Kon Tum xảy ra 45 trận động đất, Viện Vật lý Địa cầu đưa ra khuyến cáo

29-07-2024 17:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Chính quyền địa phương cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát, đánh giá các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng của động đất.

Sáng 29/7, 11 trận động đất xảy ra ở Kon TumSáng 29/7, 11 trận động đất xảy ra ở Kon Tum

SKĐS - Sáng nay (29/7), Kon Tum lại xảy ra 11 trận động đất liên tiếp, nối dài vào 21 trận động đất xảy ra vào hôm qua tại đây. Trung bình cứ mỗi giờ, nơi đây lại hứng chịu hơn 1 trận động đất.

Trung tâm Báo tin Động đất và  Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi liên tiếp nhiều thông báo động đất, nâng tổng số trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong ngày 29/7 lên tới 24 trận. Các trận động đất này có độ lớn từ 2.4 đến 3.7, không gây thiệt hại về người và tài sản song làm người dân sống ở vùng tâm chấn hoang mang.

Như vậy chỉ trong chưa đến 2 ngày, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 45 trận động đất, trong đó trận động đất lớn nhất có độ lớn 5.0 gây rung lắc mạnh cho nhiều khu vực xung quanh gồm các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Kon Tum xảy ra 45 trận động đất, Viện Vật lý Địa cầu đưa ra khuyến cáo- Ảnh 2.

Động đất liên tiếp ở Kon Tum khiến người dân lo lắng.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, Kon Tum liên tục xảy ra động đất nguyên nhân chủ yếu là động đất kích thích do hồ chứa. Tại huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất bởi thông thường, khi một trận động đất lớn xảy ra thì sẽ kéo theo các trận động đất nhỏ. Sau trận động đất 5,0 độ, dự báo động đất vẫn xảy ra nhưng khó có khả năng lớn đến khoảng 5,5 độ.

Trong vài năm trở lại đây, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thường xuyên xảy ra động đất. Năm 2022, Viện Vật lý Địa cầu đã thực hiện khảo sát thực địa và có báo cáo bước đầu. Viện Vật lý địa cầu nhận định động đất khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra liên tiếp thời điểm đó là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.

Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3.9 độ. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7/2024 có độ lớn 5.0 độ, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4.7 độ.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết thêm, động đất có độ lớn từ 5.0-6.0 là động đất có độ lớn trung bình, có thể gây nên thiệt hại trung bình tới thiệt hại nặng cho các công trình xây dựng thiết kế kém, không gây thiệt hại đến thiệt hại nhẹ cho các công trình được thiết kế tốt.

Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát, đánh giá các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng của động đất và có giải pháp với các công trình này, tiếp tục tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng chống động đất cho người dân.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, có một số kỹ năng phòng, tránh rủi ro động đất cơ bản mà người dân cần nắm được. Theo đó, trước động đất, người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng… học cách bật, tắt ga, điện, nước.

Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu kệ trên giường hoặc đèn treo trên trần nhà có thể rơi xuống đầu, cần chui xuống gầm giường hoặc là di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi đã an toàn thì ra ngoài.

Đặc biệt, không sử dụng thang máy, nên sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu không may động đất xảy ra khi đang ở trong thang máy, cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ.

Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất .

Sau động đất, người dân cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng. Nếu bị kẹt trong đống đổ nát, cần gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ…

Vì sao động đất ở Kon Tum lại gây rung lắc ở nhiều tỉnh thành?Vì sao động đất ở Kon Tum lại gây rung lắc ở nhiều tỉnh thành?

SKĐS - Trận động đất mạnh 5.0 độ trưa nay tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay ghi nhận được ở khu vực này, với cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 2.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 29/7.


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn