Theo các học giả quốc tế, việc Trung Quốc vẽ khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên bản đồ "đường lưỡi bò" thể hiện sự mập mờ trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 21/6, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế: "Hoàng Sa - Trường Sa, sự thật lịch sử" đang diễn ra tại Đà Nẵng, các học giả trong nước và quốc tế đã tham dự hai phiên Tọa đàm về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.
Đánh giá về tính pháp lý của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, các học giả cho rằng dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào thì đây đều là hành động bất hợp pháp. Theo tọa độ của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, vị trí hoạt động của giàn khoan hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
-
Các học giả trao đổi tại Hội thảo quốc tế: "Hoàng Sa - Trường Sa, sự thật lịch sử". Ảnh: Nguyễn Đông
Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực này là không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Thêm vào đó, Trung Quốc vẽ khu vực hoạt động của giàn khoan 981 trên bản đồ "đường lưỡi bò" thể hiện sự mập mờ trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nhiều diễn giả chỉ rõ những nội dung phi lý trong lập luận của Trung Quốc về việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Theo đó, Trung Quốc coi vị trí hoạt động của giàn khoan này thuộc vùng tiếp giáp của quần đảo Hoàng Sa là không thể chấp nhận.
Giàn khoan trái phép của phía Trung Quốc không chỉ phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, mà còn đe dọa đến hòa bình khu vực, an toàn, tự do hàng hải. Quan điểm của Trung Quốc về vùng nước hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 cũng không nhất quán. Lúc đầu nước này thông báo đây là khu vực thuộc lãnh hải của đảo Tri Tôn, nhưng sau lại cho rằng thuộc vùng tiếp giáp của đảo Tri Tôn.
Ý đồ của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là bước leo thang mới nhằm hiện thực hoá yêu sách "đường lưỡi bò" và khống chế, độc chiếm Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Năm 2012, Trung Quốc khống chế bãi cạn Scarborough của Philippines, nằm ở phía đông "đường lưỡi bò". Còn lần hạ đặt giàn khoan này nằm ở phía tây "đường lưỡi bò". Trung Quốc cũng đã nhiều nhiều lần diễn tập quân sự ở bãi Tăng Mẫu, điểm cực nam của "đường lưỡi bò", rõ ràng mục tiêu của Trung Quốc là từng bước hiện thực hoá "đường lưỡi bò".
Trước việc Trung Quốc ngoan cố không rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, không chịu ngồi vào đàm phán với Việt Nam, các diễn giả cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng các biện pháp pháp lý và các cơ chế tài phán quốc tế. Việt Nam đã nỗ lực và thiện chí giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, nhưng cũng cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này để tạo sức ép với Trung Quốc, ngăn cản những hành động leo thang mới.
-
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc được các học giả quốc tế nhận định là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế. Ảnh: Nguyễn Đông
Trước tiên, cần yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế. Trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, có thể khởi kiện ra tòa theo một số vấn đề: hiệu lực của đảo, nghĩa vụ phải đạt được thoả thuận tạm thời trong vùng có tranh chấp; các vi phạm an ninh, an toàn và tự do hàng hải…
Trao đổi với VnExpress hôm qua (20/6), Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nói: "Vấn đề Biển Đông, nhất là vấn đề Hoàng Sa hiện nay Việt Nam cần giải quyết công khai. Ý định kiện Trung Quốc là hợp với chủ trương đấu tranh bằng hòa bình. Đưa ra tòa là hòa bình nhất".
Liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, nhiều diễn giả quốc tế nhận định đây là vùng lãnh thổ có tranh chấp; việc Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc, không có tranh chấp là không thể chấp nhận được. Hành động cố gắng thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002.
Ông J. Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cho rằng "ngay cả nếu Hoàng Sa là của Trung Quốc (thực tế không phải vậy) thì các đảo của Hoàng Sa cũng không thể có vùng biển rộng lớn vì nằm đối diện với bờ biển rất dài của Việt Nam".
-
Học giả và phóng viên quốc tế đến tham quan tàu ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm. Ảnh: Dương Anh
Chiều cùng ngày, các đại biểu trong khuôn khổ hội thảo quốc tế đến tham quan tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5. Các ngư dân cùng chủ tàu kể với phóng viên và học giả quốc tế về hành động tội ác, vô nhân đạo của tàu vỏ sắt Trung Quốc khi cố ý đâm chìm, cản trở việc cứu người đối với ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa.
Chủ tàu ĐNa 90152, bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nói rằng bà hiến tặng thân tàu cho thành phố Đà Nẵng để trưng bày bằng chứng tố cáo tội ác của Trung Quốc. Tới đây, bà tiếp tục vay mượn và cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để đóng tàu mới, tiếp tục trực chỉ ngư trường Hoàng Sa.
Trả lời câu hỏi của các học giả, rằng biết vùng biển Hoàng Sa nguy hiểm sao ngư dân Việt Nam vẫn cho tàu ra khơi, bà Hoa bộc bạch: "Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của cha ông chúng tôi, đó còn là chủ quyền từ bao đời nay của Việt Nam, chúng tôi không sợ hay chùn bước mà quyết bám biển đến cùng".
- Vụ giàn khoan HD981:Không dễ dàng…bẻ một bó đũa
- Dư luận thế giới về vụ dàn khoan HD981
- Hai “quả đấm thép” của Cảnh sát biển sẽ tiếp cận giàn khoan 981
- Giàn khoan 981 đã khoan xuống đáy biển Việt Nam chưa?
- Triệu hồi Tổng lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc đặt giàn khoan 981
- Nỗi tủi hổ của giàn khoan HD 981
- Cận cảnh tàu tuần tra lớn nhất Việt Nam điều ra giàn khoan
- Đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan HD 981
- Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
- Hai ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong vụ đặt giàn khoan HD-981
- Trung Quốc tăng phạm vi cấm quanh vị trí đặt giàn khoan 981
- Trung Quốc "cảnh báo" bình luận của Mỹ về biển Đông
- Chào cờ xếp hình Tổ quốc hướng về Biển Đông
- Báo chí thế giới lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
- ASEAN ra tuyên bố lịch sử về biển Đông
- "Biển Đông căng thẳng, ASEAN cần đoàn kết và có phản ứng chung"
- Các ngoại trưởng ASEAN quan ngại tình hình ở Biển Đông
- "Trung Quốc đang biến Biển Đông thành nồi nước sôi”
- Nga tuyên bố không khoan dầu cùng Trung Quốc
- Cư dân mạng Trung Quốc phê phán cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh
- Người tiêu dùng và tiểu thương tẩy chay, ngừng bán hàng Trung Quốc
- Lộ diện nhóm hacker Trung Quốc
- Người lao động Bình Dương xuống đường phản đối Trung Quốc