10h30 sáng 7/8, sau khi lưu thông gần cuối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Km 152+500) để qua trạm thu phí vào Hà Nội, xe ô tô mang nhãn hiệu ISUZU BKS 38A-372.69 bất ngờ dừng lại bên đường.
Khoảng một lúc sau, xe cứu hộ BKS 29H-03804 đi đến kéo phương tiện này lên sàn xe. Tiếp đó, một nhóm gần 10 người chờ sẵn ở lối gom đường cao tốc lần lượt trèo qua rào chắn lan can và ngồi vào chiếc xe đang nằm trên xe cứu hộ.
Sau khi đi tiếp khoảng 1km đến trạm thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, chiếc xe cứu hộ đi vào làn "luồng xanh" và thẳng tiến vào trung tâm Hà Nội mà không gặp phải bất kỳ kiểm tra nào của các lực lượng làm việc tại chốt kiểm soát.
Qua quan sát, tại đây có rất đông cán bộ lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ gồm: CSGT, TTGT, quân đội và y tế.
Dựa theo thông tin trên xe cứu hộ, Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã gọi điện vào số "đường dây nóng cứu hộ giao thông" là 0929.107.107 để đặt vấn đề muốn đi qua chốt kiểm soát y tế vì xe riêng không thuộc diện ưu tiên và người trên xe không có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 theo quy định.
Phía đơn vị cứu hộ khẳng định họ có thể đưa qua chốt kiểm soát mà không cần "giấy điều động công tác" và "giấy xét nghiệm âm tính".
"Cái này làm được nhưng mạo hiểm nên để qua được phải mất nhiều tiền. Nếu chỉ đi qua chốt kiểm soát ở cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vào Hà Nội thì phí 2.500.000 đồng. Nếu vào tận nội thành vì còn qua nhiều chốt kiểm soát khác thì giá sẽ là 3.200.00 đồng.
Anh cứ nhắn cho chúng tôi cái tin xe đang gặp sự cố ở cao tốc cần cứu hộ, tôi sẽ xin ý kiến anh em bên ngành để tránh bị kiểm tra (?).
Trong quá trình di chuyển các anh cứ ngồi trên xe ô tô được cứu hộ kéo, chúng tôi sẽ cam kết đưa được qua các chốt kiểm soát", phía đơn vị cứu hộ cho biết.
Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, phương tiện cứu hộ nói trên thuộc Công ty cứu hộ giao thông Yến Thành có trụ sở tại 54 Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Công ty này có 3 xe cứu hộ (2 sàn, 1 cẩu kéo) và chuyên hoạt động trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Qua trích xuất camera từ Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, những phương tiện cứu hộ của công ty cứu hộ giao thông Yến Thành thường xuyên vào, ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đều mang theo những phương tiện khác.
Cụ thể vào sáng cùng ngày (7/8), xe cứu hộ BKS 29H-03804 còn chở theo một ô tô con đi từ Hà Nội qua chốt kiểm soát vào cao tốc sau đó ra ở trạm thu phí địa phận Hà Nam lúc 8h. Sau đó, phương tiện này tiếp tục vào cao tốc để "cứu hộ" người và các phương tiện khác đi qua chốt kiểm soát vào TP Hà Nội.
Ngoài ra, trong các ngày 6 và 7/8, Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã bắt gặp rất nhiều người mang theo hành lý chờ ở đường gom cao tốc chờ xe đón, "thông chốt" vào Hà Nội.
Thêm nữa, phóng viên cũng ghi nhận nhiều trường hợp xe tải có gắn thẻ ưu tiên "luồng xanh" để chở hàng hoá thiết yếu và phương tiện treo biển "hàng cứu trợ" nhưng mục đích để hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh với giá cao.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng lợi dụng xe cứu hộ giao thông để "thông chốt" kiểm soát y tế, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh: "Đây là vấn đề rất mới và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đó cũng là những nguy cơ khiến tình hình dịch bệnh tại Hà Nội thêm phức tạp nếu không kiểm soát tốt người và phương tiện ra vào.
Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã tạo điều kiện tốt nhất để xe lưu thông vận chuyển hàng hoá an toàn trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, do vậy các lực lượng chấp pháp phải làm thật nghiêm để tránh việc lợi dụng chính sách.
Tôi đề nghị Bộ Công an và Bộ GTVT phải sớm vào cuộc để ngăn chặn vấn đề Báo Sức khoẻ & Đời sống nêu".
Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!