Vài năm gần đây, nhiều độc giả không còn thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn. Lý do là đầu năm 2020, ông bị tai biến, hiện vẫn đang trị liệu. Còn trước đó, ông mắc bệnh tuổi già gồm thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trước khi đổ bệnh
Trước khi gặp vấn đề về sức khỏe, Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn có những tác phẩm đặc sắc trong nền văn học Việt Nam đương đại. Tác phẩm của ông viết đa đề tài từ lịch sử đến cổ tích, huyền thoại, từ xã hội Việt Nam đương thời đến chân dung tầng lớp những cựu chiến binh, người lao động. Ông phản ánh hiện thực xã hội bằng ngôn ngữ độc đáo, từ “ngôn ngữ nhà binh” đến “ngôn ngữ dân sự”, ý và tứ đan xen vào nhau tạo thành một lối hành văn hết sức “kỳ lạ” bởi nó chẳng những lôi cuốn người đọc mà còn khiến họ phải nhớ mãi những tình tiết nhỏ.
Tướng về hưu - một tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp
Nhiều tác phẩm văn xuôi của ông được bạn đọc chú ý như: Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Sang sông, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Giăng lưới bắt chim, Thương nhớ đồng quê, Quan âm chỉ lộ...Đặc biệt phải kể đến Tướng về hưu (phổ biến lần đầu vào tháng 6-1987 trên Báo Văn nghệ) - một truyện ngắn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Năm 1988, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi ra mắt bộ phim tâm lý xã hội cùng tên Tướng về hưu, để lại nhiều ấn tượng với người xem. Ngoài ra, nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được dịch sang tiếng Pháp, Anh, Italy, Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia...
Điều đặc biệt, dù ở thời điểm nào, nhiều độc giả khi đọc truyện của Nguyễn Huy Thiệp vẫn nhận ra nét riêng mang đậm dấu ấn của tài năng tác giả này. Nó cho thấy ông không chỉ bao quát cuộc sống, không chỉ xoáy vào nhiều đề tài con người ở thành thị, nông thôn, miền núi mà còn mở ra một phong cách truyện ngắn mới của văn học Việt Nam hiện đại.