Thực tế nhiều thí sinh vẫn tỏ ra lúng túng, băn khoăn chưa biết nên chọn nguyện vọng ra sao để nâng cao tỷ lệ trúng tuyển cũng như thực hiện đăng ký sao cho đúng.
Những yếu tố cần lưu ý khi chọn ngành, nguyện vọng đăng ký
Liên quan đến cách sắp xếp nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ "bí quyết" để hạn chế tối đa nguy cơ chẳng may không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh chia các nguyện vọng mình dự định đăng ký theo ba nhóm có mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp, căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT và các dữ liệu liên quan của nguyện vọng dự định đăng ký (điểm chuẩn, phổ điểm, chỉ tiêu…).
Trong đó, nhóm 1 là các nguyện vọng có điểm chuẩn cao hơn từ 1 đến 3 điểm so với điểm thi; nhóm 2 là các nguyện vọng có điểm chuẩn tương ứng với điểm thi; nhóm 3 là các nguyện vọng thấp hơn từ 1 đến 3 điểm so với điểm thi để dự phòng.
Thí sinh yêu thích nguyện vọng nào nhất và thấy phù hợp nhất với năng lực của mình thì đặt đó là nguyện vọng 1, tiếp dần đến hết.
Toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.
Tất cả nguyện vọng của thí sinh dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Nếu thí sinh không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống thì thí sinh sẽ không được ghi nhận.
Lưu ý với thí sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối trên Hệ thống, không được dừng lại và thoát giữa chừng. Việc dừng lại và thoát ra khỏi Hệ thống giữa chừng sẽ khiến các thao tác của thí sinh không được ghi nhận. Trường hợp muốn thay đổi nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cũng thực hiện tương tự và thao tác tới các bước cuối cùng.
Ngoài ra, trong quá trình đăng ký và sắp xếp nguyện vọng, thí sinh cũng có thể mắc những sai lầm đáng tiếc. Chẳng hạn, nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên hoặc cho rằng, bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1 là ngành/trường đã trúng tuyển sớm.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm ở vị trí số 1.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống, thí sinh không cần chọn phương thức xét tuyển, mà chỉ lựa chọn ngành, trường yêu thích. Hệ thống sẽ tự động rà soát tất cả dữ liệu mà thí sinh đã cung cấp để xem xét.
Nếu thí sinh trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức nào trong số dữ liệu có trên Hệ thống, các em sẽ được xác nhận trúng tuyển. Như vậy, việc của thí sinh là phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất, thí sinh mong muốn trúng tuyển nhất.
Để gia tăng cơ hội trúng tuyển, PGS.TS Chu Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên lưu ý, thí sinh cần "chiến thuật" hợp lý.
Theo đó, không nên lựa chọn quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng. Các em có thể chọn từ 1 đến 3 trường đại học; mỗi trường khoảng 3 nguyện vọng. Sau đó, chia các nguyện vọng thành 3 nhóm: Nhóm 1 là những ngành, trường yêu thích nhưng điểm đầu vào các năm trước cao hơn điểm thi. Nhóm 2 là ngành, trường yêu thích và có điểm chuẩn năm trước bằng điểm thi. Nhóm 3 là những ngành, trường yêu thích và có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn điểm thi.
Các mốc thời gian quan trọng
Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, từ 18/7 - 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Sau khi đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng, từ 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.
Từ 22/7 - 17h ngày 31/7, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.
Trước 17h ngày 19/8, các trường thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Chậm nhất là 17h ngày 27/8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Thí sinh phải bám sát quy trình xét tuyển, không bỏ lỡ những mốc thời gian quan trọng đã được công bố trong kế hoạch tuyển sinh chung.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2023, khoảng 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Trong số này, hơn 610.000 em trúng tuyển đợt 1. Có 5 lĩnh vực đào tạo ghi nhận có tỉ lệ thí sinh chọn nhiều nhất là Kinh doanh và quản lý; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Nhân văn; Sức khỏe.