Việc đi lễ chùa dù là để cầu an, cầu lộc hay tạ lễ thì cũng đều giúp cho con người ta cảm thấy tâm mình thanh thản, an lành hơn.
Miền Bắc có nhiều đền, chùa được cho rằng rất linh thiêng với khung cảnh độc đáo, hữu tình, thu hút đông đảo khách thập phương tới hành lễ, tham quan đầu năm... Hãy cùng tìm hiểu một số đền chùa nổi tiếng linh thiêng ở miền Bắc đông nghịt người đi lễ dịp đầu năm ngay sau đây:
Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)
Đây là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng về cầu lộc kinh doanh, làm ăn buôn bán, nằm ở tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội 25 km.
Có thể nói, đây là ngôi đền được rất nhiều người tin tưởng khi đến xin lộc đầu năm, chính vì thế mà cuối năm nào cũng có không ít người ùn ùn kéo về xin trả lễ đã vay của Bà Chúa Kho.
Theo lời người xưa truyền lại, Bà Chúa Kho vốn là một người phụ nữ vừa xinh đẹp lại vừa đảm đang. Nhan sắc của bà được nhiều người biết đến, nhưng cũng chưa là gì so với tài năng nổi danh tứ phương của bà.
Bà Chúa Kho có tài sắp xếp tổ chức sản xuất lao động, đồng thời biết chỉ huy mọi người dân tích trữ lương thực, bảo vệ kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt năm 1076.
Chẳng những thế, bà còn là người có công lớn trong việc chiêu dân dựng làng lập xóm, gây dựng lên vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Đồng… biến những vùng đất hoang hóa thành những mảnh đất màu mỡ, thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp…
Bà cũng chính là hoàng hậu thời nhà Lý, là bậc nữ tướng ẩn danh có công giúp nhà vua làm tốt việc kinh bang tế thế, giữ gìn kho lương. Tuy nhiên, bà không may bị giặc giết hại khi đang làm nhiệm vụ phát lương thực cứu giúp người dân trong cảnh loạn lạc.
Nhà vua vô cùng thương tiếc và cảm kích trước công lao to lớn của bà nên đã sắc phong bà làm Phúc Thần. Người dân Cô Mễ - vùng đất mà Bà Chúa Kho có công khai khẩn lập đất vẫn nhớ ơn sâu của bà nên lập nên ngôi đền thờ bà ở vị trí kho lương khi trước, chính vì thế mà ngôi đền có tên là đền Bà Chúa Kho.
Ngày nay, đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng núi Kho thuộc khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, là địa chỉ tín ngưỡng tâm linh của nhân dân khắp cả nước.
Chùa Hương (Hà Nội)
Chùa Hương là một trong những ngôi chùa tâm linh nổi tiếng ở miền Bắc, đặc biệt là vào dịp đầu xuân năm mới. Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là một hệ thống các công trình văn hóa – tôn giáo Việt Nam, bao gồm nhiều chùa Phật, đền thần, đình làng, thờ các vị thần liên quan đến nông nghiệp. Hương Sơn nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bên bờ phải sông Đáy.
Chùa Hương với sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc, cùng núi non hùng vĩ và chùa chiền cổ kính tạo nên một khung cảnh đẹp như tranh vẽ, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đến chùa Hương, mọi người không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa, mà còn có thể cảm nhận được không khí tâm linh và bình yên ở đây.
Năm nay, Lễ hội Chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 11/02/2024 đến hết ngày 11/5/2024 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4/4 năm Giáp Thìn). Khai hội chính thức ngày 15/2/2024, tức ngày mùng 6 tháng Giêng tại Sân chùa Thiên Trù - Chùa Hương.
Đền Trần (Nam Định)
Đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa là 3 công trình kiến trúc chính ở đây. Tọa lạc trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng thành phố Nam Định, đền Trần năm nào cũng chật cứng du khách về xin ấn ngày rằm tháng Giêng. Nhiều người tin rằng có ấn đền Trần sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp.
Theo tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h của ngày 14 tháng giêng. Vì vậy hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau cũng chỉ mong xin được ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Để xin được Ấn vua ban lúc nửa đêm, người dân phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu, hoặc đến thời điểm khai Ấn.
Ngoài xin ấn, dâng hương, khách đến đền ngày khai hội còn được trải nghiệm các hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo như chọi gà, diễn võ, hát văn... Để tránh đông đúc, nhiều du khách chọn đi lễ trước một ngày.
Yên Tử (Quảng Ninh)
Đỉnh thiêng Yên Tử xưa nay vẫn luôn nổi tiếng là một trong những khu du lịch tâm linh đẹp và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ sở hữu quần thể chùa chiền rộng lớn, linh thiêng, mà còn khiến du khách phải mê đắm bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Mặc dù có thể tham quan Yên Tử bất cứ lúc nào trong năm nhưng khoảng thời gian lý tưởng nhất để khám phá nơi đây là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là lúc tại Yên Tử diễn ra những lễ hội cực kỳ đặc sắc, thu hút hàng vạn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về tham quan, lễ bái.
Chùa Yên Tử nằm trên ngọn núi Yên Tử, độ cao 1.068m, thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Dưới thời vua Trần Nhân Tông vào khoảng thế kỷ XIII nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên, với pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Ngày nay, chùa Yên Tử trở thành địa chỉ hành hương của nhiều Phật tử và những người theo tín ngưỡng đạo Phật, dịp đầu xuân năm mới du khách về đây để vãn cảnh và cầu may.
Bái Đính (Ninh Bình)
Chùa Bái Đính được biết đến như một nơi cầu may đầu năm yêu thích của nhiều người. Khi đi làm lễ cầu may đầu năm tại ngôi chùa này nhiều doanh nhân thường kết hợp với việc đi du lịch tại khu danh thắng Tràng An.
Chùa Bái Đính hiện đang nắm giữ rất nhiều kỷ lục: tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất, chuông đồng lớn nhất, chùa rộng nhất Việt Nam, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam…
Từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch là thời điểm đẹp nhất để đi Bái Đính Tràng An. Tại thời điểm này, Bái Đính cũng diễn ra rất nhiều các lễ hội lớn. Đến đây, đi dọc trên khoảng sân vắng lặng, cảm nhận không gian yên tĩnh, tâm hồn ta bỗng trở nên nhẹ nhõm hơn để khởi đầu một năm mới đầy bình an, may mắn hơn.
Đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)
Đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, là nơi linh thiêng có tiếng thờ bà chúa Thượng Ngàn. Đây là một trong hai ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng nhất tại miền Bắc. Cách thị trấn Hữu Lũng khoảng 10 km, đền nằm trên đồi cao, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi.
Cũng giống như bất cứ ngôi đền thờ Mẫu nào, đền Bắc Lệ thờ Công đồng tứ phủ và các Chư Linh ở bốn miền vũ trụ. Tuy nhiên, đền Bắc Lệ này gần gũi với tín ngưỡng dân gian từ xa xưa, thân thiện với người dân bản địa bởi gắn liền với văn hóa địa phương.
Trải qua bao tháng năm lịch sử, mưa nắng, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc xưa và những di vật cổ có giá trị. Các hàng cột bằng gỗ liền khối vẫn còn giữ nét nguyên sơ tạo thêm cho đền sự ấm cúng, linh thiêng và gần gũi.
(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.