“Tôi bị đau mắt (viêm kết mạc), đi khám bảo hiểm 3 lần không bớt vì cho thuốc không đúng hoặc quá nhẹ. Khi đi khám dịch vụ tại viện mắt thì tốn rất nhiều tiền nhưng lại khỏi bệnh. Xin hỏi Bộ trưởng vậy mua bảo hiểm nên không và nếu cứ khám và tin vào bảo hiểm thì bệnh không khỏi và tiền đóng đó dùng vào việc gì? Tôi thật sự mất lòng tin vào bảo hiểm y tế”. Đây là câu hỏi mà bạn đọc Lê Quôc Hai (58 tuổi, Dienlanhquochai@...) đặt ra với Bộ trưởng Bộ Y tế trong buổi giao lưu trực tuyến cuối năm tại báo Tuổi trẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trả lời thắc mắc trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Trước hết tôi xin khẳng định là không có sự phân biệt trong khám, chữa bệnh giữa người bệnh có thẻ BHYT hay người bệnh "dịch vụ".
Việc xác định chẩn đoán bệnh và cho thuốc điều trị của thầy thuốc phụ thuộc vào từng giai đoạn và diễn biến của bệnh. Vì bạn đọc không cho biết là 3 lần đi khám bệnh BHYT là khám ở đâu và bác sĩ kê đơn những thuốc gì nên chưa có đủ cơ sở để kết luận bệnh không khỏi là do cho thuốc không đúng hay quá nhẹ.
Thực tế đã chứng minh, BHYT là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội và là cơ chế tài chính y tế bền vững cho chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sau 3 năm thực hiện, Luật BHYT đã đi vào cuộc sống và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến nay tỷ lệ tham gia BHYT đã đạt 69%, hàng năm có khoảng 120-130 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, chi phí khám chữa bệnh BHYT ở đa số các đơn vị đã chiếm khoảng 60-70% tổng chi phí cho khám chữa bệnh.
Đối với mỗi cá nhân tham gia BHYT, bình quân đóng 1 năm khoảng 500.000đ nhưng rất nhiều bệnh nhân được thanh toán hàng trăm triệu/ năm (ví dụ mỗi năm quỹ BHYT chi trả bình quân 80-100 triệu/ năm cho 1 bệnh nhân chạy thận nhân tạo).
Vì vậy, tham gia BHYT trước hết là để tự bảo vệ cho bản thân, phòng khi đau ốm thì có nguồn tài chính để chi trả chi phí khám, chữa bệnh.
Số tiền đóng BHYT hôm nay không sử dụng thì để dự phòng cho ngày mai vì trong cả cuộc đời không ai tránh được đau ốm bất thường; nếu bản thân may mắn không ốm đau thì cũng là để tương trợ cho những người không may bị bệnh trọng. Vì vậy, mọi người cần tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT.
Về sử dụng tiền đóng BHYT, Bộ trưởng cho biết thêm, theo quy định của Luật BHYT, 90% số tiền thu của người tham gia BHYT được sử dụng để chi trả chi phí khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT; 10% còn lại để dự phòng chi cho khám, chữa bệnh và chi cho công tác tuyên truyền vận động và quản lý của cơ quan BHXH Việt Nam để thực hiện chính sách BHYT.
Vấn đề bạn đọc Lê Văn Long, 24 tuổi (dragonlong206@...) hỏi về sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh thì thường chất lượng dịch vụ không cao và phải chờ đợi lâu, Bộ trưởng cho biết, theo quy định việc khám, chẩn đoán và điều trị phải căn cứ trên tình trạng bệnh tật và tuân thủ quy trình, phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành, không có sự phân biệt giữa hai nhóm đối tượng này. Thẻ bảo hiểm y tế không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, mà chỉ là phương tiện để thanh toán chi phí khám chữa bệnh
Tuy nhiên, do cơ chế và thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế khác với khám dịch vụ nên người bệnh khi đến khám chữa bệnh cũng phải tuân thủ theo một số quy định riêng (kê khai giấy tờ, sổ sách và thanh toán).
Trong thời gian qua, với mục đích từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh nói chung và người bệnh bảo hiểm y tế nói riêng khi đi khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh triển khai Quyết định 1313 hướng dẫn quy trình khám bệnh thực hiện các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh.
Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không ban hành thêm các quy định, thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế để không làm tăng thủ tục hành chính cũng như khối lượng công việc của các bên.
Nguồn: Tuổi trẻ