TS Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã nhấn mạnh thông tin trên tại hội thảo khoa học và chia sẻ kinh nghiệm về công tác tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá của Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hôm nay -28/5.
Khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau
Thông tin tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được.
Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ tử vong sớm.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, trên toàn cầu ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.
Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.
Tại Việt Nam, những thành tựu về phòng chống tác hại thuốc lá có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Chia sẻ thêm thông tin, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, trên khắp thế giới lo lắng vì nguy cơ giảm lợi nhuận từ thuốc lá thông thường, ngành công nghiệp đang tích cực thúc đẩy các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới để tuyển dụng những người hút thuốc trẻ tuổi.
Đó là lý do tại sao Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay - 31/5 được chọn chủ đề là "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá".
Khoảng 58 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
TS Angela Pratt nhấn mạnh không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng giúp mọi người cai thuốc lá. Trên thực tế, điều ngược lại là các sản phẩm này đưa nicotin tới mọi người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - khiến họ bị lôi cuốn, bị nghiện nicotin.
"Việc quản lý hoặc hạn chế các sản phẩm này là vô cùng khó khăn. Các quốc gia đã cố gắng thử tìm cách quản lý, như quê hương tôi, Úc, đã không thể ngăn cản thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng các sản phẩm này.
Một trong những thách thức là làm thế nào để định nghĩa một sản phẩm mà nó không ngừng biến đổi, nhằm thu hút nhiều người tiêu dùng hơn và khai thác các lỗ hổng trong bất kỳ quy định quản lý nào"- TS Angela Pratt nói.
Một thách thức khác theo TS Angela Pratt cần có các cơ sở để kiểm nghiệm các sản phẩm và năng lực thực thi để đảm bảo các quy định được thực thi nghiêm ngặt.
"Vì những lý do này, ngày càng có nhiều quốc gia, khoảng 40 quốc gia - đã cấm thuốc lá điện tử, và 18 quốc gia đã cấm các sản phẩm thuốc lá nung nóng" - Trưởng Đại diện WHO thông tin, đồng thời nhấn mạnh: Cách duy nhất để bảo vệ hiệu quả giới trẻ Việt Nam khỏi tác hại sức khỏe của các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là cấm hoàn toàn.
Sự xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, nung nóng ảnh hưởng đến công tác tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá
PGS.TS Vũ Văn Giáp cho biết, bệnh viện Bạch Mai được Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối thực hiện hoạt động, hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở y tế các tuyến về lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Từ năm 2015 đến nay, Chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bệnh viện Bạch Mai đã nỗ lực thực hiện các hoạt động tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá qua Tổng đài tư vấn miễn phí 1800.6606, tư vấn chuyên sâu và tư vấn ngắn cho người bệnh, đào tạo, tập huấn về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế tại 63 tỉnh/ thành phố, cùng nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và hướng dẫn các biện pháp cai nghiện thuốc lá.
Cùng với Bệnh viện Bạch Mai, ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá thông tin thêm, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ thành lập và duy trì Tổng đài Tư vấn cai nghiện thuốc lá 1800-1224 tại Bệnh viện nhân dân Gia Định; tổ chức phòng tư vấn cai nghiện tại 10 bệnh viện trên toàn quốc, thí điểm mô hình như phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá lồng ghép với phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại một số cơ sở y tế tuyến huyện.
Hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá cho người dân cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kết quả điều tra hút thuốc lá trong người trưởng thành (trên 15 tuổi) PGATS cho thấy tỷ lệ người dân được cán bộ y tế tư vấn bỏ thuốc tăng từ 40,5% năm 2015 lên 90% năm 2023.
Theo báo cáo của 10 bệnh viện nhận hỗ trợ của Quỹ, trong giai đoạn 2015-2023, đã có hơn 208.000 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá. Trong số hơn 50.000 bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu cai nghiện thuốc lá, đã có 8.630 người đã cai nghiện thành công trong 3 tháng; 3.200 người cai nghiện thành công trên 1 năm.
Mặc dù vậy, theo ThS Phan Thị Hải, công tác tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá cho người dân vẫn còn hạn chế, phần lớn các cơ sở khám, chữa bệnh khác chưa chủ động tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện một cách thường xuyên và bài bản, chủ yếu là do các cơ sở y tế được Quỹ hỗ trợ tổ chức thực hiện...
Trong khi đó, nhu cầu cai thuốc lá của người dân khá cao, cụ thể theo điều tra PGATS năm 2023, tỷ lệ người hút thuốc có mong muốn bỏ thuốc là 50,5%; Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng ảnh hưởng đến công tác tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá...
Năm 2024, bằng việc chọn thông điệp "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá" làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, WHO kêu gọi, Thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe vì có chất gây ung thư hoặc thành phần gây ung thư và có nicotine là chất gây nghiện.
Chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của các sản phẩm độc hại này, đồng thời bảo vệ sức khoẻ cho người dân.