Hà Nội

Làng mật mía truyền thống ở Hà Tĩnh vào vụ Tết

08-01-2023 10:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Những ngày này, "thủ phủ" mật mía xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) luôn đỏ lửa để kịp làm sản phẩm phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán.

Cam Hà Tĩnh mọng vàng chờ đón TếtCam Hà Tĩnh mọng vàng chờ đón Tết

SKĐS - "Thủ phủ" cam Hà Tĩnh đang bắt đầu chín vàng. Các chủ trại cam đang chuẩn bị thu hoạch để đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Quý Mão.

Chưa đến nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, các lò mật làm từ mía thơm ngon nức tiếng ở xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh lại tất bật ngày đêm đỏ lửa để tạo ra những mẻ mật phục vụ thực khách trong và ngoài tỉnh.

Làng mật mía truyền thống ở Hà Tĩnh tất bật vào vụ Tết - Ảnh 2.

Người dân chuẩn bị nguyên liệu để ép mật

Nghề ép mật mía ở xã Thọ Điền đã có hơn 50 năm nay. Hiện, toàn xã còn khoảng 100 hộ giữ nghề truyền thống này. Theo tìm hiểu, nghề nấu mật mía ở Thọ Điền là nghề cha truyền con nối qua nhiều thế hệ và duy trì cho đến ngày nay. 

Trước đây, cứ đến dịp Tết, người dân nơi đây tập trung nấu mật mía rồi đóng chai, đóng can... mang xuống các chợ trong vùng để bán.

"Thủ phủ" mật mía Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vào vụ Tết - Ảnh 3.

Những ngày này, các lò nấu mật mía tại xã Thọ Điền hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ mật đạt chất lượng, phục vụ Tết.

Cách đây vài ba năm, người dân còn phải dùng sức trâu, bò để kéo quay che. Nhưng những năm gần đây, nhiều gia đình đã đầu tư máy ép chạy bằng điện nên việc ép mật cũng đỡ vất vả hơn mà đảm bảo vệ sinh hơn.

"Thủ phủ" mật mía Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vào vụ Tết - Ảnh 4.

Người dân cho biết, cứ 1 tấn mía ép tươi sau khi nấu thành phẩm được 1 tạ mật.

Ông Trần Sỹ Nam (SN 1972, chủ cơ sở sản xuất mật mía ở thôn 5, xã Thọ Điền) cho biết, năm nay gia đình ông thu mua khoảng 600-700 tấn nguyên liệu, cho sản phẩm khoảng 60-70 tấn mật mía cung ứng ra thị trường.

“Năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách đặt mua mật mía có giảm sút và vắng hơn các năm. Năm nay, theo đà phục hồi của thị trường, lượng khách đã tăng lên nhanh chóng, người dân đặt mua mật mía rất nhiều nên chúng tôi phải dậy lúc 3H sáng để bắt đầu công việc", ông Nam cho hay.

Cũng theo ông Nam, nghề làm mật mía rất vất vả, muốn mật ngon phải đứng “canh” chảo trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon...

"Thủ phủ" mật mía Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vào vụ Tết - Ảnh 5.

Việc nấu mật được thực hiện 4h đồng hồ. Người nấu phải dùng muỗng đảo liên tục, đều tay để tránh bị cháy phía dưới và tạo độ sánh, mịn.

Việc làm từ các lò nấu mía thủ công đã giúp nhiều lao động địa phương có công việc, thu nhập ổn định. Hiện đang vào vụ, nhiều chủ lò lại cần thêm nhiều lao động. Người dân cho biết, cứ 1 tấn mía ép tươi sau khi nấu thành phẩm được 1 tạ mật. Mật mía năm nay được bán với giá 45.000-50.000đồng/lít, giá cao hơn so với nhiều năm trước.

"Thủ phủ" mật mía Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vào vụ Tết - Ảnh 6.

Khi nước mía chuyển sang màu nâu đen, sền sệt thì công đoạn nấu mật coi như hoàn tất. Người dân sẽ đổ mật vào thùng nhựa khoảng 1 tiếng cho mật cô đọng lại, lớp bọt sẽ nổi lên và vớt đi.

Bà Trần Thị Hoa (ở thôn 2,) cho hay, công việc nấu mật mía được người dân nơi đây thực hiện chỉ trong vài tháng cuối năm nhưng mang lại thu nhập tương đối cao, ước tính mỗi hộ gia đình thu lãi 40-50 triệu đồng vụ Tết sau khi đã trừ mọi chi phí.

"Đây là nghề truyền thống của gia đình từ thời ông bà truyền lại. Làm nghề này tuy vất vả, nhưng đổi lại thu nhập cũng ổn định và năm nào cũng có một cái Tết đủ đầy”, bà Hoa phấn khởi nói.

"Thủ phủ" mật mía Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vào vụ Tết - Ảnh 7.

Công đoạn cuối cùng là cho mật vào chai rồi cho ra thị trường.

Trong những ngày Tết cổ truyền, người Việt thường dùng mật mía để chấm bánh chưng, nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai… Các xưởng bánh kẹo thì cần nguồn mật lớn để làm nguyên liệu. Bởi thế, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm "thủ phủ" mật mía Thọ Điền lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Không khí Tết như đến sớm hơn ở vùng miền núi này.

Ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết, nghề làm mật mía ở địa phương đã có từ lâu đời. Hiện toàn xã có hơn 100 hộ dân trồng mía, với diện tích gần 30ha. Thọ Điền cũng là địa phương duy nhất của huyện Vũ Quang làm mật mía.

"Nghề làm mật mía mang lại thu nhập khá cho người dân, nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Hiện địa phương đã xây dựng Hợp tác xã mật mía Sơn Thọ và vận động người dân tham gia để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân", ông Nhàn cho hay.


Nguyễn Sơn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn