Học hộ, thi hộ trên mạng xã hội nhan nhản như 'nấm sau mưa'

05-01-2025 16:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịch vụ học hộ, thi hộ chẳng khác nào một thị trường "ngầm" mà sinh viên hiện nay coi là điều hiển nhiên. Chỉ cần tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội sẽ có hàng trăm hội nhóm học hộ, thi hộ với nhiều mức giá khác nhau.

Học hộ, thi hộ tràn lan, công khai

Chỉ cần một cú click chuột với từ khóa "học hộ, thi hộ" trên các nền tảng mạng xã hội, ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng loạt các nhóm, hội kín với hàng trăm nghìn thành viên với lời mời chào hẫp dẫn như: "Học thuê, học hộ & Hỗ trợ học tập - Uy tín, trách nhiệm, giá rẻ" với gần 140.000 thành viên; "Học hộ - Thi hộ - Hỗ trợ học tập - Uy tín không cọc" với 23.000 thành viên…

Dịch vụ học hộ, thi hộ cho sinh thường được giao dịch ở các nhóm kín trên các nền tảng như Facebook, Zalo, và cả TikTok. Mức giá cho dịch vụ học hộ trung bình từ 70.000 - 200.000 đồng cho mỗi buổi học. Đối với thi hộ, chi phí sẽ cao hơn, tùy thuộc vào độ khó của môn thi.

Học hộ, thi hộ trên mạng xã hội nhan nhản như 'nấm sau mưa' - Ảnh 1.

Học hộ, thi hộ trên mạng xã hội nhan nhản như 'nấm sau mưa' - Ảnh 2.

Học hộ, thi hộ trên mạng xã hội nhan nhản như 'nấm sau mưa' - Ảnh 3.

Học hộ, thi hộ trên mạng xã hội nhan nhản như 'nấm sau mưa' - Ảnh 4.

Các nhóm "học hộ, thi hộ" trên mạng xã hội với số lượng thành viên "khủng" lên tới hàng chục nghìn người không khó tìm.

Một sinh viên hai ở Hà Nội chia sẻ: "Do lịch đi làm thêm bị trùng với lịch học nên đôi khi chúng em tìm người đi học hộ và thi hộ. Chúng em có một nhóm kín, ai có nhu cầu thì báo để giúp nhau. Các môn mà sinh viên chúng em thường thuê người đi học hộ là các môn bắt buộc ở hầu hết các trường đại học như môn đại cương, ngoại ngữ... Giá dịch vụ “đến điểm danh xong về” thường 50 - 100 nghìn đồng, dịch vụ “học đến hết buổi” sẽ có giá từ 150 - 250 nghìn đồng, còn đi thi hộ thì cao hơn".

"Em nhận đi học hộ đã hai năm nay, có người thuê thì em làm thôi. "Khách hàng" trả tiền chỉ để ngồi trên lớp vài tiếng thì tội gì mà không làm, việc nhẹ mà lương lại cao. Những ngày càng gần lịch nghỉ Tết, lịch học hộ của em lại nhiều hơn do sinh viên bận đi làm thêm. Mỗi buổi đi học hộ chỉ cần điểm danh đầy đủ và gửi minh chứng sau buổi học là em nhận được 80.000 đồng", T.Đ.A - sinh viên năm cuối chia sẻ.

Thi hộ, học hộ bị xử lý thế nào?

Căn cứ Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Điều 22 Luật Giáo dục nghiêm cấm các hành vi gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác là một trong những hành vi học sinh sinh viên không được thực hiện.

Nếu thực hiện hành vi thi, kiểm tra hộ hoặc nhờ thi, kiểm tra hộ lần đầu có thể bị áp dụng hình thức xử lý đình chỉ học tập 1 năm học, lần 2 có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học hoặc các hình thức kỷ luật khác theo nội quy của nhà trường. Đối với hành vi tổ chức học, thi, kiểm tra hộ thì có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học hoặc tùy theo mức độ có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi về thực trạng này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Việc học hộ, thi hộ không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng mà còn là sự coi thường giá trị học tập chân chính. Sinh viên sẽ không có được kiến thức thực tế và khi ra trường, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu công việc.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, để giải quyết tình trạng này, các trường đại học cần áp dụng giải pháp toàn diện và đồng bộ, trong đó bao gồm: Tăng cường giám sát: Các trường đại học cần đầu tư vào công nghệ giám sát hiện đại như hệ thống điểm danh điện tử, nhận diện khuôn mặt trong các kỳ thi để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Các nhà trường cần tổ chức những buổi hội thảo về đạo đức học đường và trách nhiệm cá nhân, giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập thực chất và hậu quả nghiêm trọng của hành vi gian lận.

Gần 40 trường đại học đã có phương án tuyển sinh 2025Gần 40 trường đại học đã có phương án tuyển sinh 2025

SKĐS - Tính đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 để phụ huynh và học sinh tham khảo.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn