Hà Nội

Huyền thoại Hồ Chí Minh trong trái tim Ấn Độ

18-05-2010 15:40 | Quốc tế
google news

SKĐS - "Hồ Chí Minh là một trong những vĩ nhân kiệt xuất nhất của mọi thời đại. Điều kỳ diệu nhất là vị lãnh tụ ấy có khả năng cảm hóa và làm rung động trái tim của bất kỳ người dân nào ở mỗi nơi ông tới.

"Hồ Chí Minh là một trong những vĩ nhân kiệt xuất nhất của mọi thời đại. Điều kỳ diệu nhất là vị lãnh tụ ấy có khả năng cảm hóa và làm rung động trái tim của bất kỳ người dân nào ở mỗi nơi ông tới. Không chỉ tôi mà tất cả thần dân của vương quốc Ấn Độ đều cảm phục Người bởi tấm lòng bao dung và nhân ái từ trong tim". Nghe Geetesh Sharma - vị nhà báo nổi tiếng của Ấn Độ nói tới đó, chúng tôi không sao ngăn được những dòng cảm xúc trào dâng mãnh liệt.

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới đã tới Việt Nam để bày tỏ tình cảm yêu mến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, trong đó có Geetesh Sharma, một nhà báo Ấn Độ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ -Việt Nam. Ông là tác giả của công trình nghiên cứu "Các mối quan hệ Ấn Độ -Việt Nam, thế kỷ I đến thế kỷ XXI" và "Hồ Chí Minh, sứ giả của hòa bình, độc lập, và hạnh phúc". Năm 2004, ông vinh dự nhận Huy chương "Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc" do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao.

Gặp gỡ chúng tôi trong một chiều Hà Nội đầy nắng , Geetesh Sharma xuất hiện với bộ quần áo trắng và đôi xăng-đan giản dị. Nhẹ nhàng nở nụ cười thân thiện, ông lão râu tóc bạc phơ ấy bắt đầu kể về Hồ Chủ tịch trong niềm hân hoan, vui sướng.

 

Trở lại Việt Nam, nhà báo Geetesh Sharma mang theo nhiều hiện vật về Bác Hồ

 

Vị vua sẵn sàng từ bỏ ngai vàng

Chuyện kể rằng, trong chuyến viếng thăm Kolkata (Ấn Độ) lần đầu tiên của mình năm 1958, tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi một ngày hai đêm nhưng Hồ Chủ tịch đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Kolkata bởi cốt cách giản dị, thân thiện và gần gũi của một vị lãnh tụ. Bác Hồ khi đó đã nồng nhiệt bắt tay những người dân nghèo, lái xe, và trò chuyện với họ vô cùng thân thiện, gọi họ là những người bạn, người đồng chí là điều hiếm thấy trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Quả thực Bác vừa như vị vua đáng kính lại vừa không hề giống một vị vua chút nào.

Kể lại câu chuyện thảm đỏ ngai vàng trong cuộc mít-tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, chủ nhà Ấn Độ trải sẵn tấm thảm đỏ để tiếp đón Hồ Chủ tịch nhưng Người đã dứt khoát từ chối bước đi trên tấm thảm đó. Không chỉ vậy các bạn Ấn Độ còn chuẩn bị sẵn một chiếc ghế vàng dành riêng cho Bác trên bục danh dự. Đó quả thực là một chiếc ngai vàng rất đồ sộ, lộng lẫy. Ấy vậy mà Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Jawaharlal Nerhu thì chỉ ngồi trên một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi đích thân Thủ tướng Nerhu mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó, Người đã kiên quyết từ chối. Thấy vậy, Thủ tướng Nehru nói: "Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi mà".

Hàng vạn người dự mít-tinh phía dưới quảng trường chứng kiến điều này đều sửng sốt nhìn nhau. Họ đứng cả lên để xem hai vị lãnh tụ của hai nước nhường nhau chiếc ghế vàng, và rồi cuối cùng chẳng ai chịu ngồi lên chiếc ngai ấy. Thủ tướng Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Trong khoảnh khắc ấy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường đã cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: "Hồ Chí Minh muôn năm!", “Hồ Chí Minh muôn năm!". Chuyện này được người Ấn Độ sau đó kể lại rất nhiều, trở thành một huyền thoại của họ về Bác Hồ.

Chính từ cái ngày định mệnh năm 1958 đó mà chàng đảng viên cộng sản trẻ 26 tuổi đời Geetesh Sharma đã quyết định gắn một phần của đời mình để nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Dù chỉ được nhìn Người và chứng kiến sự việc từ xa, nhưng đức hạnh toát ra từ vị lãnh tụ đến từ đất nước Việt Nam xa xôi đã thôi thúc ông tìm hiểu và nghiên cứu về con người Hồ Chủ tịch cũng như mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam

Bữa ăn đáng nhớ

Người Ấn Độ có tập tục văn hóa rất khác lạ, khi ăn cơm họ không dùng dao, thìa, dĩa mà lại dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Kể cả các nguyên thủ quốc gia hay hay lãnh đạo cao cấp cũng thường dùng tay để bốc. Tuy nhiên, tại những bữa tiệc quốc tế thì người ta phải dùng dao, thìa, dĩa thay vì bốc tay cho lịch sự. Cũng trong chuyến thăm lần ấy (1958), trong một bữa tiệc do Thủ tướng Nehru chiêu đãi Bác Hồ có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Khi món thịt gà được nhà bếp bày lên, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ dường như cũng rất muốn dùng tay bốc thịt gà. Bác Hồ rất tinh ý, Người liền nói với Thủ tướng Nehru: " Thịt gà là phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch". Nghe Bác Hồ nói vậy, cả bàn tiệc cười ầm cả lên làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật. Câu chuyện đó sau này thường được các cụ già kể lại cho con cháu nghe mỗi khi họ nhắc đến Bác Hồ.

Tình bạn vượt không gian

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất được nhân dân Ấn Độ ngưỡng mộ và kính trọng, đặc biệt là những người già ở Kolkata. Nơi đây đặc biệt có quan hệ lịch sử và hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Năm 1947, Kolkata đã chứng kiến nhiều thanh niên ngã xuống đòi độc lập cho Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, những bài viết ủng hộ Việt Nam và đòi hòa bình, thống nhất cho Việt Nam luôn nóng hổi trên các mặt báo ra của Ấn Độ. Tại Kolkata, người ta dành tình cảm cho Việt Nam và Hồ Chí Minh nhiều đến mức người dân tự đổi tên một con đường thành Đường Hồ Chí Minh. 10 năm sau, trước nguyện vọng tha thiết của nhân dân, chính quyền đã chính thức công nhận con đường này. Con đường này giao với đại lộ Jawaharlal Nehru. Đó là biểu trưng cho tình bạn của hai vị lãnh tụ vĩ đại Jawaharla Nehru - Hồ Chí Minh và tình bằng hữu Ấn Độ-Việt Nam. Gặp nhau tại một hội thảo quốc tế ở Brúc-xen năm 1929, quan hệ mật thiết giữa hai vĩ nhân đã trải dài suốt cuộc đời họ. Năm 1943, khi Hồ Chí Minh bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, còn Jawaharlal Nehru là một tù nhân của chế độ thực dân Anh, Hồ Chí Minh đã gửi những vần thơ đầy nhiệt huyết đến Jawaharlal Nehru: "Chúng ta ngàn dặm xa cách, chúng ta giao tiếp mà chẳng cần đến lời nói, những ý tưởng gắn kết bạn và tôi".

Đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Jawaharlal Nehru đã viết: "Ông không chỉ là một người yêu chuộng hòa bình mà còn là một người có tính cách thân thiện và dễ gần, một người chưa bao giờ từng nghĩ cho bản thân mình, một người giản dị và khiêm nhường. Là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông không giam mình trong tòa tháp ngà. Ông mang cốt lõi là con người của quần chúng, một nhà lãnh đạo biết dung hòa giữa lòng vị tha hiếm có và quyết tâm sắt đá. Dù cho là chuẩn mực nào, Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất của thời đại chúng ta".

Ngọn nến thứ 120

Trở lại Việt Nam nhân dịp mừng sinh nhật Bác tròn 120 tuổi, Geetesh Sharma mang rất nhiều hiện vật là minh chứng cho quan hệ nồng hậu Ấn Độ-Việt Nam, ông hy vọng chúng có thể giúp cho thế hệ trẻ ngày nay hiểu rõ về cốt cách của một vĩ nhân, và học tập theo tấm gương Hồ Chí Minh. Ông cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi mơ ước cả đời của Hồ Chí Minh là một thế giới hòa bình không chiến tranh đã trở thành hiện thực và mối quan hệ Việt - Ấn ngày một tốt đẹp hơn.

Kết thúc buổi chuyện trò thân mật với Sức khỏe & Đời sống, nhà báo Geetesh Sharma gửi những lời tri ân tốt đẹp nhất đến người cha già dân tộc và mong rằng Bác sẽ sống mãi cùng thời gian, trong trái tim con người Việt Nam cũng như bạn bè trên khắp năm châu bốn bể.

BQT


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn