Khi Tổng Bí thư đi họp lớp: “Xin cho tôi để mọi chức sắc bên ngoài cánh cửa”

23-07-2024 08:38 | Thời sự
google news

"Tôi đến đây với tư cách là bạn bè đồng môn của các anh, các chị và là học trò của các thầy. Ở đây không có chỗ cho quan trường. Xin cho tôi để hết mọi chức sắc ở ngoài cánh cửa."

Khi Tổng Bí thư đi họp lớp: “Xin cho tôi để mọi chức sắc bên ngoài cánh cửa”- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng họp lớp cùng các bạn Khóa 8, Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Là một Tổng Bí thư, người lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhưng trong mắt bạn bè đồng môn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn là người bạn học gần gũi, dễ mến, khiêm tốn và giản dị.

Người bạn hiền hậu, khiêm nhường

Kể về những năm tháng học chung khóa 8 Văn khoa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đình Thảo, nguyên Phó trưởng Ban Tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam, Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tin tức, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Le Courrier du Vietnam và nguyên Trưởng ban thường trú Thông tấn xã tại Hà Nội bảo đó là những ngày tháng rất đáng nhớ. 

Ông đã học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 3 năm trước khi tốt nghiệp sớm để trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phục vụ chiến trường.

“Trong kỷ niệm của tôi, anh Trọng là bạn sinh viên tốt bụng, hiền lành, nhân hậu, dễ tính và rất chăm học. Trọng nói năng nhẹ nhàng, tính tình điềm đạm, chu đáo nên được bạn bè, thầy cô vô cùng quý mến. Các thầy như Giáo sư Đinh Gia Khánh, Giáo sư Nguyễn Kim Đính, nhà giáo Nguyễn Ngọc Sơn… đều có ấn tượng rất tốt và đánh giá anh rất cao.”

Năm 1965, trước nguy cơ giặc đánh phá Hà Nội dữ dội, Trường Đại học Tổng hợp sơ tán về xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, sinh viên Nguyễn Phú Trọng được gia đình cụ Loan nuôi dưỡng suốt hai năm. “Hai năm đó, anh đã để lại tình cảm đặc biệt với người dân Vạn Thọ nói chung và gia đình cụ Loan nói riêng. Những người nuôi dưỡng anh khi ấy giờ đã không còn, nhưng con cháu cụ vẫn nhắc nhớ và coi anh Trọng như người thân trong gia đình,” ông Thảo chia sẻ.

Bồi hồi nhớ về người bạn cũ, ông Thảo bảo cậu bạn học năm xưa dù đã ở cương vị đứng đầu đất nước nhưng vẫn rất chan hòa, chu đáo với bạn bè. Bạn nào mời đám cưới con, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhận lời và tranh thủ thời gian đến chúc mừng. Trong những năm qua, lớp Văn khoa khóa 8 của Trường Đại học Tổng hợp năm xưa đều tổ chức họp lớp thường niên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một thành viên rất chăm đi họp lớp, chỉ vắng khi đau ốm hay bận công tác.

Khi Tổng Bí thư đi họp lớp: “Xin cho tôi để mọi chức sắc bên ngoài cánh cửa”- Ảnh 2.

Ông Trần Đình Thảo xem lại ảnh họp lớp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Mỗi lần họp lớp, anh đều yêu cầu tất cả những người giúp việc của Văn phòng Trung ương Đảng, cần vụ, bác sỹ, bảo vệ của anh ở bên ngoài. Chúng tôi rất xúc động khi anh bảo: ‘Tôi đến đây với tư cách là bạn bè đồng môn của các anh, các chị và là học trò của các thầy. Ở đây không có chỗ cho quan trường. Xin cho tôi để hết mọi chức sắc ở ngoài cánh cửa.’ Có lần, tôi hỏi đùa anh đã đóng quỹ chưa, anh cười nhỏ nhẹ nói đã đóng đầy đủ rồi, đóng như mọi người,” ông Thảo kể.

Người lãnh đạo kiên cường, xuất sắc

Ở góc độ một nhà báo, một Đảng viên, theo sát mọi tình hình kinh tế, chính trị của đất nước, lại có những năm tháng phụ trách trực tiếp Phân xã Hà Nội của Thông tấn xã Việt Nam đúng giai đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị Bí thư thành ủy Hà Nội, ông Trần Đình Thảo nhận định thành tựu trong cuộc đời công tác của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có hai điều rất quan trọng, trở thành thương hiệu, dấu ấn, phong cách Nguyễn Phú Trọng.

Thứ nhất là công cuộc chống tham nhũng. Tổng Bí thư đã tổ chức, chỉ đạo, đưa cuộc đấu tranh chống tham nhũng trở thành cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Nếu không có sự quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không thể có các trường hợp nhiều ủy viên Bộ Chính trị bị buộc phải từ nhiệm, bị thi hành kỷ luật, cách chức, thậm chí đi tù.

Thứ hai là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo công tác ngoại giao đạt những thành tựu to lớn, dung hòa được các mối quan hệ quốc tế phức tạp, đặc biệt là xây dựng giữ quan hệ hữu nghị đặc biệt với ba cường quốc Nga, Trung Quốc và Mỹ mà Tổng Bí thư đã đúc kết thành chiến lược “ngoại giao cây tre.”

“Từ việc quốc gia đại sự của Đảng đến việc nhỏ nhặt trong cuộc sống của những người bạn đồng môn cách đây đã 60 năm, ông đều tận tình, chu đáo. Với tư cách là một người bạn học, Nguyễn Phú Trọng là một người bạn rất đáng mến. Với tư cách một cán bộ, một Đảng viên, tôi đánh giá đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một cán bộ, một người lãnh đạo kiên cường, xuất sắc của Đảng. Đồng chí đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân Việt Nam trong hơn 14 năm tại vị với tư cách Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn có thể tự hào về những cống hiến của mình cho đất nước, cho Đảng, cho dân tộc Việt Nam,” ông Trần Đình Thảo xúc động nói.


Theo TTXVN/Vietnam+
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn