để “thông chốt” vào Hà Nội - Ảnh 3.

Sau đó dễ dàng di chuyển qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 đặt tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào chiều 6/8.

Trước đó vào chiều 3/8, xe ôtô khách 17B-013.99 của nhà xe Giỏi Hoa sau khi qua chốt kiểm soát y tế vào Hà Nội đã lập "bến cóc" tại khu vực quanh bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và Nước Ngầm để trả hàng hoá và nhận ký gửi mà không hề bị kiểm tra, xử lý.

Thậm chí, 2 chiếc xe khách nói trên còn có dấu hiệu chở người cùng hàng hoá bên trong thùng xe tuyến Thái Bình – Hà Nội và ngược lại với giá vé cao gấp 3 lần thời điểm được phép hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra và được xác nhận: Hai phương tiện xe khách nói trên không thuộc diện cấp thẻ "luồng xanh" và việc hoạt động chở người và hàng hoá kinh doanh là sai quy định.

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ để “thông chốt” vào Hà Nội - Ảnh 4.

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ để “thông chốt” vào Hà Nội - Ảnh 5.

Dán mác "xe chở thực phẩm miễn phí", hàng cứu trợ nhưng thực chất là loại hình vận chuyển hàng hóa kinh doanh và thu phí người gửi với giá cao.

Dùng giấy xác nhận của xã để qua mặt lực lượng chức năng

Ngày 8/8, sau khi liên hệ với nhà xe để gửi thùng hàng từ Thái Bình đi Hà Nội với giá 120.000 đồng, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế) tiếp tục bám theo phương tiện mang BKS 17B-015.79 trên lộ trình vào thủ đô. Dọc cao tốc, chiếc xe này thường xuyên dừng đỗ để nhận và trả hàng hoá.

Đến thời điểm 13h cùng ngày, chiếc xe khách 16 chỗ mang BKS 17B-015.79 nói trên đã đi qua trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và xuất trình với tổ công tác các giấy tờ gồm "Phiếu xét nghiệm test nhanh âm tính" và "giấy đi đường với nội dung tham gia giao thông hàng thực phẩm, hàng thiết yếu của cấp xã ở tỉnh Thái Bình cấp".

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ để “thông chốt” vào Hà Nội - Ảnh 6.

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ để “thông chốt” vào Hà Nội - Ảnh 7.

Trước đề nghị của PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ đã kiểm tra kỹ hơn về hàng hoá và giấy tờ lưu thông của chiếc xe khách BKS 17B-015.79.

Qua kiểm tra, bên trong xe đã tháo toàn bộ ghế và chất đầy các thùng hàng hoá (chủ yếu là lương thực, thực phẩm) với tên nhiều người nhận và số điện thoại khác nhau. 

Theo tổ công tác, dù không thuộc diện "luồng xanh" nhưng với những giấy tờ trên, phương tiện này có thể lưu thông qua chốt kiểm soát y tế để vào Hà Nội. Trong khi đó, tài xế và phụ xe tỏ ra sốt ruột, mong muốn được nhanh chóng đi qua vì xe chở… hàng cứu trợ.

Trước những hoạt động bất thường của nhà xe này, phóng viên đã đề nghị tổ công tác xem xét, kiểm tra kỹ hơn các giấy tờ và hàng hoá vì "giấy đi đường" do Chủ tịch UBND xã cấp chưa đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ để “thông chốt” vào Hà Nội - Ảnh 8.

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ để “thông chốt” vào Hà Nội - Ảnh 9.

Nhờ có giấy đi đường của UBND xã cấp cùng với lý do "chở hàng cứu trợ", nhiều phương tiện vận tải đã hoạt động "trá hình" trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

Phóng viên cũng đã gọi điện thoại đến ông Giang Văn Tiu, Chủ tịch UBND xã Thái Hưng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình và nối máy cho cán bộ CSGT, tổ trưởng tổ công tác tại chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ. 

Qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Thái Hưng cho biết, ông chỉ ký giấy đi đường xác nhận ông Đinh Văn Bình (lái xe của nhà xe Giỏi Hoa) là người địa phương, thực hiện công việc chuyên môn được giao chứ không phải xác nhận cho người này chở hàng cứu trợ để qua các chốt kiểm soát y tế.

Tiếp tục xác minh và xin ý kiến các lực lượng liên quan, Đội TTKS GTĐB cao tốc số 3 (Phòng 8 - Cục CSGT) đã quyết định lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với 2 lỗi: Dừng xe trên cao tốc không đúng nơi quy định và Tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe tô tô với mức phạt 14.500.000 đồng. Phương tiện nói trên cũng buộc phải quay đầu, không được vào Hà Nội.

Liên quan đến bài viết Dùng xe cứu hộ "thông chốt" kiểm soát y tế, đưa người vào Hà Nội, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong ngày 8/8, lực lượng CSGT đã mời chủ xe đưa theo phương tiện cứu hộ mà Báo Sức khoẻ & Đời sống đã phản ánh đến làm việc.

Đánh giá đây là thủ đoạn mới để đưa người vào Hà Nội và có tính chất phức tạp, Cục CSGT đang phối hợp với lực lượng chức năng mở rộng xác minh, làm rõ.

Ngày 8/8, phương tiện cứu hộ giao thông dùng để "thông chốt" đưa người vào Hà Nội được tài xế đưa đến chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ để làm việc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết đã giao cơ quan chuyên môn thu hồi phù hiệu nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động "luồng xanh" đối với phương tiện cứu hộ BKS 29H-03804 do không chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh.

Báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Cao Tuân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn