Khuyến nghị từ chuyên gia y tế đảm bảo an toàn cho trẻ trên ô tô khi tham gia giao thông

30-05-2024 07:15 | Y tế

SKĐS - Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị trẻ em cao dưới 150cm và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế trước xe; Trẻ em bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy hoặc xe điện...

Khuyến nghị quan trọng của WHO: Không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời…

Trong khi đó, hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia áp dụng luật và quy định cụ thể để bảo vệ trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông.

Đến năm 2023, đã có 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm trẻ em ngồi ghế trước nếu không ngồi trong thiết bị an toàn trên xe ô tô; trong khu vực ASEAN, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 135 cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ.

Khuyến nghị từ chuyên gia y tế đảm bảo an toàn cho trẻ trên ô tô khi tham gia giao thông- Ảnh 1.

WHO khuyến nghị trẻ em cao dưới 150cm và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế trước xe.

Các chuyên gia về y tế công cộng và bảo vệ quyền lợi trẻ em đã nhấn mạnh những thông tin này khi chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo Phục hồi chức năng sau tai nạn thương tích tại TP Hà Nội do Trường Đại học Y tế Công cộng và Đại học Johns Hopkins cùng các đối tác tổ chức ở Hà Nội hôm qua, 29/5 mà Báo Sức khỏe và Đời sống đã thông tin.

Theo dự kiến, Quốc hội trong kỳ họp này sẽ thông qua Luật trật tự An toàn Giao thông đường bộ. Các chuyên gia dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về những nội dung cụ thể trong Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ cho biết: WHO khuyến nghị trẻ em cao dưới 150cm và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế trước xe; Trẻ em bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy hoặc xe điện.

WHO khuyến cáo tất cả trẻ em nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô. Dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước. Khi túi khí bung ra gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em ngồi ghế trước.

Do đó, từ thực tiễn của Việt Nam, tại Khoản 3, Điều 11 của dự thảo Luật, các chuyên gia đề nghị bổ sung nội dung "không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế" và bỏ nội dung "mà không có người lớn ngồi cùng".

Vì sao cần bỏ nội dung "mà không có người lớn ngồi cùng" với trẻ em được chở trên xe ô tô và trên xe máy? Theo các chuyên gia nếu không bỏ nội dung này sẽ gây hiểu lầm dây đai an toàn/thiết bị an toàn sẽ không cần dùng nếu có người lớn ngồi cùng trẻ. Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị thương nghiêm trọng.

85% người dân được hỏi đều đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em

Nghiên cứu ban đầu thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô thực hiện năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng qua quan sát 1.102 xe ô tô cá nhân và 1.457 trẻ em từ 0 - 10 tuổi tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, TS. Dương Kim Tuấn (Đại học Y tế công cộng) cho hay, có tới hơn 42% phụ huynh cho con ngồi ở ghế phụ trước trong xe ô tô, trong đó có 19,2% được người lớn ôm, bế ở ghế phụ.

Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn rất thấp ở cả 3 thành phố, chỉ chiếm 1,3% và cao nhất ở Hà Nội là 2,6%. Tỉ lệ sử dụng thiết bị an toàn ở Đà Nẵng chỉ chiếm 0,4%.

Khuyến nghị từ chuyên gia y tế đảm bảo an toàn cho trẻ trên ô tô khi tham gia giao thông- Ảnh 2.

Đã có 115 nước có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm trẻ em ngồi ghế trước nếu không ngồi trong thiết bị an toàn trên xe ô tô...

Khi được hỏi về vị trí trên xe an toàn nhất cho trẻ, 36% người trả lời cho rằng ngồi ghế sau là an toàn nhất, 28% cho rằng ngồi ghế trước và 27,8% cho rằng ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng là đáp án đúng nhất. Có tới 75,4% ủng hộ cần thiết có quy định bắt buộc về thiết bị an toàn trên xe.

Đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng, mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng đã thực hiện đánh giá tác động của việc bổ sung sửa đổi quy định, cho thấy người dân phản ứng rất tích cực với đề xuất này. Hiện nay mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng.

Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2020 - 2023, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%.

Theo đánh giá sơ bộ của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em tại Việt Nam từ 5 -14 tuổi: 1,9/100.000 trẻ; từ 0 – 4 tuổi: 1,4/100.000 trẻ

Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, do đó, cần sớm luật hóa với những quy định thiết thực về thiết bị an toàn, vị trí an toàn cho trẻ em.

Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được luật hóa và áp dụng hiệu quả trong Luật Trật tự an toàn Giao thông đường bộ, có thể làm giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô mỗi năm tại Việt Nam.

Bộ Y tế nhắc tăng kiểm tra, giám sát khám, cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xeBộ Y tế nhắc tăng kiểm tra, giám sát khám, cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe

SKĐS - Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Y tế Bộ, ngành tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc khám sức khỏe và cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe...

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn