Kỳ tích ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Việt Nam trong điều trị tai nạn thương tích

11-11-2023 09:30 | Y tế
google news

SKĐS - "Cho đến thời điểm này, Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam đã thực sự vươn mình và hội nhập với các hội chuyên ngành trong khu vực và trên thế giới", đó là đánh giá của GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. 

Phát biểu tại Đại hội Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam diễn ra vào 20/10/2023 (tại Hà Nội), GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: Cho đến thời điểm này Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam đã thực sự vươn mình và hội nhập với các hội chuyên ngành trong khu vực và trên thế giới như: Hội Chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á, Hội Chấn thương chỉnh hình Châu -T hái Bình Dương, Hội Phẫu thuật cột sống Châu Á-Thái Bình Dương, Hội Hàn lâm phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình Mỹ…

Kỳ tích ngành phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Việt Nam trong điều trị tai nạn thương tích!- Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Đại hội.

Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Đơn cử, trong chẩn đoán có nhiều máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống cộng hưởng từ 3.0, hệ thống cắt lớp 512 lát cắt, ứng dụng AI trong phát hiện sớm tổn thương xương khớp.

Trong điều trị có sử dụng hệ thống robot, hệ thống định vị, những hệ thống này giúp phẫu thuật có độ chính xác cao. Ngoài ra, các kỹ thuật khác như phẫu thuật ít xâm lấn, nội soi (khớp, đặc biệt là khớp nhỏ, cột sống) kết hợp xương, cố định nẹp đinh không mất nhiều thời gian của bệnh nhân, phẫu thuật cột sống không còn đường mổ lớn như ngày xưa… giúp người bệnh ít đau đớn, chi phí giảm...

Phẫu thuật thành công cho cụ ông 92 tuổi bị thay khớp háng hiếm gặp

Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam. Bệnh viện Việt Đức có thế mạnh trong khám, điều trị và phẫu thuật chấn thương và các bệnh lý cơ xương khớp được chia thành các khoa như: Chấn thương chỉnh hình, Y học thể thao, Phục hồi chức năng, Cột sống, Chi trên, Chi dưới...Tùy theo vấn đề của người bệnh sẽ được phân về khoa khám và điều trị phù hợp.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, Bệnh viện Việt Đức đã ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống, thay khớp gối đã được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả tối ưu cho thầy thuốc và bệnh nhân. 

Xu thế trong điều kiện kinh tế phát triển, AI giúp cá thể hóa, thay khớp đặc thù cho mỗi người bệnh với chiều cao, độ tuổi, giới tính, tổn thương riêng biệt với từng người… Tổn thương được dựng hình lên trước, đưa vào máy tính, với mô hình được tính toán giúp bác sĩ đánh giá tổn thương. Những tổn thương phức tạp như gãy xương chậu hay vỡ xương ổ cối, có thể dựa trên phim cắt lớp để dựng hình 3 chiều, lên trước mô hình bác sĩ đánh gía mức độ tổn thương, lựa chọn đường vào, lựa chọn vật liệu dự kiến cố định, điều này giúp độ chính xác, hoàn hảo trong phẫu thuật, sẽ giúp ích cho người bệnh phục hồi nhanh nhất có thể.

Kỳ tích ngành phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Việt Nam trong điều trị tai nạn thương tích!- Ảnh 2.

Các bác sĩ tiến hành thay khớp háng cho cụ ông 92 tuổi. Ảnh: ND

Trong bài phỏng vấn của PV VTV, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết đã từng mổ cho vô số bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Dù là ca mổ gãy tay, mổ nội soi khớp gối đơn giản, tới những ca mổ phức tạp như ca mổ thay khớp háng cho bệnh nhân lớn tuổi PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đều bước vào phòng mổ với tất cả sự cẩn trọng tuyệt đối.

Ông chia sẻ: "Việc mổ cho người bệnh mình đã quen thuộc, các kĩ thuật nhuần nhuyễn nhưng là bác sĩ, mình không được lơ là, bất kì ca mổ nào dù là dễ, hay khó đều tiềm ẩn những nguy cơ bất ngờ không thể lường hết. Chỉ khi ca mổ thành công, người bệnh được rời phòng hậu phẫu, lúc đó bác sĩ mới buông lỏng, thở phào''.

Mới đây, PGS Khánh thực hiện thay khớp gối lại lần 2 cho một bệnh nhân. Đó là một ca rất khó, do bệnh nhân đã thay khớp 1 lần, từng trải qua 2 ca phẫu thuật ở cùng một vị trí, sẹo co dính hơn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Ca phẫu thuật này đã đặt ra cho các bác sĩ thách thức không nhỏ. Nhưng bác sĩ Khánh và đồng nghiệp đã thành công ngoài mong đợi.

Hay như trong phẫu thuật đặc biệt cùng một lúc thay khớp háng 2 bên cho cụ ông đã 92 tuổi, do tai nạn sinh hoạt, bị ngã và gãy cổ xương đùi cả hai bên. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân đồng thời cả 2 bên khớp háng. Bởi cổ xương đùi là phần yếu nhất của khớp háng, chịu lực chính cho trọng lượng cơ thể, thông thường gãy 1 bên khớp háng đã là tổn thương rất nặng nề, đặc biệt lại là đối với người già, trường hợp này người già trên 92 tuổi, gãy đồng thời cả hai bên khớp háng. Đây là một trường hợp hiếm gặp. Trên thế giới, y văn cũng cực kỳ hiếm gặp.

Các ca mổ luôn diễn ra với sự cẩn trọng tuyệt đối, chăm chú vào từng thao tác. Mỗi khi nhát dao đầu tiên được rạch xuống là liên tục những thao tác nhanh, chuẩn xác từng mm.

Kỳ tích 112 ngày cứu người bị xe container cán nguy cơ chết đến 90% 

Chiều 14/3, PGS.TS Lâm Việt Trung - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ đến từ 10 chuyên khoa của đơn vị vừa phẫu thuật cứu sống bệnh nhân Võ Minh H., 53 tuổi, ngụ quận Bình Tân (TP.HCM) bị container cán nát nửa người, chấn thương rất nặng với phần thân dưới dập nát.

Ngay sau khi nhập viện, các y bác sĩ Bệnh viện huyện Bình Chánh đã cấp cứu, xử lý băng bó nhanh vết thương rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Kỳ tích ngành phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Việt Nam trong điều trị tai nạn thương tích!- Ảnh 3.

Bệnh nhân hồi phục sau khi trải qua 11 cuộc phẫu thuật. Ảnh: Kim Vân

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh đa chấn thương, vết thương dập nát đùi trái, bẹn trái, rách nát tầng sinh môn, lóc da bìu lộ tinh hoàn, mất dương vật, đứt hoàn toàn trực tràng, vỡ bàng quang, đứt lìa, mất xương chậu trái, gãy xương đòn trái. Người bệnh đã nhập viện trong tình trạng sốc đau, sốc mất máu nặng, mạch, huyết áp không đo được, tiên lượng tử vong cao.

Ngay lập tức, các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kích hoạt quy trình báo động đỏ, trong vòng 30 phút, đưa bệnh nhân vào phòng mổ khẩn. Ê-kíp đã phải dùng đến tấm lưới nhân tạo để giữ cho nội tạng của bệnh nhân không bị trào ra ngoài, do cơ thể không còn chức năng bảo vệ của khung xương chậu bên trái.

Tổng cộng bệnh nhân đã trải qua 11 lần phẫu thuật, nằm viện tại 6 khoa khác nhau trong hơn 5 tháng (2 đợt). Để cứu được bệnh nhân, bệnh viện đã 7 lần hội chẩn liên chuyên khoa, với tổng cộng 10 khoa tham gia điều trị, như: Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tiết niệu, Ngoại tiêu hóa, Phỏng - Tạo hình, Phẫu thuật mạch máu, Ngoại thần kinh, Bệnh nhiệt đới, Dinh dưỡng. Nhiều thời điểm, các bác sĩ đã tính đến trường hợp không thể cứu sống bệnh nhân.

TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Có rất nhiều thời điểm quan trọng nhưng có lẽ quan trọng nhất là phẫu thuật lần đầu tiên, có sự phẫu thuật của rất nhiều khoa. Thời điểm đó bệnh nhân đang ở tình trạng sốc, mất máu nặng, mạch và huyết áp không có. Các bộ phận cơ thể thì bị rời ra. Các bác sĩ phải xử lý vết thương ban đầu để bệnh nhân vượt qua thời gian sốc, tránh mất máu, tránh đau và để cứu sống bệnh nhân tạm thời".

TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, đây là một trường hợp chấn thương hy hữu và rất nặng, rất dễ tử vong. Dù bệnh nhân chỉ còn lại một chân, nhưng điều quan trọng là đã giữ được sự sống. Điều đáng mừng là bệnh nhân có tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào việc trở lại cuộc đời.

Trải qua 11 lần phẫu thuật, đến nay tình trạng bệnh nhân ổn định. Vết thương hồi phục tốt và liền da, hậu môn nhân tạo hoạt động tốt, bệnh nhân đã được xuất viện. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể phải trải qua nhiều đợt điều trị, can thiệp để hoàn thiện chức năng sống trong thời gian về sau.

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì?

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình được ứng dụng đối với các bệnh lý, tổn thương của hệ cơ xương. Ngày nay, con người rất dễ gặp phải các tổn thương cơ xương trong quá trình sinh sống, làm việc, đó có thể do bị tai nạn hay chấn thương trong thể thao. Và trong trường hợp bảo tồn nguy hiểm hơn hoặc không đạt kết quả cao thì phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn.

Các trường hợp có thể thực hiện phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là:

- Chấn thương xương: gãy xương, rạn nứt xương,…

- Chấn thương phần mềm: dập cơ, đứt dây chằng, rách gân,…

- Các bệnh lý về cơ xương: thoái hóa cột sống, viêm khớp nhiễm khuẩn, các khối u xương khớp, thoái hóa khớp, rối loạn xương khớp bẩm sinh,…



M.H (th)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn