Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi 11 thông báo động đất liên tiếp ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất xảy ra từ lúc 00 giờ 7 phút 01 giây đến 07 giờ 08 phút 07 giây ngày 29/7 với độ lớn lần lượt là: 2.8; 2.5; 2.9; 2.7; 2.8; 2.5; 2.7; 2.9; 3.2; 2.6 và 2.6.
Như vậy, tính từ trận động đất đầu tiên của ngày hôm qua (28/7) vào lúc 03 giờ 12 phút 14 giây, đến 07 giờ 8 phút 07 giây sáng nay (29/7), Kon Tum đã hứng chịu 32 trận động đất, trong đó trận mạnh nhất có độ lớn 5.0 xảy ra vào trưa ngày 29/7 gây rung lắc mạnh ở nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Như vậy, tính trung bình tại đây xảy ra hơn 1 trận động đất/giờ.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) đang theo dõi các trận động đất ở Kon Tum.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, chưa bao giờ ở Kon Tum lại liên tiếp xuất hiện nhiều trận động đất như thế. Trận động đất mạnh 5.0 độ trưa ngày 28/7 cũng là trận mạnh nhất từ trước đến nay ở đây ghi nhận được.
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ. Động đất kích thích là nguyên nhân gây ra trận động đất mạnh 5 độ ở Kon Plông ngày 28/7 và các trận động đất khác ở Kon Tum.
Từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó có những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7 có độ lớn 5 độ, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ.
TS Xuân Anh cho biết, theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ. Tuy nhiên vẫn cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.
Hiện nay Viện Vật lý địa cầu đang triển khai 11 trạm quan trắc tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.
"Hoạt động động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm.Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư", TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo Viện Vật lý địa cầu, thời gian tới, huyện Kon Plông có thể xảy ra động đất, độ lớn tối đa 5-5,5. Đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 155 trận động đất lớn hơn 2,5 độ, trong đó có 142 trận ở Kon Tum. Ngoài địa bàn Tây Nguyên, gần đây động đất cấp độ nhẹ cũng xảy ra Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 29/7 | SKĐS