Bác Hồ một tình yêu bao la
Năm 1979, nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác Bác Hồ một tình yêu bao la theo đặt hàng của nhà xuất bản Văn Hóa để chuẩn bị cho 90 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch. Bài hát được phát sóng lần đầu tiên trên Đài tiếng nói Việt Nam qua phần thể hiện của nghệ sĩ Thanh Hoa, lập tức nhận được sự yêu mến của công chúng.
Không dùng những từ ngữ cao siêu, lý tưởng hóa, ca khúc khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch của đời thường, gần gũi với “cụ già”, “cháu nhỏ”, “đoàn dân công” và “người chiến sĩ”… Giai điệu trang trọng, tha thiết đi cùng ca từ dung dị, giàu tình cảm đã khiến ca khúc đi vào lòng người.
Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người
Ca khúc được nhạc sĩ Trần Kiết Tường sáng tác năm 1960 tại Hà Nội. Ông đã sử dụng hàng loạt phép so sánh hơn trong bài: “Bao la hơn những cánh đồng, mênh mông hơn mặt biển Đông, êm đềm hơn những dòng sông” hoặc “Nồng nàn hơn ánh ban mai, đẹp tình hơn cánh hoa mai, hùng thiêng hơn núi sông dài”.
Những hình ảnh thiên nhiên được đem ra “làm đòn bẩy” để nhấn mạnh rằng không một từ ngữ, lời ca ngợi nào có thể diễn tả một cách trọn vẹn và sâu sắc lòng kính yêu của dân tộc Việt Nam dành cho Hồ Chí Minh. Điệu hò dân gian của vùng Cần Thơ “gạo trắng nước trong” được người nhạc sĩ khéo léo sử dụng tạo nên âm hưởng tha thiết và tràn đầy xúc động.
Người về thăm quê
Nhạc sĩ Thuận Yến là một trong những người có nhiều sáng tác hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác, ca khúc Người về thăm quê của ông cũng nhận được nhiều tình cảm yêu mến từ khán giả. Giai điệu bài hát thân thuộc như một khúc dân ca dễ đi vào lòng người: “Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương, Người về đây thăm làng Chùa quê mẹ và làng Sen quê cha…”.
Ca từ trữ tình, nên thơ gợi lại những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh dễ khiến người nghe xúc động bùi ngùi. Hình ảnh Hồ Chủ tịch trong bài gắn bó với quê hương xứ Nghệ - nơi chôn rau cắt rốn có nét gì đó rất riêng tư, rất “nhân bản” mà ở nhiều bài hát khác không thể hiện được.
Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh về với "thế giới người hiền", để lại bao nỗi tiếc thương cho toàn dân tộc. Nghe tin, nhạc sĩ Xuân Giao đặc biệt xúc động bởi khi còn nhỏ, ông từng có cơ hội được gặp Người. Lời hát Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ cứ thể nảy ra trong đầu người nghệ sĩ.
Ca khúc đã nói hộ cho tấm lòng của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam: được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài đời, “hôn đôi má Bác” và múa hát cho Người xem. Chân dung vị cha già dân tộc hiện lên trong ánh mắt trẻ thơ gần gũi, thân quen như một vị Tiên ông trong chuyện cổ tích: “Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ”.
Bài hát với ca từ giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc nên được trẻ em yêu thích và thuộc nằm lòng.
Đêm Trường Sơn nhớ Bác
Năm 1972, nhà thơ Nguyễn Trung Thu đang là một binh nhì tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Trong một đêm khó ngủ, ông ôm võng ra mắc nằm bên suối. Đêm đã khuya, không gian tĩnh mịch, trăng vằng vặc sáng rực cả đại ngàn. Chàng chiến sĩ trẻ chợt nghĩ cảnh Trường Sơn lúc này y hệt cảnh rừng Việt Bắc năm nào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã miêu tả trong bài thơ Cảnh khuya .
Ông liền rút bút bi, dưới ánh trăng, viết vội lên lòng bàn tay những câu thơ đầu tiên. Năm 1974, bài thơ ấy được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc thành bài hát. Từ đó, Đêm Trường Sơn nhớ Bác trở thành một bài hát quen thuộc với những người lính. Ca từ lãng mạn, bay bổng, trẻ trung khắc họa tâm tình người lính trẻ cùng lòng kính yêu của họ đối với Hồ Chủ tịch.
Lời Bác dặn trước lúc đi xa
Năm 1989, khi đang chữa bệnh tại bệnh viện Việt-Xô, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - khi đó cũng đang chữa bệnh tại đây, kể cho nghe một câu chuyện xúc động. Đó là câu chuyện về một nữ y tá hát dâng Hồ Chủ tịch khúc quan họ Người ơi người ở đừng về trong những ngày cuối cùng của Người. Tâm hồn người nghệ sĩ dâng trào cảm hứng sáng tác.
Ít lâu sau, ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa ra đời. Ca từ tha thiết của bài hát chạm đến trái tim của người nghe. Người Cha già trước lúc đi xa “sang bên kia bầu trời” vẫn lưu luyến, nặng tình với quê hương đất nước. Qua đó, bài hát như một lời dặn dò những thế hệ sau này phải biết trân trọng và gìn giữ bản sắc dân tộc. Chất liệu dân ca được nhạc sĩ Trần Hoàn khéo léo khai thác khiến bài hát càng trở nên gần gũi, có sức sống lâu bền với đông đảo quần chúng.
The Ballad of Ho Chi Minh
Năm 1954, Việt Nam làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Edward MacColl, một nhạc sĩ người Anh, nhân cảm hứng ấy cùng lòng kính phục sẵn có dành cho Hồ Chủ tịch đã sáng tạo nên The Ballad of Ho Chi Minh. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên trong bài như một vị anh hùng giải phóng dân tộc, người đã bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, dẫn dắt Việt Nam trên con đường giành lại hòa bình và tự do.
Nhịp điệu bài hát là làn điệu dân ca cổ saxon, được dùng để nói lên tình cảm của người dân nước Anh dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài hát sau đó được ca sĩ Quang Hưng mang về Việt Nam và nhạc sĩ Phú Ân Việt hóa rất thành công.
Anh Trâm