Trong nền mỹ thuật Việt Nam nhiều chục năm qua, họa sĩ Ngọc Linh không còn là cái tên xa lạ với công chúng và người yêu nghệ thuật tạo hình cũng như điện ảnh. Ông sinh năm 1930, là cháu nội cụ Vi Văn Định - Tổng đốc Hà Đông (cũ).
Họa sĩ Ngọc Linh tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi trên chiến khu Việt Bắc. Sau khi học xong khóa Họa sĩ kháng chiến (1950 - 1953), ông được phân công về ngành điện ảnh, từng công tác ở khu Đồi cọ và sau đó trở thành họa sĩ thiết kế mỹ thuật của Xưởng phim truyện Việt Nam, từ năm 1954.
Họa sĩ Ngọc Linh trong triển lãm gần nhất tại Hà Nội
Thời gian làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam, ông là họa sĩ thiết kế cho 25 bộ phim, trong đó có nhiều phim nổi tiếng đời đầu dòng phim Cách mạng Việt Nam như: Chung một dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Sao tháng Tám... Bên cạnh đó, họa sĩ Ngọc Linh đã tham gia thiết kế nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu với các thể loại chèo, kịch nói, nhạc kịch…
Áp-phích phim Chung một dòng sông (1959)
Theo họa sĩ Ngọc Linh, ông tham gia cả thảy 25 bộ phim nhưng chưa một lần nào nhận tiền nhuận bút cho tác giả thiết kế mỹ thuật. “Tôi chỉ quan tâm đến việc duy nhất là làm được cái mình vui thú, vì thế, tôi có thể thiệt thòi như lương hưu thấp, không được các danh hiệu cao quý hơn,... nhưng bù lại, sự tự do sáng tạo của tôi thì không bị ai can thiệp. Chính vì thế, tôi cân bằng được giữa điện ảnh và mỹ thuật và có nhiều lúc, tôi cảm thấy mình rất may mắn trong nghề nghiệp” – họa sĩ Ngọc Linh từng chia sẻ với truyền thông.
Ở lĩnh vực hội họa, công chúng biết đến họa sĩ Ngọc Linh với nhiều tác phẩm tiêu biểu, tràn đầy sức sống cuồn cuộn tựa núi rừng, với cái tôi và sự tự do được tung hoành sáng tạo như bầu trời quê hương ông: Những ngày tôi mơ ước (Bột màu, 1969), Những nẻo đường nai đi (Lụa, 1988), Mùa xuân (Sơn mài, 2001) và Bộ tranh ký họa hơn 100 bức chân dung các nghệ sĩ. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993.
Những nẻo đường nai đi - tác phẩm của họa sĩ Ngọc Linh
Cuối năm 2020, họa sĩ Ngọc Linh có triển lãm “90 mùa Xuân” nhân sinh nhật tuổi 90 của ông, tạo được dấu ấn đậm nét với công chúng. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 11 của ông và điều đặc biệt, triển lãm này mang tới cho người xem một bộ tranh về Hà Nội – nơi không phải quê hương nhưng là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn người nghệ sĩ từ thời trẻ tuổi của ông.
Hà Nội dưới góc nhìn họa sĩ Ngọc Linh nên thơ, say đắm. Qua bàn tay của người nghệ sĩ, người xem thấy Ô Quan Chưởng đang bung sức xuân với sắc hồng, nhà thờ Cửa Bắc trở nên nổi bật, gần gũi hay một Văn Miếu - Quốc Tử Giám như quay về thời hoàng kim với sắc vàng tráng lệ. Xem tranh của Ngọc Linh, độc giả cảm thấy đường nét mộc mạc, màu sắc, bố cục uyển chuyển, biến hóa bất ngờ.