Phong tục ăn đậu đỏ ngày lễ Thất tịch bắt nguồn từ đâu?
Bắt nguồn từ câu chuyện tình cảm động của Ngưu Lang - Chức Nữ, ngày lễ Thất tịch 7/7 âm lịch hằng năm trở thành lễ tình nhân ở một số quốc gia phương Đông.
Lễ Thất tịch tại Trung Quốc gắn liền với rất nhiều món ăn, phổ biến nhất là bánh xảo quả (qiaoguo). Đây là món bánh được làm từ bột mỳ, đường và mật ong. Người ta tin rằng, ăn bánh xảo quả sẽ giúp đôi uyên ương đoàn tụ trên cầu Ô Thước.
Tại Việt Nam, thói quen ăn đậu đỏ ngày Thất tịch đang vô cùng phổ biến. Tuy vậy thực tế, đây không phải là tập tục lâu đời được bắt nguồn từ Trung Quốc.
Ở đất nước tỷ dân, đậu tương tư còn được gọi là "Hồng đậu", mới là loại đậu được coi là biểu tượng mang ý nghĩa tình yêu. Có lẽ do cùng sở hữu sắc đỏ mà khi về Việt Nam, nhiều người lại lầm tưởng đây là đậu đỏ.
Trong đó, đậu tương tư có kích thước nhỏ bằng đầu ngón tay út, dáng giống hình tròn và có phần vỏ bóng. Với tính chất sắc đỏ tươi như huyết không phai, rắn chắc như kim cương và ít bị hư hại, không bị sâu mọt loại đậu này được người dân Trung Quốc coi là biểu tượng của tình yêu bền chặt, chân thành.
Một số địa phương miền nam Trung Quốc chọn đậu tương tư làm lễ vật đầu tiên, tặng cho trẻ em để biểu thị ý nghĩa bình yên, trừ tà.
Những đôi nam nữ thanh niên chưa kết hôn tặng cho nhau đậu tương tư biểu thị sự yêu thương. Còn những đôi nam nữ đã kết hôn xem đậu tương tư tượng trưng cho thiên trường địa cửu. Người thân tặng cho nhau đậu tương tư biểu hiện sự nhớ nhung.
Mỗi khi gặp lễ tình nhân, đậu tương tư càng là một lễ vật quý báu, nó là một sự lựa chọn không thể nào khác ngoài hoa hồng.
Như vậy, thay vì nấu chè, làm bánh đậu đỏ vào lễ Thất tịch như ở Việt Nam, người Trung Quốc thường sử dụng hạt đậu tương tư để làm thành vòng tay, vòng cổ, cho vào túi nhỏ làm thành quà tặng trang trí cho đối phương.
Chính vì thế, không có tính xác thực nào cho thói quen "ăn đậu đỏ để có người yêu" vào ngày lễ này. Có lẽ đây chỉ là cách "cầu may" về tinh thần, giúp các bạn trẻ sớm tìm thấy nửa kia phù hợp của mình.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ không còn quá tin vào truyền thuyết ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ thoát độc thân. Tuy nhiên, giới trẻ vẫn hưởng ứng thói quen ăn chè đậu đỏ vào ngày này như một cách lưu truyền nét đẹp văn hóa.
Ý nghĩa của mỗi hạt hồng đậu trong tình yêu
Tại Trung Quốc có hơn chục loại hạt "hồng đậu". Trải qua năm tháng, người Trung Quốc lại khoác thêm cho hồng đậu những hàm ý tượng trưng. Mỗi hạt hồng đậu ngầm mang một thông điệp của tình yêu.
Chẳng hạn như 1 hạt hồng đậu thay cho câu nói: "Trong lòng anh chỉ có một mình em".
2 hạt hồng đậu mang ý nghĩa "Đôi ta như chim liền cánh".
3 hạt hồng đậu là câu nói "Anh yêu em".
Còn giả như có ai đó đem tặng bạn một túi gồm 99 hạt hồng đậu tức là để thay cho câu nói "Thiên trường địa cửu" (Tình đôi ta lâu dài như trời đất).
Ngoài ra, hạt hồng đậu còn một số các thông điệp khác như:
10 hạt: Yêu em toàn tâm toàn ý
11 hạt: Một lòng một dạ yêu em
13 hạt: Em yêu, xin hãy đón nhận tình yêu của anh
17 hạt: Bên em suốt đời
18 hạt: Thanh xuân mãi mãi
19 hạt: Yêu đến tận cùng
21 hạt: Yêu nhất là em
22 hạt: Trong em có anh, trong anh có em
33 hạt: 3 đời 3 kiếp bên nhau
36 hạt: Tình yêu của anh chỉ có em
66 hạt: Yêu em mãi không đổi thay
100 hạt: Bách niên giai lão; hoặc là Yêu em một vạn năm
999 hạt: Anh là người hạnh phúc nhất trên thế gian này
Hồng đậu ban đầu là để tượng trưng cho sự thương nhớ, tương tư dần dần nó trở thành tín vật của tình yêu. Nhờ hồng đậu người ta gửi gắm tình yêu đến đối phương.