Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 6/4 tại TP Thanh Hóa, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Chương trình "Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ".
Dự chương trình có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Quân Khu 4, một số tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Đặc biệt, tham dự chương trình có các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thân nhân các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Vượt qua "cánh cửa thép"
Tại chương trình, ông Nguyễn Bá Viết, chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống tại Phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa), đại diện cho chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã ôn lại kỷ niệm về những năm tháng hào hùng này.
Năm 18 tuổi (năm 1953) theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ông Viết cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ) tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường chống giặc.
Sau đợt tuyển quân, chiến sĩ Nguyễn Bá Viết bắt đầu hành quân từ Thanh Hóa đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì. "Từ Thanh Hóa chúng tôi hành quân qua đường rừng núi vào Hòa Bình, vượt dốc Cun, xuống chợ Bờ, qua suối Rút vào Mộc Châu (Sơn La). Sau đó băng qua đèo Pha Đin xuống Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ", ông Viết nhớ lại.
Theo ông Nguyễn Bá Viết, con đường hành quân gặp nhiều vất vả khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt các bãi vắt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để có đường hành quân. Đường đi đã khó khăn nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Cứ thế đêm đi, ngày nghỉ. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng, nhiều bữa còn không có gì chỉ có chút rau rừng làm canh.
"Sau khi đến Ngã ba Cò Nòi, chúng tôi bắt gặp những đoàn quân từ các tỉnh, thành khác cùng hành quân về Điện Biên Phủ. Đường hành quân ban đêm lúc này cũng trở nên đông và vui hơn... Tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng không hề làm nhụt đi ý chí của những người thanh niên quyết tâm giành chiến thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ", ông Viết kể.
Sau khi giành chiến thắng Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 89 tiếp tục hành quân về Bắc Giang, mở ra trận chiến cầu Lồ. Tuy nhiên, khi đang chiến đấu, toàn tiểu đoàn nhận được lệnh dừng chiến do ta và Pháp đàm phán hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau đó, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 hành quân vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội...
Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Chư, xã Đông Nam (huyện Đông Sơn), nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo 105 ly, Đại đội 14, Tiểu đoàn 82, Đại đoàn 351 vẫn nhớ những trận đánh cam co, quyết liệt, dội "bão lửa" lên đầu giặc.
"Để mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tôi chuẩn bị hơn một tháng. Ngày ấy, tôi là Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo 105 ly được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Nếu Điện Biên Phủ là một "pháo đài bất khả xâm phạm" thì Trung tâm đề kháng Him Lam là "cánh cửa thép" được Pháp xây dựng với hệ thống phòng ngự hết sức kiên cố và vững chắc. Muốn tiếp cận được Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì bắt buộc phải vượt qua được "cánh cửa thép" này", ông Chư kể.
Theo ông Chư, đây là lần đầu tiên pháo binh của ta xuất trận nên công tác chuẩn bị cho pháo rất được coi trọng. Những khẩu pháo của ta đã bí mật chiếm lĩnh trận địa. Các đại đội pháo đã sẵn sàng trong những căn hầm rải rác trên các cao điểm chạy từ Đông sang Tây. Pháo được bố trí nằm trên các sườn đồi, được ngụy trang kín đáo.
"Để tạo thế bất ngờ, quân ta được lệnh ngày đêm đào đường hầm ngầm vào gần đồi Him Lam. Khi đường hầm hoàn thành cũng là lúc Khẩu đội pháo 105 ly nhận được mệnh lệnh chiến đấu vào ngày 13/3/1954. Lệnh cấp trên yêu cầu phải thật bất ngờ nhằm vô hiệu hóa kẻ địch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Với quyết tâm đánh trận đầu chỉ được thắng, không thể thua, cả khẩu đội chúng tôi đã sẵn sàng chờ giờ nổ súng, mở màn chiến dịch", nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo 105 ly, Đại đội 14, Tiểu đoàn 82, Đại đoàn 351 nhớ lại.
Đúng 17h5’ ngày 13/3/1954, lệnh nổ súng bắt đầu, cùng với các đơn vị khác, Khẩu đội pháo 105 ly đã bắn 22 loạt đại bác tấn công cứ điểm Him Lam. Bị tấn công bất ngờ nên Pháp hoang mang và hoảng sợ. Lợi dụng lúc địch đang choáng váng, chưa kịp phản ứng, các đơn vị bộ binh của ta tiếp tục tấn công. Chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ Trung tâm đề kháng Him Lam, tạo thời cơ thuận lợi để bộ đội ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm còn lại, kết thúc đợt tấn công thứ nhất...
Hậu phương chiến lược
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh, cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp và là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta...
Với vị trí điểm đầu vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa là nhịp cầu nối giữa chiến trường Bắc Bộ và Bình - Trị - Thiên, là địa bàn tiếp giáp với Tây Bắc, Thượng Lào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của Chiến dịch...
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa, Trung ương Đảng, Chính phủ đã tặng cờ thi đua khá nhất; nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi "Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết, tham gia kháng chiến. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
"70 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta dệt nên bản anh hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Thời gian càng lùi xa, ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không bao giờ phai mờ, mà ngày càng tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...", Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.