Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của người dân thôn Lại Đà

22-07-2024 13:19 | Thời sự

SKĐS - Trong tâm trí của những người dân nơi quê hương Lại Đà (xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội), Tổng Bí thư là một nhân cách lớn của dân tộc, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, và cũng là một con người giản dị, khiêm nhường.

Thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) nằm nép bên bờ sông Đuống có căn nhà nhỏ nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên.

Trong ký ức của người dân thôn làng, đặc biệt là các cụ cao niên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là người lãnh đạo giản dị, đáng kính và cũng là người hàng xóm gần gũi, thân tình. Từ khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, bà con Lại Đà không khỏi thương nhớ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của người dân thôn Lại Đà- Ảnh 1.

Đường vào thôn Lại Đà, xã Đông Hội.

Bà Nguyễn Thị Đỉnh – một người dân trong thôn xúc động: “Chúng tôi đều biết cụ đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, cụ làm việc tới cuối đời không ngơi nghỉ. Bà con thương tiếc cụ, cảm giác như mất đi người thân trong chính gia đình mình! Trong kí ức của tôi, cụ là người giản dị và gần gũi lắm. Nhớ hồi còn trẻ, tôi gặp cụ trên chuyến đò, cụ đã hỏi thăm và còn gửi tiền đò cho tôi. Sau này khi cụ xây tường nhà, chỉ rơi vãi vài viên gạch, cụ cũng đi nhặt từng viên cất cho gọn gàng”.

Nhiều bậc cao niên trong làng kể lại, ngần ấy năm công tác là ngần ấy thời gian Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hướng lòng mình về nơi chôn rau cắt rốn. Mỗi lần Tổng Bí thư về thăm quê là mỗi lần người dân được trò chuyện, bắt tay và được nghe những lời động viên thân tình.

“Bao năm nay cụ vẫn như thế, vẫn luôn gắn bó với quê hương. Cụ luôn luôn gần gũi và thân thiết với bà con lối xóm!” - bà Lương Thị Thành bồi hồi lục lại kí ức khi nghĩ về Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của người dân thôn Lại Đà- Ảnh 2.

Bà Lương Thị Thành, người dân thôn Lại Đà.

Cho tới tận bây giờ, bà không bao giờ quên được lần gặp gỡ tình cờ sau nhiều năm Tổng Bí thư xa quê trở về. Bà kể: “Xưa kia Tổng Bí thư học cùng với chú tôi, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chú tôi và cụ ngồi trò chuyện chung trên tấm phản. Sau này, có lần đi cắt lúa, trên đường tôi vô tình được gặp cụ. Cụ hỏi han, động viên tôi chăm chỉ lao động. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện ngắn ngủi ấy. Cụ luôn luôn như thế, cứ hễ về quê là chẳng bao giờ có khoảng cách với bà con lối xóm”.

Nhớ dịp Xuân Nhâm Thìn 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm quê hương và chúc thọ Chi hội Người cao tuổi thôn Lại Đà. Vinh dự là một trong những người được đón tiếp và bắt tay với Tổng Bí thư năm ấy, ông Nguyễn Thế Quý xúc động nhớ lại: “Lần gặp ấy đối với tôi là một vinh dự vô cùng. Mấy ngày hôm nay tôi thường mở hình ảnh chụp cùng với Tổng Bí thư để bạn bè, người thân của tôi được nhìn ngắm lại. Bác vô cùng chân thành giản dị. Khi về tới quê, bác dừng xe rồi đi bộ vào nhà, gặp ai bác cũng chào hỏi, để mọi người bắt tay và chụp ảnh. Cử chỉ ấy không ai nghĩ đó là một vị lãnh đạo cấp cao”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của người dân thôn Lại Đà- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thế Qúy (ngoài cùng bên phải) nhớ như in cái bắt tay của Tổng Bí thư năm 2012.

Sau cơn mưa rào tháng 7, người dân thôn Lại Đà, từ cụ già đến em nhỏ, lại tỏa ra khắp các đường làng ngõ xóm. Không ai bảo ai, tất cả cùng nhau làm sạch từng ngõ ngách, chuẩn bị cho công việc trọng đại.

Tại đình làng Lại Đà, ông Nguyễn Phú Luận chia sẻ về sự mất mát lớn lao của quê hương khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Ông cho biết, Tổng Bí thư và Phu nhân thường xuyên tham gia sinh hoạt cùng hội người cao tuổi trong thôn. Gia đình Tổng Bí thư luôn giữ nếp sống cần kiệm, giản dị, và gần gũi với bà con làng xóm, thân tình với những người bạn đồng trang lứa...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của người dân thôn Lại Đà- Ảnh 4.

Bà con nhân dân trong thôn dọn dẹp đường làng ngõ xóm.

Những ai đã từng gặp và trò chuyện với Tổng Bí thư đều nhớ mãi nét mặt hiền hậu và giọng nói ấm áp. Ông Nguyễn Phú Việt, Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà và là trưởng họ Nguyễn trong thôn cũng vô cùng xúc động nhớ lại những lần Tổng Bí thư về thăm quê:“Mỗi lần về thăm quê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian thắp hương tổ tiên, trò chuyện với các bậc cao niên trong làng và chúc sức khỏe toàn thể người dân Lại Đà”.

Với thế hệ trẻ, hình ảnh Tổng Bí thư hiện lên như một người ông đáng kính và hiền từ. Là học sinh vinh dự được có mặt trong dịp Tổng Bí thư về thăm quê, em Nguyễn Thanh Trúc, học sinh Trường THCS Đông Hội nhớ lại: “Trong dịp Tổng Bí thư về thăm, chúng cháu được Tổng Bí thư thăm hỏi về kết quả học tập, động viên và khích lệ rất nhiều”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của người dân thôn Lại Đà- Ảnh 5.

Tổng Bí thư dành những tình cảm đặc biệt cho người cao tuổi thôn Lại Đà.

Không chỉ người dân địa phương bày tỏ niềm thương tiếc, mà nhiều người từ các vùng lân cận cũng tìm về quê nhà của Tổng Bí thư để tưởng nhớ. Ông Đỗ Văn Tri quê Văn Giang, Hưng Yên tâm sự: “Tôi chỉ là một người dân bình thường, nhưng tôi luôn biết rằng Tổng Bí thư đã cống hiến cả đời cho đất nước, là người lãnh đạo dẫn dắt Việt Nam ta phát triển và ổn định. Sau khi hay tin Tổng Bí thư về với tiên tổ, tôi vô cùng thương tiếc. Gặp ai, ngồi trò chuyện cùng ai tôi cũng nhắc đến Tổng Bí thư".

Trọn cuộc đời mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Người dân Lại Đà, nhân dân cả nước và cả bạn bè quốc tế sẽ luôn trân trọng nhớ về Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng – một nhân cách lỗi lạc và kiệt xuất. 

Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 07 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút ngày 25 tháng 7 năm 2024 và từ 07 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024.

Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Phan Ngân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn