Bánh chưng Cầu Báng hối hả vào vụ Tết

06-01-2023 15:25 | Xã hội
google news

SKĐS - Sự hòa quyện giữa các nguyên liệu truyền thống đã giúp cho bánh chưng Cầu Báng tại Thái Bình mang một hương vị rất riêng. Làng bánh chưng Cầu Báng, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình lúc nào cũng đỏ lửa phục vụ thực khách trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận.

Cầu Báng (xã Tân Bình) cách trung tâm TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình) khoảng 3 km. Xuất phát từ vùng đất quê lúa với nhiều loại gạo ngon, nơi đây vốn nổi tiếng với nghề làm bánh chưng từ hàng trăm năm qua. Vào dịp cận Tết, các căn bếp của hộ dân cầu Báng tất bật gói bánh chưng phục vụ cho thực khách gần xa.

Bánh chưng được coi là sản vật không thể thiếu để dâng cúng lên ông bà, tổ tiên trong ngày Tết. Một nét đẹp truyền thống ngàn đời trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Bánh chưng Cầu Báng ở đây có lịch sử hàng trăm năm và được truyền từ đời này sang đời khác. Đến nay thì khu này chỉ còn khoảng hơn 10 hộ vẫn theo nghề của ông cha truyền lại.

Bánh chưng Cầu Báng: Thức quà mang hương vị quê hương - Ảnh 1.

Lá dong gói bánh chưng phải được tuyển chọn những loại lá to, xanh. Trước khi gói bánh, phải rửa thật sạch lá dong, phân loại từng lá để gói cho đều tay.

Bánh chưng Cầu Báng: Thức quà mang hương vị quê hương - Ảnh 2.

Gạo nếp được tuyển chọn từ chính vùng quê Thái Bình với loại gạo nếp thơm. Các hạt gạo phải to, tròn, căng bóng. Bí quyết khác biệt với các loại bánh chưng khác đó chính là ở khâu chọn gạo.

Bánh chưng Cầu Báng: Thức quà mang hương vị quê hương - Ảnh 3.

Các căn bếp của người dân làm nghề tại nơi đây từ đầu làng cuối xóm cuộn lên mùi thơm của lá dong, mùi nếp, mùi đỗ,... Đỗ xanh được tuyển chọn hạt to đều, sau khi đồ chín, giã nhuyễn. Nhân thịt là thịt ba chỉ được ướp thảo quả, hạt tiêu đượm mùi thơm.

Bánh chưng Cầu Báng: Thức quà mang hương vị quê hương - Ảnh 4.

Gói bánh phải dùng khuôn, như vậy bánh mới vuông và đồng đều khối lượng bánh. Nấu bánh thế nào để hình dáng bánh vẫn vuông đều phải có bí quyết. Người dân chia sẻ, khi xếp bánh vào nồi không để khe hở giữa các bánh, xếp vuông vức thì khi luộc bánh, gạo nở ra bánh chưng vẫn chắc nhưng không bị nở, biến dạng.

Bánh chưng Cầu Báng: Thức quà mang hương vị quê hương - Ảnh 5.

Bánh chưng Cầu Báng luộc trong thời gian từ 8 - 10 tiếng. Trong thời gian ấy, phải luôn trực để lửa nhỏ nhưng không tắt thì bánh mới nhừ đều.

Bánh chưng Cầu Báng: Thức quà mang hương vị quê hương - Ảnh 6.

Ông Vũ Đình Phôi (chủ cơ sở bánh chưng Phôi Huệ) cho biết, trung bình một hộ gia đình bán ra thị trường số lượng 200 đến 300 chiếc bánh chưng 1 ngày. Nhưng vào những lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán thì con số này lên tới cả nghìn chiếc 1 ngày.

Bánh chưng Cầu Báng: Thức quà mang hương vị quê hương - Ảnh 7.

Đây là bánh loại nhỏ hay được gọi là bánh chưng gù, được gói hoàn toàn bằng tay, có hình lục giác đều, giá bán từ 5000 đồng - 10.000 đồng/1 chiếc.

Bánh chưng Cầu Báng: Thức quà mang hương vị quê hương - Ảnh 8.

Chú Phôi (bên trái) tâm sự: “Thời gian này, làng nghề lại hối hả vào vụ Tết. Các hộ làm bánh chưng gần như không ngủ, huy động những thành viên trong gia đình vừa chuẩn bị nguyên liệu, vừa gói và bán bánh chưng cho kịp vụ bánh lớn nhất năm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

4 sai lầm khi ăn cơm có thể khiến bạn mắc bệnh dạ dày - SKĐS


Hồng Ngọc
Ý kiến của bạn