Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn
Năm 2025, Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Với phương án này, từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giảm 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) sẽ không còn. Đây cũng là lần đầu tiên Tin học và Công nghệ được đưa vào môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 Bộ GD&ĐT công bố mới đây, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn, Bộ GD&ĐT quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn. Các môn này cần phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Ví dụ, trường sử dụng tổ hợp A00, A0, B00 là phù hợp vì có các môn chung. Quy định này tránh tình huống trường sử dụng tổ hợp lạ trong xét tuyển như thời gian vừa qua. Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.
Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển ở đại học
Theo ghi nhận, các trường đại học đang tính toán phương án xây dựng tổ hợp xét tuyển từ năm 2025 phù hợp với chương trình mới, nhưng đều thống nhất quan điểm là không có sự thay đổi quá lớn làm xáo trộn kế hoạch học tập cũng như định hướng nghề nghiệp của học sinh. Một số trường dự kiến xây dựng tổ hợp xét tuyển gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1-2 môn điều kiện cần phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo.
Với số môn và cách chọn môn như trên, năm 2025 sẽ có tới 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Do đó, các trường đại học sẽ phải tính toán và điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp với Chương trình GDPT 2018.
Tới thời điểm này, một số trường đại học đã công bố dự kiến điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2025.
Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) là trường sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển áp dụng cho tất cả các ngành/chuyên ngành, tất cả các phương thức xét tuyển, gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn, Toán - Tiếng Anh - Vật lý, Toán - Tiếng Anh - Tin học, Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật. Như vậy, trong 2 tổ hợp mới, trường sử dụng 2 môn mới của Chương trình GDPT 2018 là môn Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhưng đảm bảo nguyên tắc 3 môn trong tổ hợp. Theo đó, vẫn đảm bảo duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024 trong các phương thức có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT phù hợp với các môn thi từ năm 2025. Đồng thời, trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp.
Trường ĐH Công thương TP.HCM dự kiến có 4 tổ hợp xét tuyển và mỗi tổ hợp gồm 3 môn cho mỗi ngành đào tạo. Trong đó, Toán được xem là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành: Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính ngân hàng và các ngành kỹ thuật. Ngữ văn là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành có liên quan đến quản trị và xã hội như: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật kinh tế. Tiếng Anh là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành: ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc.
Năm 2025, ĐH Bách Khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng; Xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo ThS. Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, đến nay các trường đại học cũng không hình dung được khi học sinh chọn tổ hợp môn nào phổ biến nhất. Hiện các trường khi xây dựng tổ hợp môn căn cứ trên yêu cầu đào tạo, ví dụ Công nghệ thông tin thì môn Toán là bắt buộc bên cạnh môn Tin học hoặc Công nghệ. Nhưng hiện nhà trường không có khảo sát nào về việc bao nhiêu học sinh học các môn này. Do đó, các trường đại học hiện đang gặp khó khăn trong việc xây dựng tổ hợp môn xét tuyển năm tới.
"Mong muốn của các trường đại học là có phương án để học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với môn học lựa chọn bậc phổ thông đồng thời phù hợp với yêu cầu, đặc thù ngành đào tạo là quan trọng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến khâu tuyển sinh đầu vào mà còn để khi học và ra trường'', ThS. Trương Thị Ngọc Bích nêu quan điểm.
ThS. Trương Quang Trị - Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, đến thời điểm này trường cũng có phương án dự kiến các phương thức xét tuyển cho năm 2025. Cụ thể gồm: xét dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét điểm các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; xét tuyển thẳng. Trường đã dự kiến phương án này và sẽ công bố khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh chính thức. Riêng về định hướng xây dựng tổ hợp môn xét tuyển, thạc sĩ Trị chia sẻ: "Trường sẽ cân đối tổ hợp môn xét tuyển để thí sinh có sự lựa chọn tốt nhất, nhưng cơ bản giữ ổn định so với năm trước".
Kiến nghị trường đại học xây dựng các tổ hợp xét tuyển phù hợp
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị giải pháp đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung chương trình GDPT 2018, triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 với tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học từ năm 2025.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành được đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc đại học. Đặc biệt, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp "lạ".