Hiện nay, 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân. Tỷ lệ người bị di chứng và tàn tật do tai biến mạch não đang tăng lên. Do đó, phục hồi chức năng cho các bệnh nhân sau tai biến và chấn thương não trở thành 1 nhu cầu cấp bách nhằm giảm tối đa các di chứng và sớm đưa bệnh nhân tai biến mạch máu não đạt được sự thích nghi khi quay trở lại với cuộc sống gia đình và xã hội.
Hậu quả, biến chứng của tai biến mạch máu não
Cơn đột quỵ có thể gây ra khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng và thời gian não bị thiếu lưu thông máu. Các biến chứng có thể bao gồm:
Rối loạn thị giác: Theo các chuyên gia, rối loạn thị giác có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bệnh nhân có biểu hiện mắt nhìn mờ một bên hoặc cả hai bên, mù một phần hoặc toàn bộ, quầng hoặc đau mắt. Nếu không được chữa trị và phục hồi ở giai đoạn sớm thì càng ngày bệnh nhân sẽ càng khó hi vọng thấy lại ánh sáng ở bên mắt đó.
Liệt vận động: Theo thống kê, có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt) sau tai biến mạch máu não. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời khi phải nằm lâu một chỗ, bệnh nhân thường gặp biến chứng nguy hiểm như: lở loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, viêm đường hô hấp… dễ gây nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Bệnh nhân cần phải phục hồi vận động sau tai biến mạch máu não nếu không sẽ phải phụ thuộc gần hoàn toàn vào sự chăm sóc, giúp đỡ của người khác.
Giúp bệnh nhân tập đi mỗi ngày sau tai biến để hồi phục nhanh
Rối loạn nhận thức: Tỷ lệ gặp rối loạn nhận thức ở bệnh nhân sau tai biến mạch máu não khoảng hơn 60%. Đây là một trong những biến chứng nặng nề nhất dẫn đến sa sút trí tuệ. Bệnh nhân bị rối loạn nhận thức có các biểu hiện như: hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, gia đình của mình và không hiểu được lời người khác nói…
Khó khăn trong việc nói hoặc nuốt: Một cơn đột quỵ có thể gây ra kém kiểm soát các cơ di chuyển miệng và cổ họng, nuốt hoặc ăn khó khăn, rối loạn ngôn ngữ. Các biểu hiện rối loạn ngôn ngữ khá đa dạng như: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi,… khó diễn đạt, thậm chí là không nói được.
Tiểu tiện không tự chủ: Bệnh tai biến làm cho hệ thống thần kinh bị tổn thương, từ đó gây rối loạn cơ tròn (nơi điều khiển hoạt động đại/tiểu tiện). Ngoài ra, rối loạn cảm giác và nhận thức cũng khiến bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng tiểu tiện.
Rối loạn tâm lý: Phần lớn bệnh nhân sau tai biến suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc, phải nhờ cậy vào người thân. Điều đó khiến người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm. Sự quan tâm của người thân, cộng đồng để chia sẻ những khó khăn, giải tỏa tâm lý cho người bệnh là vô cùng quan trọng.
Phục hồi chức năng có vai trò gì cho bệnh nhân?
Tập vận động, phục hồi chức năng càng sớm càng tốt là cách duy nhất giúp bệnh nhân giảm các di chứng, biến chứng sau các cơn tai biến mạch máu não.
Tập vận động khớp khuỷu với sự hỗ trợ của cán bộ y tế
Các kỹ thuật phục hồi chức năng trong giai đoạn này chủ yếu là giữ cho quần áo, ga trải giường luôn sạch sẽ và khô ráo, thực hiện lăn trở bệnh nhân từ 2 đến 3 giờ một lần, không để bệnh nhân nằm lâu ở một tư thế, Cùng với tập lăn trở là các kỹ thuật vị thể, nghĩa là để bệnh nhân nằm ở các vị thế khác nhau theo mẫu phục hồi để phòng ngừa co cứng, kết hợp với các bài tập vận động thụ động nửa người bên liệt do kỷ thuật viên vật lý trị liệu tập.
- Bệnh nhân hôn mê: Tập thụ động tất cả các chi phòng ngừa teo cơ cứng khớp.
- Bệnh nhân tỉnh:
- Tập lăn nghiêng phải trái tại giường.
- Tập vận động khớp vai: với sự trợ giúp của tay lành
Tập vận động khớp khuỷu: gấp duỗi khuỷu với sự trợ giúp của tay lành.
- Bài tập vận động với khớp cổ- bàn- ngón tay: vận động các khớp cổ, bàn, ngón tay với sự trợ giúp của tay lành.
- Tập dồn trọng lượng lên chân liệt.
- Tập kỹ thuật bắt cầu: bệnh nhân nằm ngữa, hai gối gập, sau đó nâng mình lên khỏi mặt giường.
Tập vận động khớp gối và khớp háng: Tập gấp, duỗi gối và khớp háng ở chân liệt.
- Tập vận động khớp cổ chân: Gấp khớp cổ chân bênh liệt về phía mu.
Ở giai đoạn sau khi bệnh nhân đã có thể tự tập chủ động, các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập đi bộ mỗi ngày khoảng 5 phút, có thể cho tập đi từng đoạn ngắn dưới nạng hoặc được người trợ giúp, tập những động tác như cầm cốc, cầm sách, gấp quần áo, tập cầm nâng những đồ vật kích cỡ, nặng nhẹ khác nhau,… Nếu bệnh nhân mất tiếng nói, nên cho nghe và đọc các câu chuyện trên báo chí, truyền hình, rồi ngay lập tức cho bệnh nhân tập kể lại câu chuyện. Tập những kỹ năng này với mức độ khó tăng dần, khoảng 20 giờ mỗi tuần.
Thông thường bệnh phục hồi khá tốt trong ba tháng đầu, phục hồi chậm hơn ba tháng tiếp theo, ngoài sáu tháng ra thì phục hồi rất chậm. Do đó, phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não đòi hỏi người bệnh phải hết sức kiên trì tập luyện và tuân thủ theo liệu trình hỗ trợ điều trị của các thầy thuốc chuyên ngành phục hồi chức năng. Người nhà nên động viên tư tưởng và chăm sóc kỹ cho bệnh nhân trong quá trình hỗ trợ điều trị.
Vì sao cần phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân sau tai biến?
Hiện tại, ở Việt Nam đang rất ít quan tâm đến vấn đề phục hồi chức năng mà chủ yếu là quan tâm đến vấn đề điều trị, do đó hậu quả để lại là người bệnh tàn phế - gánh nặng cho cộng đồng xã hội, gia đình và người bệnh trong tổn thương não.
Tai biến mạch máu não; Chấn thương sọ não – hiên nay chưa có cơ sở y tế nào có trung tâm hay đơn vị phục hồi chức năng tổn thương não. Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An- với sự hỗ trợ giúp đỡ về chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật của GS.TS Cao Minh Châu - Trưởng Bộ môn Phục hồi chức năng Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bạch Mai cùng GS.TS Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm bộ môn thần kinh học Bệnh viện 103 – Học viện Quân y đã thành lập Trung tâm phục hồi chức năng tổn thương não vào tháng 6/2017. Từ đó đến nay, trung tâm đã tiếp nhận điều trị phục hồi chức năng cho hàng ngàn lượt người bệnh tổn thương não - bao gồm tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm màng não.
Thời điểm tháng 4/2018, số người bệnh sau tổn thương não (tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm màng não), chiếm hơn phần nửa tổng số bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An. Với trình độ chuyên môn cao về phục hồi chức năng, đội ngũ nhân viên y tế cũng như đội ngũ điều dưỡng, cán bộ y tế làm công tác xã hội... luôn gần gũi, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người bệnh, hướng dẫn người bệnh tỷ mỉ với các bài tập dành cho người bệnh tổn thương não... đã tạo niềm tin cho người bệnh. Nhân viên bệnh viện như chính người thân yêu ruột thịt của mình... từ đó đã nhân lên gấp bội hiệu quả chữa bệnh.
Tình cảm, sự cảm thông, thấu hiểu và sự sẻ chia ... là hết sức quan trọng giúp người bệnh thuyên giảm và phục hồi tốt.