Hà Nội

Hôm nay, bắt đầu lọc ảo xét tuyển đại học

13-08-2024 06:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành lọc ảo nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024 trên toàn quốc trong 6 lần, từ hôm nay (13/8) đến 17h ngày 17/8.

Quy trình lọc ảo xác định điểm chuẩn đại học 2024 diễn ra thế nào?

Bộ GD&ĐT cho biết, quy trình lọc ảo là việc sử dụng phần mềm xét tuyển để lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống. Điều này đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất ở một phương thức trong danh sách nguyện vọng thí sinh đăng ký đủ điều kiện trúng tuyển, theo nguyên tắc ưu tiên nguyện vọng cao hơn.

Việc lọc ảo được Bộ GD&ĐT thực hiện 6 lần theo quy trình, bắt đầu từ hôm nay (13/8) đến 17h ngày 17/8. Sau đó, các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần thứ 6 và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển.

Bên cạnh quá trình lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT, các đơn vị cũng hình thành 2 nhóm lọc ảo phía Bắc và phía Nam. Nhóm lọc ảo phía Bắc do ĐH Bách khoa chủ trì và nhóm lọc ảo phía Nam do ĐH Quốc gia TP.HCM điều phối.

Trước 17h ngày 17/8, các trường sẽ nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đợt 1 năm 2024. Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Hôm nay, bắt đầu lọc ảo xét tuyển đại học- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Hệ thống lọc ảo sẽ hoạt động như sau: tất cả các thí sinh dù đăng ký xét tuyển theo phương thức nào cũng sẽ đăng ký trực tuyến lên cổng thông tin chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian quy định. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự từ một đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là cao nhất.

Kết thúc thời gian đăng ký, các trường tải xuống từ phần mềm dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình, tự chạy phần mềm xét tuyển riêng của trường và cập nhật kết quả thí sinh trúng tuyển trở lại phần mềm chung của bộ để chạy lọc ảo trên toàn hệ thống.

Bộ GD&ĐT lưu ý các trường: Hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng thấp hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống, không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà trường đã xác định. Hệ thống không xét tuyển thay cho các trường. Các trường sẽ nhận được đầy đủ thông tin ưu tiên của thí sinh sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

Thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành. Vì vậy các trường có sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển thì phần mềm phải xét tuyển tất các các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh (nếu đáp ứng các quy định) theo đề án tuyển sinh đã công bố và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả trúng tuyển của thí sinh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo.

Khi được thông báo trúng tuyển đại học, thí sinh phải làm gì để tránh bị trượt?

TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, đến thời hạn xác nhận nhập học, thí sinh trúng tuyển nhưng từ chối nhập học, nếu không xác nhận nhập học thì coi như từ bỏ quyền trúng tuyển đại học đầu tiên để tham gia đợt xét tuyển bổ sung.

Khi trúng tuyển, hội đồng tuyển sinh các trường có trách nhiệm thông báo cho thí sinh như nhắn tin, công bố tên trên trang web, nhưng phải có giấy gọi nhập học của cơ sở giáo dục đào tạo (hồ sơ nhập học cụ thể gồm gì, học phí, lệ phí khác ra sao…).

Bên cạnh đó, sau khi trúng tuyển, thí sinh nên tìm hiểu về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và các hoạt động học thuật, văn hóa, nghệ thuật, giải trí để sớm định hướng con đường phát triển cho mình trên giảng đường đại học. Đối với các bạn ở xa, việc sớm tìm kiếm nhà trọ, phương tiện di chuyển cũng như dành thời gian để học hỏi và thích nghi văn hóa địa phương là một trong những điều cần thiết.

Năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% số dự thi tốt nghiệp THPT), tăng khoảng 73.000 so với năm ngoái.

Trong gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực, thí sinh đăng ký nhiều nhất vào nhóm kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ. Tiếp sau đó là lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, sư phạm. Đặc biệt, nhóm ngành đào tạo giáo viên có số nguyện vọng tăng 85% so với năm ngoái (tương đương 200.000 nguyện vọng).

Hơn 330.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại họcHơn 330.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học

SKĐS - Bộ GD&ĐT vừa cho biết, tính đến 17h hôm nay (30/7) - thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển đại học, hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng, tăng 73.000 so với năm ngoái.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn